Đám cưới thời nay: Niềm vui hay là nỗi lo sợ

Cưới hỏi vốn là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, là một nghi lễ không thể thiếu trong ngày trọng đại của mỗi đời người. Thế nhưng ngày nay, sự biến tướng, rườm rà từ khâu tổ chức cho đến lễ lạt đang làm mất dần đi nét đẹp của nền văn hoá cổ. Là nỗi lo cho những gia đình có con lớn đến tuổi lấy vợ, lấy chồng. Là cơ hội cho những tệ nạn. Là môi trường nuôi mầm tội ác.

Thông thường, đám cưới ở quê tôi diễn ra tiệc ăn uống trong ba ngày (ngày ăn hỏi, ngày cưới và ngày sau ăn hỏi còn gọi là quét kiến hay lại mặt). Buổi sáng hôm ăn hỏi, người làng đến làm giúp, thịt lợn, rửa bát. Đến trưa, mọi người ăn cỗ trưa. Chiều đến, họ mổ bò, nhặt rau, thịt gà rồi lại ăn cỗ chiều. Buổi tối, thanh niên thì ca hát, nhảy múa rộn ràng; người già, trung niên thì tổ tôm, tá lả. Đêm đến, mọi người lại ăn “cỗ” đêm. Khoảng 3-4 giờ sáng, họ bắt đầu làm cỗ cho chính tiệc trong ngày cưới, đến 5 giờ sáng lại ăn “cỗ” sáng để lấy sức làm cỗ tiếp. Đến trưa, khách đến mừng lại ăn cỗ trưa. Chiều đến, việc dâu, rể xong lại ăn cỗ tối. Cả ngày chỉ ăn với ăn, có người còn nói vui: “Ăn thôi mà cũng mệt”.

Hôm sau là lễ quét kiến. Có khoảng chục mâm cỗ trong ngày hôm ấy. Từ sáng sớm, cô dâu mới đã phải dậy đi đến từng nhà theo danh sách đã lên trước mời họ đến dự tiệc. Đây được coi là hình thức cảm ơn của gia đình với những người đã tới làm giúp.

Nói cũng đã thấy rườm rà, tốn kém. Lo được cô vợ cho thằng con trai thì bố mẹ cũng toát mồ hôi hột. Đất lề quê thói, nhà nào sang thì cái phong bì đôi, ba chục, nhà bình thường, khó khăn thì vác bao tải đựng vài yến gạo đến giúp. Chuyện cỗ bàn đã mệt mỏi, chuyện chi phí, vốn liếng còn đau đầu hơn. Ở nông thôn, đâu phải nói có tiền là có luôn, cũng phải rậm rạp nuôi con lợn, bán con gà tích cóp cả tháng, nửa năm, có khi cả năm mới đủ.

Trước thì thằng con trai vẫn ngủ cùng với bố, giờ nó lấy vợ lại phải làm thêm cái gian buồng, đóng cái giường, mua cái chăn… để có chỗ ngủ riêng cho chúng nó chứ ngủ cùng sao được. Rồi thì chuyện lễ lạt, chuyện vốn liếng, chuyện thêm cái xoong, cái nồi, cái bát, cái đĩa… cho chúng nó ở riêng.

Nghi lễ cưới hỏi từ lâu đã là một nét đẹp của nền văn hoá cổ truyền. Ảnh: Xomnhiepanh

Với những gia đình khá giả thì cũng phải tính lên tính xuống, còn những nhà trung bình, khó khăn thì lo được đến ngày cưới cho con cũng coi như là kiệt sức.

Tôi còn nhớ ngày nhỏ, trong xóm có đám cưới nào tôi cũng phải chen chân đi xem cho được cô dâu. Mặc dù không thấy cô dâu, chú rể diện váy, mặc comple như bây giờ, chỉ là quần âu áo trắng giản dị, cài một bông hoa trước ngực. Không có những khung ảnh nghệ thuật lớn treo trên tường, không có những buổi dã ngoại hết nơi này, nơi khác mấy ngày mới xong một bộ ảnh cưới. Để khi đầu buổi thì hào hứng, cuối buổi chụp thì cả cô dâu, chú rể đều phải cười như mếu. Nhưng người ta vẫn chen nhau đi xem, vẫn thấy cô dâu, chú rể vui cười hạnh phúc.

Những cái hộp quà gói giấy điều đỏ, được cắt tỉa rất công phu, xếp thành từng chồng cao ngất ngưởng là quà tặng mà bạn bè yêu mến chúc phúc cho chú rể, cô dâu. Bây giờ, những hộp quà ấy đã được quy thành những chiếc phong bì vừa nhỏ lại tiện cho cả đôi bên.

Đã từ lâu, cưới hỏi luôn được coi là một nghi lễ truyền thống, là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nhưng bây giờ đám cưới cũng chính là nơi an toàn của những ổ bạc lưu động, những vụ đánh chửi của thanh niên khi đã ngà ngà hơi men.

Đành rằng cuộc sống đang phát triển, đời sống dân trí được nâng lên. Một đám cưới cho phù hợp với thời đại, với hoàn cảnh cũng là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng, nếu lấy một nét đẹp văn hoá truyền thống có từ lâu đời của dân tộc để làm thước đo cho một cuộc sống hiện đại thì có nên không?

Rồi những chuyện lùm xùm đằng sau nó, những vụ vác gậy, cầm dao rượt đuổi nhau như trong phim hành động Mỹ, có biết bao nhiêu những cái chết thương tâm của thanh niên làng mà nguyên nhân chỉ từ câu nói, cái nhìn đến điệu cười… liệu niềm vui có còn được trọn vẹn?


Đám cưới là ngày trọng đại của đời người. Đừng biến nó thành nỗi lo cho gia đình và xã hội. Ảnh: Photobucket.com

Mấy hôm trước, tôi có về quê ăn cỗ một người bạn. Từ xa, tôi đã thấy hàng chục chiếc ô tô con đậu ven đường, người dân đi đường ai cũng ca tụng đám cưới ấy nhà ai mà sao to thế nhỉ, bao nhiêu là ô tô. Ở quê, đám cưới mà có ô tô là sang lắm. Tôi cũng thấy lạ, bố mẹ nó thì là nông dân có phải là người có chức có quyền gì đâu mà quen biết nhiều. Nó thì lại càng không, đi học thì suốt ngày bị thầy chủ nhiệm viết giấy mời phụ huynh. Học hết lớp 12, nó ở nhà đi phụ hồ với bố, ngày cũng được vài chục nghìn. Cả năm, nó chẳng rời khỏi cái làng quê được mấy lần thì bạn bè đâu mà nhiều đến thế.

Nhưng thực tế lại đang khiến những người có trách nhiệm phải đau lòng. Một xới bạc “xịn” được nguỵ trang ngay trong đám cưới. Những tay cơ sừng sỏ đã biết biến đám cưới thành cái vỏ bọc quá an toàn cho những trò sát phạt đỏ đen. Chẳng ai lại nghĩ bên trong cái rạp, ẩn mình trong tiếng đài nhạc xập xình lại là những tiếng leng keng của mỗi lần mở bát. Những tiếng đập bài ten tét, những câu chửi thề của kẻ thua cuộc. Những sợi dây chuyền vàng to như cái xích chó béc dê, đồng hồ, điện thoại rồi cả ô tô cũng cầm đồ để thoả mãn cơn nghiện.

Việc xới bạc núp mình ngay trong ngày vui không biết gia chủ có biết không? Tôi đoán chắc là có nhưng cũng không làm gì được. Bên này là phông bạt, đài én rộn ràng, bên kia là bàn tròn xúc xắc, tổ tôm. Thật ra nó cũng chẳng liên quan gì đến gia chủ, họ nào biết gì về chuyện này, hơn nữa họ đánh ở nhà bên cạnh chứ có đánh trong nhà mình đâu mà mình quan tâm. Những tay bảo kê suốt ngày ăn không ngồi rồi, la cà khắp xóm làng rình mò những đám cưới, đám hỏi rồi lại móc nối tụ tập để kiếm chút tiền ăn chia.

Thiết nghĩ, việc ngăn chặn hành vi tổ chức, tụ tập cờ bạc là nhiệm vụ của chính quyền, của công an. Nhưng việc biến một nền văn hóa có từ lâu đời để làm vỏ bọc cho một tệ nạn mà pháp luật nghiêm cấm, xã hội lên án thì đó không thể coi là việc của riêng ai. Bức xúc nhưng không động đến quyền lợi của mình thì cũng chẳng phải việc của mình, nói như thế có phải chúng ta đang sống vô trách nhiệm quá không? Cũng giống như ta lạnh lùng làm ngơ trước một người bị nạn ở ngoài đường, họ ở ngay trước mặt ta, họ là người của dân tộc ta nhưng không phải người thân của ta thì cũng chẳng liên quan đến ta.

Sự làm ngơ của chúng ta đôi khi là biện pháp an toàn cho chính lợi ích cũng như cuộc sống của chúng ta. Nhưng tôi sẽ gọi đó là sự ích kỷ, là vô trách nhiệm. Nếu chúng ta không lên tiếng, sẽ chẳng ai biết, như thế chẳng phải chúng ta đang tiếp tay cho những trò phạm pháp. Và nó sẽ càng diễn ra ngang nhiên hơn, nhiều hơn, to hơn, quy mô hơn, mánh khóe hơn. Còn chúng ta, chúng ta vẫn vô tâm, giương mắt trước một cái chết từ từ của một nền văn hóa đang được báo trước. Trách nhiệm thuộc về ai, tôi nghĩ trước tiên là thuộc về chính lương tâm chúng ta. Nếu mỗi người chúng ta đều có lương tâm, có tinh thần gìn giữ, có ý thức bảo vệ, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng kêu tức tưởi của một cái chết oan.

Mỗi chúng ta là một phần của xã hội. Sự tồn tại của một nền văn hóa truyền thống chính là minh chứng cho sự tồn tại của một xã hội. Trong đó, cưới hỏi là một nét đẹp của một nền văn hóa cổ truyền, chúng ta nên gìn giữ, tôn vinh nó. Đừng biến nó thành cơ hội cho những tệ nạn, cũng đừng tiếp tay cho những kẻ phạm pháp. Chúng ta phải để nó trở về đúng nghĩa với ý nghĩa của một nền văn hóa đẹp.

Phạm Toàn

(theo Vĩnh Di sưu tầm của Nguyễn Vũ Lam Bài đã được xuất bản.: 08/12/2009

trên http://www.tuanvietnam.net)

Previous
Next Post »