Một năm "Hà Lan kí sự".

Kể từ ngày "Hà Lan kí sự" bao gồm 39 ghi chép ngắn từ ngày xuất hiện trên blog chi họ đến hôm nay vừa tròn một năm. Đó là những ghi chép ngắn trong suốt những ngày chúng tôi ở Hà Lan và Matxcơva nước Nga trong chuyến thăm con, cháu từ 5.6 đến 29.8.2018.
Thành thật mà nói đến nay chính tôi cũng bất ngờ, không thể tin được trong hoàn cảnh sức khỏe kém nhiều nguy cơ tiềm tàng tôi đã có thể hoàn thành được chuyến di dài ngày như thế. Tôi còn nhớ đã nhận được sự theo dõi, động vên khích lệ của hầu hết thành viên chi họ đặc biệt là các vị hưu trí từ trong Nam ngoài Bắc. Nói ví von như chị Minh Thúy được dư luận “nín thở theo dõi”. Hay như nhà thơ “Vĩnh Tiến-Phạm Nhân” đã ưu ái chia vui chúng tôi cả một bài thơ dài hay và rất cảm động.
Thực ra từ năm 2017 đã có gợi ý ông bà sang thăm các cháu nội, nhưng xét thấy tình hình sức khỏe tôi chưa khi nào nghĩ tới chuyện đi (đúng ra là trong thâm tâm không thể đi được). Sang đầu năm 2018 các cháu Lan Thắng đặt vấn đề nhiều hơn, tôi đành hứa  cốt cho qua “bao giờ đi bộ được trên 15 phút thì sẽ đi”. Từ đó tôi hằng ngày kiên nhẫn tập đi bộ quanh hai phòng tầng hai nhà ở, tăng dần từ 5 phút trở lên. Cho đến sau Tết 2018 khoảng tháng 3 thì đi được đến 15, 20 thậm chí đôi khi là 30 phút. Khi đó tôi mới chính thức thông tin để các cháu làm thủ tục đón bố mẹ sang chơi (mà trong lòng vẫn chưa thực sự yên tâm).
Câu chuyện tôi ở Hà Lan và Nga đã được thể  hiện trong các bài kí sự ngắn trên blog chi họ nay xin không kể lại. Tôi chỉ nói về một sự ghi nhận ấn tượng về hai cháu nội Bảo Trân (2010) và Minh Đức (2014).
Một là tôi nhận thấy các cháu rất thích đi học, suốt gần ba tháng không hề thấy chúng kêu ca, mè nheo ngại đi học. Cứ đến giờ là vui vẻ theo bố mẹ đến trường, thậm chí cậu con trai còn i ỉ nhẩm hát một bài tiếng nước ngoài. Tan học về đến nhà kể cả ngày nghỉ là chơi thỏa thích, không ngó gì đến sách vở. Riêng cô chị vẫn phải dành khoảng một tiếng hàng ngày học thêm tiếng Việt, làm toán theo chương trình VN mẹ đặt ra.
Hai là chúng bắt đầu hình thành tư duy độc lập. Ví dụ có lần tôi bảo cô chị “đồ chơi bầy bừa thế này con dọn đi, bố sắp đi làm về rồi”. Cô cháu đáp “em bầy bừa ra đấy không phải con”. Theo thói quen tôi bảo “con là chị thì dọn giúp em cũng được chứ sao”. Cháu phản ứng lại “Em làm thì em phải dọn, sao lại là con”. Thoạt đầu tôi cũng hơi chững lại một tí, không ngờ cô cháu gái đáp lại như thế. Những sự vụ tương tự về con cái như thế tôi cũng đã được nghe các ông bố, bà mẹ kể lại và đôi khi được chứng kiến trực tiếp do chúng quen nếp sống nhiều năm ở nước sở tại. Rồi tôi cũng nhận ra nền giáo dục Hà Lan và ta có gì đó khác nhau rất căn bản khiến cho chúng đề cao cái tôi hơn.
Ấn tượng về chuyến đi năm ngoái của vợ chồng tôi đương nhiên là còn nhiều khó mà kể hết. Hôm nay một lần nữa chúng tôi cảm ơn cặp Tuấn Thúy đã bố trí lịch trình bay, tạo điều kiện thuận lợi nơi ăn ở, đi lại cho chúng tôi có được những ngày ấn tượng tới Hà Lan trở lại Maxcơva, nước Nga.
Phạm Lê
Previous
Next Post »