Tuổi thiếu nhi mỹ mãn.(*)

Tối qua đình làng nơi tôi ở rộn ràng tiếng nhạc, bài ca, tiếng trồng mừng ngày Thiếu nhi 1/6. Bà xã tôi kể đông vui lắm có cả ông Tây chắc là thuê nhà ở đây đến xem quay phim chụp ảnh. Bà ấy tiếc không có hai đứa cháu ở nhà dẫn ra xem như mọi năm.
Tuổi thiếu nhi của tôi chủ yếu ở cấp II phổ thông, may mắn ở vào thời kì sôi động đẹp nhất đất nước sau chiến tranh chống Pháp 9 năm, miềm Bắc và Hà Nội được giải phóng 1954.
Lúc bấy giờ cả nước tràn ngập không khí mới, kinh tế dần hồi phục, hừng hực khí thế cống hiến và hy vọng trong đời sống xã hội. Mọi thứ từ trong nhà ra đường phố, đang dần vào nề nếp. Kinh tế gia đình lúc đó không khá giả cụ ông lương cán bộ Nhà nước, cụ bà xã viên đóng sổ sách Liên Minh ở 53 Lãn Ông, các ông anh bà chị lần lượt thóat ly chỉ còn tôi và ông Tiến ở nhà.
Trước hết nói về việc học, hoàn cảnh kinh tế như thế tôi vẫn được các cụ cho đi học cấp II, rồi cấp III. Cấp nào cũng vậy tuy không phải học sinh giỏi, nhưng luôn được xếp vào diện học sinh tiên tiến.
Về đoàn thể có thể nói tôi là một đội viên TNTP mẫn cán, rất nghiêm chỉnh sinh hoạt đội. Chức vụ hình như mới chỉ được là phân đội trưởng tương đương như tiểu đội trưởng trong quân đội nhưng quần áo, khăn quàng đỏ, tư thế tác phong lúc nào cũng chình tề, nghiêm túc. Tôi tham gia các hoạt động đội rất nhiệt tình ví như nhiều năm là giáo viên Bình dân học vụ xóa mù chữ tại lớp học cho các bà, các ông tại gác hai ngôi nhà xây dở trước hiệu kem Thủy Toạ Bờ Hồ (hình như cạnh hiệu bánh tôm Tú Béo thì phải).
Về lao động có thể nói tôi bắt đầu làm quen từ công việc nhà đảm nhiệm nhiều việc nhào than quả bàng, đốt lò, ủ lò, nấu bếp trấu và mùn cưa, đi chợ, thổi cơm trưa toàn một tay tôi làm. Thường thì sáng ra khoảng 9 giờ tôi đi chợ về thổi nồi cơm, nấu canh rồi một mình ăn, 11h30 cuốc bộ tới trường. Nói đi chợ thì to nhưng thật ra cũng đơn giản ví dụ thường là một lạng thịt dọi (quầy thịt cô Xuân Phố Chả Cá), mớ rau cải nấu bát canh, đôi khi một ít lạc rang với mỡ cho tí muối (cụ ông rất thích).
Về vui chơi năm cấp II tôi là thành viên trong đội bóng bàn CLB thiếu nhi Hà Nội, một tuần chúng tôi có một buổi tập tại sân CLB ờ phố Lý Thái Tổ (lúc đó gọi là Ấu trĩ viên nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội). Ít ai ngay cả trong gia đình tôi chưa hề kể cuối cấp III (1963), tôi đã vào tới tứ kết cây vợt trẻ bóng bàn học sinh cấp III Hà Nội. Tôi còn nhớ trận đấu đó diễn ra tại CLB Ba Đình, trọng tài là cây vợt nữ vô địch quốc gia Tuấn Dung (sau nhà vô địch bóng bàn nổi tiếng Nguyễn Thị Mai). Trận đó tôi thua, có vẻ tiếc cho tôi sau trận bà Dung tiến tới chia sẻ "em ốm phải không", tôi vẫn nhớ nguyên văn câu ấy. Đúng vậy hôm đó tôi bị cảm, vừa thi đấu vừa ho sùng sục chẳng còn sức đâu mà thi thố. Thực ra tâm trạng của tôi lúc đó buông xuôi, nhưng bệnh sĩ và cũng là ý thức kỉ luật không bỏ cuộc, vì tôi đã có giấy gọi hai tháng sau nhập ngũ theo diện nghĩa vụ Quân sự.  (Về khoản bóng bàn này tôi có cả một bề dày ham mê tập luyện từ hồi còn học cấp một Trần Nhật Duật. Mấy người cùng chơi với tôi bóng bàn đường phố sau này trở thành cây vợt, HLV tầm cỡ Quốc gia. Có dip tôi sẽ kể).
Ngày thiếu nhi Quốc tê 1.6 tôi viết vài dòng như thế gọi là hồi ức tuổi thơ, cũng chỉ là muốn chia sẻ. Tôi nói tuổi thơ mỹ mãn ấy là ở hoàn cảnh kinh tế, xã hội thiếu thốn lúc đó mà được các cụ thân sinh nuôi ăn học, không ngăn cản vui chơi, được phát triển sở thích của mình, như thế quả thực là mỹ mãn rồi còn gì nữa. 
Vĩnh Thắng
(*) Rất tiêc không có ảnh tuổi thơ dể minh họa, đành mượn tạm ảnh câu con trai thời học trò..

Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar


Cậu càng tâm sự càng ló ra nhiều tài lẻ.

Balas
avatar

Được Phương khen có dịp cậu còn kể tiếp học võ va Quyền anh ở CLB Ba Đình nữa Nhưng kết quả là không biết gì.

Balas