Bốn điều sau Tết.

Một là nhớ lại mấy ngày sau Tết mọi năm bà xã năm nào cũng than trời mệt quá, thậm chí ghét nhất là Tết. Ấy vậy năm nay bà ấy cũng than mệt, nhưng chỉ mỗi một điều đi nhiều quá.
Quả thật chúng tôi hầu như “trên từng cây số” suốt từ ngày 1 cho đến ngày 7 Tết, từ sáng đến tối. Đến nỗi ông hàng xóm nhiệt tình chờ chúc Têt, cứ than vãn “Mấy lần ngó sang nhà bác để sang chúc Tết, mà vẫn thấy nhà tối om”.
Hai là giỗ Cụ Quang ngày 2 Tết năm nay ở nhà ông bà Tiến Phượng, xem ra đã gọn nhẹ hơn năm trước một chút nhờ có sáng kiến giảm món ăn, tăng thời gian tâm tình. Có thể vì vậy không khí đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn năm ngoái. Tuy nhiên có vẻ vẫn chưa thỏa mãn, Đoàn Ngọc Khanh ngày 7 Tết góp ý (như góp ý cho chương trình TV) “sang năm các chú nên tăng thời lượng giao lưu” cho rôm rả. Còn cô cháu Minh Trang vốn học nước ngoài từ bé, rất mạnh dạn bày tỏ chính kiến “Tan tiệc các bác nên ngồi lại lâu lâu để tâm tình cho vui, đừng vội về” (Có lẽ Minh Trang nghĩ tới quyền lợi của bộ phận hậu cần ngồi chưa được ấm chỗ tiệc đã tan).
Ba là ngó sang Blog Cụ Quang Tết này có vẻ sinh động hơn, phản ánh kịp thời hoạt động Tết của cả nhà cho người ở xa biết. Chẳng thế mà đúng giờ “ngọ” ngày 2 Tết điện thoại nhà ông Tiến đổ chuông liên hồi có điện thoại từ Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh và từ Nga gọi về cũng chỉ vì biết tin ngày họp mặt của chi họ được đưa trên Blog nhà mình.
Còn điều đặc biệt hơn hẳn các năm trước ấy là bác Di khởi xướng Post mấy Video Clip nhạc trên Blog 53, tặng ngày họp mặt cánh trẻ tại nhà Tuấn Thúy (5 tết) mà lại toàn bài hát về tình yêu. Xem ra có tác dụng vì tới nay cánh trẻ chi họ cứ tấm tắc “bác đã ngoài 70 mà vẫn rất tâm lí”. Từ đấy kéo theo hiệu ứng clip bản nhạc, bài hát trên Blog Cụ Quang bùng phát, đến nay có nguy cơ “lạm phát” khó kiềm chế tốc độ gia tăng.
Bốn là tôi nghiệm ra năm nay vẫn lập lại khuyết điểm đã từng năm nào nhận lỗi cũng rất tự giác, nghiêm túc và rất thành khẩn nhưng vẫn không chịu sửa. Ấy là sau Tết Nguyên Tiêu 15 tháng giêng, những tưởng là hết Tết, nào ngờ hóa ra Tết vẫn chưa hết hẳn, vẫn còn “hơi” Tết. Bằng chứng là sáng nay “tịnh kho” nhà tôi vẫn còn tới ba cái bánh chưng “nguyên đai, ngyên kiện”, cả một cây giò lụa, một két bia và mấy gói thức ăn linh tinh cùng bánh kẹo, hạt dưa chưa đụng tới.
Tưởng chỉ mình nhà tôi nào ngờ nhà bác Anh (vốn nguyên Trưởng phòng kế hoạch một cơ quan lớn) cũng vỡ kế hoạch, vừa phải vứt đi một chiếc bánh chưng đặc biệt cũng chỉ vì đặt kế hoạch Tết “chủ quan duy ý chí” chưa chính xác (riêng khoản bánh chưng). Còn bác Lan tối qua nói chuyện với tôi qua điện thoại mà giọng nghẹt nặng, hóa ra bác bị cảm từ sau cỗ Tết Nguyên Tiêu. Tôi đoán có lẽ nguyên nhân là do hậu quả quá tải mấy ngày Tết vừa qua, vì năm nay nhà bác ăn Tết to hơn năm ngoái.
Sau Tết có mấy điều mới và cũng có cả những điều “cu như ỹ” như trên, tôi nảy ra ý định ghi chép làm tư liệu lưu trữ so sánh với Tết năm sau để xem “Mỗi Tết một vẻ, Tết nào hay hơn”.

Phạm Lê

Previous
Next Post »