HậuTết, kể chuyện nuôi lợn

Năm lợn, nói chuyện tôi nuôi lợn thời bao cấp. Thờiđó không chỉ có nông dân mới nuôi lợn, mà đủ mọi thành phần trí thức Tiến sĩ, Bác sĩ, Kĩ sư, nhà khoa học (trừ ông bà Di Chi) cũng nuôi lợn đơn giản là kiếm thêm thu nhập để sống cho qua ngày.
Tôi cũng đã có thời kì nuôi lợn từ năm 1982 tới 1985, khi đồng lương viên chức quá ít ỏi lại chưa được ra nước ngoài. Tính ra nuôi được tới 9 con xuất chuồng bán cho thương lái, may mắn là không có sự cố toàn thắng lợi. Đến giờ cũng không nhớ là thu hoạch được bao nhiêu tiền nhờ nuôi lợn. Nhưng những kỉ niệm quanh câu chuyện nuôi lợn là có, không bao giờ quên.
Tôi may mắn có thời gian dài ở quân đội nên việc nuôi lợn không bỡ ngỡ, có thể nói là quen. Tôi đã có lần về tận Lạng Giang quê bác tài xế quen biết bắt con lợn trong chuồng nhà ông ấy. Không hiểu có phải vì giống lợn rừng hay không, mà nuôi mấy tháng trời mất bao công sức cũng chưa được 40 kg. Tôi cũng đã có lần về Sấu Giá nhà ông Dư bắt lợn nhà về nuôi, giống tốt lợn lớn nhanh bán được tiền.
Nuôi lợn nỗi lo thường trực là thức ăn hàng ngày. Rau muống là chủ yếu phải chịu khó xếp hàng ở nhiều cửa hàng MD bán rau, mỗi lần mua độ vài kg (họ không cho mua nhiều, vì nhiều ngươi nuôi lợn quá cung không đủ cầu). Thường lệ tôi đến nhà máy nước chấm Hoàng Mai mua bột thức ăn công nghiệp cho vào bao tải đèo xe đạp về. Nhờ nguồn này mà có đủ thực phẩm cho lợn ăn hằng ngày.
Nuôi lợn nỗi lo nhất là khi trái gió trở trời sơ sảy một tý lợn lăn đùng ra ốm, có mà mất ăn mất ngủ. Tôi nhớ có năm đúng ngày 2-9, mất hết cả ngày chui vào chuồng lợn xoay vần đánh gió cho lợn rã rời cả chân tay mất toi ngày lễ.
Quanh chuyện nuôi lợn cũng có khi cười ra nước mắt. Mỗi lần bán lợn thường vào 4h sáng trời còn tối đen như mực, lái lợn cầm theo chiếc cân tạ với đòn gánh. Tôi gánh một đầu đòn gánh tay cầm chiếc đèn dầu hỏa soi mặt cân, đầu kia là lái lợn vừa gánh vừa xê dịch quả cân. Chưa có thâm niên nuôi lợn họ nói bao nhiêu mình biết bây nhiều, chứ chẳng biết có gian lận hay không.
Tôi xin kể câu chuyện lần đầu công khai, một lần bán lợn tôi nhờ được ông em rể bà xã cao to giúp một đầu cân. Hôm đó con lợn được hơn 70 kg, có thể nói là lứa lớn nhất bán được nhiều tiền mừng lắm. Đang hí hửng với chiến tích nuôi lợn, nào ngờ tối đến ông ấy xuống chơi nói chuyện buổi sáng cân lợn tỉnh bơ "trông thấy thằng cha lái lợn lẫy mũi chân để dưới con lợn nâng bổng lên". Rồi ông ấy hỏi “Thế anh định đi lên bằng con đường nuôi lợn à?”. Tôi tái mặt chỉ nói được mỗi một câu “sao ông không nói ngay cho tôi, như thế mất đứt cả chục cân chứ chẳng chơi”.
Sau này cứ mỗi lần nói tới chuyện nuôi lợn thời bao cấp bao nhiêu chuyện vất vả cũng chỉ nói qua loa, nhưng không thể quên được chuyện ông em rể vợ kể trên. Mỗi lần như hôm nay bà xã lại gạt đi “thôi anh nhắc lại làm gì, cho qua đi”.
Năm lợn nói chuyện nuôi lợn nghiệp dư, góp thêm một câu chuyện vào ngày hậu Tết cho có chuyện trên blog chi họ.
Phạm Lê
Ảnh minh họa trên mạng

Previous
Next Post »