Khi nhà không có Ôsin

Khoảng hơn một năm nay để trông nom cháu trai 2 tuổi, bố mẹ chúng bắt đầu thuê người giúp việc (ôsin) trong giờ hành chính. Kể từ ngày cháu bé theo bố mẹ đi công tác xa không có nhà, hiện giờ nhà tôi không có ôsin.
Tính ra chúng tôi đã có đến 4 lần thay đổi người giúp việc, mỗi lần thay là một lý do nhưng chủ yếu là do hoàn cảnh riêng của họ. Công bằng mà nói đa phần đều làm việc ở mức độ từ trung bình trở lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chủ nhà. Có người như cô cuối cùng rất thạo việc nhanh nhẹn, làm được nhiều việc. Chúng tôi đối xử với osin tử tế, bữa trưa cùng ăn với ông bà ở nhà có gì ăn nấy, không phân biệt trước sau nhiều ít. Cô ây chỉ làm các việc có liên quan tới cháu bé. Các việc khác như thổi cơm, rửa bát, giặt giũ quần áo..của cả nhà hầu như không phải làm. Ngày lễ, tết chúng tôi đều có phần quà cho họ đem về. Cá biệt có trường hợp khi hay tin mẹ ôsin ốm, vợ chồng cậu con trai còn thu xếp thời gian mang quà tới tận nhà thăm hỏi, động viên.
Riêng về cô giúp việc cuối có những việc không hay, làm chúng tôi phải bận tâm lo đối phó. Số là cô ấy rất hay vay tiền chủ nhà khi thì một trăm, khi vài trăm thỉnh thoảng lại xin tạm ứng một hai triệu. Gần đây có dư luận hay vay tiền hàng xóm, mua hàng chậm trả tiền. Thỉnh thoảng chúng tôi lại phát hiện một vài thứ gia dụng không cánh mà bay. Đỉnh điểm là cô con dâu mất tiền để trong ví, may là không nhiều lắm.  Lẽ ra phải thay ngay nhưng phần vì mức độ còn chấp nhận được, phần vì chẳng còn mấy thời gian sẽ thanh lý hợp đồng nếu thay ngay tìm người cũng không phải dễ. Vì thế chúng tôi đành chấp nhận cô ấy làm tiếp chỉ khuyên nhủ, cảnh báo và bảo nhau phải canh chừng cẩn thận hơn.
Vì thế ngày cụ thể các cháu lên đường đi công tác xa chúng tôi dấu kỹ lắm, nhưng rồi cô ấy cũng biết. Đúng ngày các cháu khởi hành cũng là ngày chấm dứt hợp đồng với ôsin. Các cháu cho quần áo và 500 ngàn làm quà, ông bà xí xóa khoản 200 ngàn gọi là thay quà (tiền cô ấy vay từ hơn tháng chưa trả) .
Qua tìm hiểu những gì tôi biết từ họ (cứ cho là thật) đa phần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình trắc trở chồng con nghiện ngập, cờ bạc mới phải đi làm ôsin và bột phát có những hành động như thế. 
Thực ra họ cũng có những thời điểm làm ta động lòng, ví như cô giúp việc cuối cùng tôi vừa kể trên. Ngày các cháu lên đường cô ấy quyến luyến thằng bé, tới tận tối khuya lúc ôtô chuyển bánh mới về. Hàng xóm kể lại khi cháu bé vừa đi cô ấy bật khóc, nước mắt lưng tròng vì nhớ. Tối hôm sau còn gọi điện “cả đêm qua con trằn trọc mãi, không ngủ được vì nhớ thằng cu quá”. Chúng tôi tin là thực, con người ta ai cũng có lúc này lúc khác.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều người già cuối đời hầu như phải sống với ôsin là chính. Ngẫm ra rồi cũng đến lượt mình như thế, không thoát được. Dù vậy những ngày có ôsin trong nhà với chúng tôi ở thời điểm này chưa quen, dù đã rất cố gắng.  
Bưổi sáng sau ngày các cháu đi khi ngủ dậy tôi và bà xã cùng chung một cảm giác thoải mái, dễ chịu mà bấy lâu nay quên mất “khi nhà không có ôsin”. Xóa đi nỗi ám ảnh hiện hữu đến mức khi thoáng không nhìn thấy chùm chìa khóa xe, cái ví tiền dù là còn rất ít, giật mình nghĩ ngay đến…ôxin.
Phạm Lê

(Ảnh tham khảo trên mạng)
Previous
Next Post »