Cảnh giác

KHÔNG THỂ CHỦ QUAN
Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, liên quan đến thông tin 3 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) của Trung Quốc bắt đầu đi vào hoạt động ở gần biên giới với Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, việc các nước xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN cần bảo đảm tuân thủ Công ước An toàn hạt nhân và các quy định liên quan của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và môi trường của các nước láng giềng. Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án ĐHN này. Vậy, 3 nhà máy ĐHN của Trung Quốc như thế nào và vì sao không thể xem thường chuyện này?

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, 3 nhà máy ĐHN gần biên giới Việt Nam của Trung Quốc gồm: nhà máy ĐHN Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, nhà máy ĐHN Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và nhà máy ĐHN Xương Giang trên đảo Hải Nam. Trong đó, nhà máy ĐHN Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2 với công suất 1.000MW; Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2; và Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy. Trong 3 nhà máy này, Phòng Thành chỉ cách biên giới Móng Cái, Quảng Ninh khoảng 50km; Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km và Trường Giang cách biên giới Móng Cái khoảng 200km. Khi 3 nhà máy hoạt động hết công suất, sẽ có 18 tổ máy ĐHN ngay gần biên giới nước ta. 

Đề cập về tác động của các sự cố hạt nhân, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, khoảng cách 50-200km không nghĩa lý gì nếu sự cố phóng xạ xảy ra. Năm 2011, khi sự cố ĐHN Fukushima xảy ra ở Nhật Bản, ngay lập tức, hai trạm quan trắc là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện KHKT hạt nhân ở Hà Nội đều đo được phóng xạ trong không khí. Với sự cố Chernobyl ở Ukraine năm 1986, những đám mây phóng xạ đã phát tán hàng ngàn kilômét.

Theo khuyến cáo của IAEA, khu vực bên ngoài nhà máy ĐHN cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD). Theo IAEA, đối với nhà máy ĐHN có công suất lớn hơn 1.000 MW thì kích thước của các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là 3-5 km, 15-30 km, 100km và 300km. Như vậy, riêng với nhà máy ĐHN Phòng Thành, thì tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam thuộc khu vực EPD và ICPD của nhà máy này. Với tình hình này, nếu 3 nhà máy nói trên của Trung Quốc có sự cố, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Trước lo ngại các nhà máy ĐHN của Trung Quốc có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN) cho biết, Việt Nam có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra. Việt Nam đã tham gia Công ước thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987. Bất kỳ một sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo sớm quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia Công ước an toàn hạt nhân. Hàng năm, các quốc gia thành viên của công ước này phải nộp báo cáo về các biện pháp mình đã thực hiện để đảm bảo việc các nghĩa vụ quy định của công ước. Tại các cuộc họp của IAEA, Việt Nam có thể chất vấn vấn đề hạt nhân của Trung Quốc.
Cũng theo TS Vương Hữu Tấn, Việt Nam vừa có trao đổi song phương với Trung Quốc về vấn đề an toàn ĐHN bên lề khóa họp lần thứ 60 Đại hội đồng IAEA diễn ra ở Áo cuối tháng 9-2016. Sắp tới, Việt Nam sẽ có đoàn trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ hạt nhân với Cơ quan An toàn hạt nhân Trung Quốc, để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cho biết, để đo mức độ phóng xạ trong không khí, Việt Nam đang tiến hành xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Theo quy hoạch, mạng lưới sẽ bao gồm 1 trung tâm điều hành, 4 trung tâm vùng do Bộ KH-CN quản lý, 16 trạm quan trắc địa phương do các tỉnh, thành quản lý, 1 hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, trước thực tế các nhà máy ĐHN “sát sườn” Việt Nam tại Trung Quốc đã hoạt động, cần tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố ĐHN từ Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.
Trần Lưu (www.sggp.org.vn)
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Theo tôi cảnh giác là đúng nhất là khi ta ở cạnh Trung Quốc. Thực phẩm, hàng hóa từ hàng công nghệ thiết bị cao đến đò dùng thường ngày cứ đụng đến hàng TQ là kinh. Nhà máy điện hạt nhân họ xấy trên đất họ là quyền của họ, miễn là họ phải tuân thủ theo qui định an toàn kĩ thuật và môi trường của thế giới. Đọc báo được biết chính phủ ta cúng đã quan tâm vấn đề này, cử đoàn sang TQ làm việc với họ. Được biết chúng ta đang chuẩn bị các bước tiến tới xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (miền Trung Việt Nam), rất gần nước bạn láng giềng kề cập. Họ có lo ngại không, tôi đoán chắc là có. Nhưng nếu ta đảm bảo đúng qui trình vận hành, qui định kĩ thuật bảo vệ an toan môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế mọi việc sẽ ồn thỏa.

Balas