Đàm luận một tí “Ở đâu quen đó”.

Dịp này trên mạng có chuyện bàn luận về người Hà Nội thanh lịch. Có bạn đọc loại cả TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để khẳng định chỉ có mỗi Đà Nắng xứng danh là thanh lịch nhất,
Tôi ấm ức vì người ta nêu những tính xấu của cư dân và cho đó là của người Hà Nội thông qua cách cư xử, giao tiếp, đi lại trên đường phố và vệ sinh trật tự xã hội để nói rằng người Hà Nội không thanh lịch như xưa. Người thì đổ cho dân ngoai tỉnh nhiều lai tạp, ý kiến phản hồi lại đặt vấn đề ngược lại. 
Là người sinh ra ở phố cổ nay đã gần 70, tôi cũng không có ý tranh luận đúng sai chỉ xin đàm luận chút ít. 
Tôi nhớ năm trước về Hoài Đức ăn cưới cũng là sau hơn hai năm địa phương này sát nhập về Hà Nội, cậu lính cũ hay tin đến đón tôi về thăm nhà ở cuối làng. Thú thật đến bây giờ tôi vẫn thấy thót tim khi nghĩ lại cái cách cậu ấy cầm lái xe máy. Đại để là bạt mạng luồn lách bấm còi inh ỏi giữa các ngõ xóm, phóng như bay thỉnh thoảng lại phanh gấp khi đối đầu với xe khác cũng đi một kiểu như thế. Tôi nghĩ đi kiểu này ở nội đô Hà Nội chắc chết lắm.
Có dịp trò chuyện với 2 học viên lái ô tô 19 tuổi, tôi hỏi các cháu “đi học lái xe để làm gì?”. Các cậu ấy bảo quê cháu ở Ba Vì bây giờ sát nhập Hà Nội đi học lấy bằng, rồi bố mẹ sẽ lo cho cái Taxi kiếm tiền vì đất bán gần hết chẳng có nghề ngỗng gì. Mấy hôm sau tôi lại hỏi “thế các cháu đã đến Hà Nội nhiều chưa, đã đi ô tô nhiều chưa?”. Môt cậu bảo “mới lần đầu ra Hà Nội”. Cậu kia bảo “lần đầu ngồi ô tô”. Tôi chợt nghĩ nay mai gặp họ lái Taxi ở Hà Nội, chắc tôi cũng không dám ngồi.
Ông bạn nhà ở phố Nguyễn Khuyến dân Hà Nội gốc mấy đời nay thiếu gần một năm nữa là 60 tuổi, sống ở Đức hơn 30 năm suốt ngày lái ô tô đi làm. Những lần về Hà Nội nể ông ấy có thâm niên “lái lụa” tôi nhường lái, nhưng lần nào ông ấy cũng từ chối vì về nghỉ ít ngày chưa kịp quen trong khi giao thông Hà Nội kinh quá không thể liều được.
Hôm kia bế cô cháu gái dạo chơi ven Hồ Tây thấy hai ông bà rất sành điệu trong bộ quần áo thể thao sặc sỡ, kính mát hớn hở ngồi trên ghế đá tay mỗi người cầm môt bông hoa vàng rực, sau lưng là luống hoa công cộng chạy dài cùng loại đang nở. Tức quá tôi đặt cháu bé xuống ngay gần đấy cho xem hoa và bảo “chỉ được xem thôi nhé, không được hái hoa đấy”. 
Hai ông lão dân làng chính gốc đứng cạnh cũng hùa theo đồng tình. Hình như cháu bé hiểu ra chỉ đụng tay vào hoa rồi rụt lại. Hai vị ấy ngượng quá đứng dậy bỏ đi, chẳng nói câu nào. Tôi cũng không rõ họ có là người ngoại tỉnh hay không, chứ như tôi từ bé tới bây giờ chưa một lần hái hoa công cộng.
Tôi tin là nhiều người ngoại tỉnh đã quen lối sống ở Hà Nội, nhưng chắc chắn trong số lái xe ôm, taxi, những người hành nghề thời vụ hoặc những ngươi tỉnh xa có tiền mua nhà ở Thủ đô chưa thể có đủ thời gian để làm quen nếp sống đô thị. Cũng như tôi nếu về vùng quê cũng không đủ thời gian để quen được lối sỗng làng, xã “sớm lửa, tối đèn có nhau”.
Tôi nghĩ chung quy cũng chỉ là “ở đâu quen đó”, thay vì đổ lỗi cho nhau mỗi người dù là “gốc” hay không cũng cần phải có lòng tự trọng, nên tìm hiểu lối sống tại nơi định cư mới. Về góc độ xã hội, nhà nước dù ở địa phương nào Thủ đô hay làng, xã cũng phải xây dựng được lối sống văn minh lịch sự, tôn trong pháp luật và trở thành thói quen dù họ có đi đâu cũng vẫn như vậy.
Phạm Lê
(Ảnh trên mạng)
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Theo Cháu đầu tiên là con người dầu xuất xứ ở đâu cũng phải có lòng tự trọng và "nhập gia phải tùy tục " thì mọi việc sẽ tốt hơn !

Balas