Gặp mặt cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Sáng 17 tháng 8, Thành Đoàn Hà nội phối hợp với Ban liên lạc Hội cựu Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu tổ chức buổi gặp mặt truyền thống tại số 1 Tăng Bạt Hổ. Đây là hoạt động thường niên mà khi còn sống bố mẹ chúng tôi rất hồ hởi mỗi khi được mời tham dự. Các cụ chuẩn bị trước hàng tháng trời sẽ mời những ai, ai sẽ phát biểu, sẽ nói những gì…Năm nay, khi bố mẹ chúng tôi không còn nữa, chị em chúng tôi vẫn được mời với vai trò đại diện gia đình. Số người tham dự ít dần hàng năm vì cũng đã 67 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Nếu như ai hồi ấy 18 tuổi thì bây giờ cũng đã 85 rồi còn gì. Ông Thái Hy – người luôn có mặt và tích cực tham gia năm nay đã phải có người dìu đi. Mặc dù đang nằm viện nhưng ông vẫn có gắng đi dự rồi lại quay vào bệnh viện. Mọi năm còn thấy Bác Vũ Oanh đến dự, năm nay chắc Bác cũng mệt hoặc bận với những nơi mời khác. Chương trình ngoài các bài ca truyền thống mà đội tốp ca của thành Đoàn hát tặng (các cháu hát rất hay và đầy khí thế) gồm có các Bài phát biểu của Ông Trần Đức Vân – cựu thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (tôi nhớ những năm trước là Ông Thái Hy), của nhà sử học Dương Trung Quốc,  của con trai cả nhạc sỹ Văn Cao và Phó bí thư thành Đoàn Hà nội. 


 Các bài phát biểu đều xúc tích, đánh giá cao tính chủ động của các cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu – đã chớp lấy thời cơ tiến hành khởi nghĩa (trước cả khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa). Ông Trần Đức Vân cho rằng do Hà nội giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước đã cổ vũ  phong trào cách mạng ở các địa phương khác. Ông Dương Kiến Quốc cho rằng nếu như bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này chậm sau 15 ngày thôi thì không biết sự thể sẽ đi đến đâu vì khi ấy Việt nam sẽ lại chịu sự đô hộ của quân Tưởng. Chỉ trong 15 ngày, ta đã giành được chính quyền trong cả nước, đã lập ra một nhà nước tiến bộ trong lịch sử thế giới với thể chế dân chủ cộng hòa, xác lập bình đẳng giới... Ông Trần Đức Vân ngậm ngùi kể tên những cựu thanh niên Cứu quốc đã mất trong hai cuộc kháng chiến, những người đã mất trong những năm gần đây do tuổi già sức yếu… Cả hôi trường dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ các bạn hữu đã quá cố. 
 Bài phát biểu thứ ba do con trai cả của nhạc sỹ Văn Cao thực hiện. Theo lời kể của ông, để chuẩn bị cho Lễ tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ có hỏi nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi nên chọn bài hát nào làm Quốc ca. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi đưa ra 3 bài cho Bác chọn, trong đó có bài Diệt phát xít, Tiến quân ca…Bác bảo bài Diệt phát xít thì hay nhưng dài quá khó nhớ và khó hát, bài Tiến quân ca cả lời và nhạc đều hay nên đã được Bác Hồ chọn làm Quốc ca vào ngày 16 tháng 8 năm 1945. Tồn tại qua quãng thời gian 67 năm cho đến nay, bài hát Tiến quân ca vẫn là Quốc ca duy nhất của Việt nam.
Cuối buổi Lễ, các cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chụp ảnh kỷ niệm và một vài người được các phóng viên giữ lại phỏng vấn trong khoảng 15 – 30 phút.
Buổi Lễ đã để lại ấn tượng tốt đẹp về sự nối tiếp truyền thống qua các thế hệ, sự ân cần của các cán bộ Thành Đoàn, tình cảm đồng đội dành cho nhau của các cựu thanh niên thành Hoàng Diệu – các nhân chứng sống của lịch sử, những người đã viết nên một trong các trang sử hào hùng nhất của dân tộc. 
Chỉ tiếc rằng, hầu như năm nào, buổi gặp mặt cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cũng trùng với buổi gặp mặt các cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng do Thành ủy tổ chức nên một số người không tham dự được buổi gặp mặt do Thành Đoàn tổ chức. 
 Thiết nghĩ, các cơ quan nên phối hợp với nhau tổ chức lệch thời gian để các Cụ có thể tham dự được đầy đủ các nơi được mời – để được gặp lại bạn hữu, được ôn lại các kỷ niệm xưa, được cảm nhận sự tri ân của thế hệ sau.    
    
明 良 (Đăng hộ Lê Thị Hồng Phương)

Previous
Next Post »