Nhớ mãi giọng ca Quí Dương

Những năm từ sau 1954 tới thập niên 1960, khi đang học cấp 2 và 3 tôi rất mê xem văn công biểu diễn ở sân khấu ngoài trời trước Ngân hàng TW, nhà Kèn hay Đấu Sảo và nghe qua đài Truyền thanh HN, Đài phát thanh TNVN.
Thời đó có nhiều giọng ca nam như Quốc Hương,
Quang Hưng, Trần Khánh, Trần Thụ, Trần Chất, Đoàn Thiều, Trần Hiếu, Trung Kiên…Nhưng tôi mê mẩn đến độ thần tượng nhất là giọng ca Quí Dương.
Tôi từng nhiều lần áp tai vào loa nghe đài Hà Nội, đài TNVN những lần ông hát. Ngay cả khi trong tiếng ầm ì máy bay Mỹ, có lúc tôi vẫn ư ử cái
giọng tắc tị của mình ngân nga câu ông hát “Khi chiếc lá xa cành, mà lá vẫn còn màu xanh… Mà sao anh xa em đời vẫn xanh rời rợi…Có gì đâu em ơi tình yêu là nhựa sống…”. Thậm chí tôi còn mơ có được giong hát như ông, mặc dù biết rằng đó là giấc mơ vớ vẩn chẳng bao giờ có được như thế. Nhưng tôi vẫn mơ, bởi tôi quá mê giọng hát ấy.

Tôi vẫn còn nhớ thời đó có hai giọng ca nam trung trầm ấm (Bariton) là Trần Thụ ca sĩ của ĐTNVN và ông-Quí Dương. Hai giọng ca xuất hiện thường xuyên và có nhiều người hâm mộ. Nhưng giọng hát của ông đầy truyền cảm, mượt mà và đặc biệt là tròn vành rõ chữ vẫn cuốn hút tôi hơn. Tôi mê cả phong cách biểu diễn rất lãng tử, lịch sự và hào hoa của ông khi “vờn” bên chiếc đàn Piano do nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng lúc đó Nguyễn Hữu Tuấn đệm cho ông.

Ngoài những bài ca do ông trình bày được nhiều người ưa thích như: “Tình ca”, “Tình em”, “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”.... Tôi còn thích ông hát bài “Hò kéo pháo” đặc chất Quí Dương vẫn mịt mùng khói lửa, hùng hồn mà sao vẫn trữ tình sâu lắng.

Tôi còn may mắn được xem 2 vở Opera tại Nhà hát lớn Hà Nội, hai vở nhạc kịch đầu tiên do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong đó ông thủ vai chính. Đó là vở Opera kinh điển Epghenhi Onhegin (Tchaikovsky, dựa theo thi phẩm của Puskin) do chuyên gia Liên Xô đàn dựng khi lần đầu tiên sang VN giúp dựng opera (1960) và vở nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chuyên gia Triều Tiên dàn dựng.

Tôi biết chi họ ta có ông Vĩnh Di biết về Qúi Dương nhiều hơn tôi , nghe nói ông có thời gian tham gia nhóm ca Thành đoàn Hà nội trong đó có Quí Dương thời trai trẻ. Tôi nói không ngoa Quí Dương cùng với thế hệ nhiều ca sĩ khác đã gieo mầm ưa thích ca nhạc không chỉ với riêng tôi, mà còn với nhiều vị trong chi họ. Điều ấy có thể lí giải vì sao thế hệ cao niên chi Cụ Quang Yến như các vị Vĩnh Di, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Tiến, Vĩnh Hải, Kim Nhu, Kim Anh…rất có gu thưởng thức âm nhạc. Nổi nhất là các vị Di, Ngọc, Hải, Tiến đàn hay hát giỏi từ khi còn trẻ, sau này ông Vĩnh Ngọc còn có Album riêng và ông Vĩnh Hải trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Ngày nay lớp con cháu cũng điểm ra được không ít người ưa văn nghệ, biết nhạc, chơi đàn như Tuấn Minh, Việt Hùng, Đa Vít, Gia Minh, Phi Nga, Ngọc Ly, Ngọc Long, Tuấn Khoa, Phương Anh, Hương Nhung, Hạnh Linh, Minh Trang, Đoàn Đức và Đoàn Mai…và có cả một dàn hợp ca gia đình (ảnh bên).

Không thua kém bậc cha chú lớp trẻ chi họ ngày nay có nhạc sĩ chính hiệu Việt Hùng, tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và đang công tác tại một chương trình TV về văn hoá, văn nghệ, thể thao nổi tiếng cả nước. Lại có cả "ông bầu" ca nhạc Vũ Anh Tuấn, người đã mấy lần tổ chức show diễn của các ca sĩ tên tuổi Việt Nam tại Matxcơva

Tôi còn nhớ chuyện này nói ra chắc có vị chưa chắc đã tin, vào năm tôi vần còn quàng khăn đỏ có lẽ là năm 59, 60 một lần tôi đã cùng cụ Yến đến nghe ca nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội có Quí Dương, Tân Nhân biểu diễn. Hôm đó cụ mặc áo dài trang trong, lịch sự mặc dầu ngồi ở hàng ghế phụ trên gác chứ không phải lô riêng.

Vài năm trước tôi còn nhìn thấy Ông trên TV cùng những bài hát Nga trữ tình. Thế mà nay Ông đã ra đi. Tôi tiếc thương và nhớ mãi Ông. Nhớ mãi giọng ca Quí Dương cùng những bài ca bất hủ, ở vào thời tuổi trẻ tôi đã rất ưa thích.

Phạm Lê

(ảnh thứ hai trên mạng)

Previous
Next Post »