Ngày 6 Tết

Thế hệ con cụ Quang bây giờ thấp nhất là 60 tuổi, cao nhất là 93 và đều có gia đình con cháu đề huề. Mỗi gia đình đón Tết Kỉ Sửu một cách khác nhau, nhưng nói chung là tươm tất và vui vẻ.

Như mọi năm, năm nay mọi nhà cũng sắm sửa ít nhất là một hai cặp bánh chưng, hộp kẹo bánh, hoa quả, cành đào, cây quất. Điểm giống nhau là sắm sửa đều có hạn mực, không lãng phí bởi thời buổi kinh tế suy thoái, hầu bao cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đến chúc Tết các gia đình ngày mồng 1 Tết thấy cảnh giống nhau là hầu như chỉ có hai ông bà ở nhà, con cái hoặc ở riêng, hoặc ở nước ngoài. Nhà tôi chỉ có 3 người, tối 30 tôi phải mời thêm khách bên vợ đến ăn cơm cho nhà đỡ trống trải. Còn ngày mồng 1, mồng 3 toàn trên tầng cây số, không ăn cơm nhà. Riêng ngày 2 Tết may nhờ có ngày họp mặt đại gia đình nhân ngày giỗ Cụ Quang, nhà cửa mới trở nên đông vui.

Nhộn nhịp nhất có lẽ là nhà bác Anh và bác Lan bởi con cháu ở nhà đông đủ. Nhớ buổi sáng ngày 29 tháng Chạp ở nhà bác Anh, tôi nghe thấy bác chỉ thị qua điện thoại cho cô con dâu thứ chuẩn bị các món ăn ngày 30 Tết đủ các món gồm 3 bát to, 3 đĩa to, nước uống 3 loại, hoa quả 5 thứ.

Không khí Tết còn kéo dài tới ngày mồng 5 Tết, buổi tối tôi và ông Ngọc nhận lời đến nhà ông Tiến Phượng ăn bữa cơm tối, cũng là để chia tay cháu Trang Thắng về Hàn Quốc tiếp tục côngviệc sau một thời gian về Hà Nội ăn tết với bố mẹ. Ngày Tết vẫn chưa dừng ở đó, hôm nay 6 tết chúng tôi gồm các vị Ngọc, Thắng, Minh, Tiến, Phương, Lương vượt đường xa hơn 20 km về Định Công ăn Tết với gia đình các ông Du, Công ,Huấn là các con trai của cụ Phạm Vĩnh Bảo. câu chuyện quanh nâm cơm cúng ngày 6 Tết thật vui vẻ kéo dài tới tận 21h mới tan.

Ngày Tết vừa hưởng khí trời Xuân, con cháu gặp nhau sau một năm làm việc vất vả là một nề nếp truyền thống đẹp, gắn kết các thành viên gia đình, tưởng nhớ bậc sinh thành là một việc nên duy trì.

Previous
Next Post »