Đào Xuân ngày Tết

Năm ngoái bác Nhu có một cành đào Nhật Tân tuyệt đẹp, cánh đào to nở rộ nhiều nụ, đến tận mồng 10 Tết vẫn còn tươi, ai đến cũng phải khen hết lời. Chuyện đó đã qua một năm, đến nay tôi vẫn còn nhớ.
Hôm ông Táo chầu trời tôi cũng kịp mua một cành đào nhỏ đặt bên bàn thờ, bây giờ là lúc tôi tìm kiếm một cành đào đặt ở phòng khách ngày Tết như mọi năm vẫn làm. Thông tin về đào râm ran từ trước Tết hàng tháng trời, nào là sẽ khan hiếm, nào là đắt hơn do hậu quả của trận ngập lụt hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm vừa rồi. Quả thật năm nay tìm được cành ưng ý cũng khó hơn, phần thì ít, phần do giá cả so với năm ngoái tăng lên gần gấp rưỡi. Cũng như mọi người vào thời điểm kinh tế suy thoái, tôi cũng phải thắt chặt hầu bao hơn, tiêu pha cũng không được rộng rãi như năm trước, vì thế mua cũng phải cân nhắc kĩ hơn.
Lai quay về chuyện mua đào, nhà ta mỗi người một sở thích. Ông bà Tiến Phượng thích cây đào thế Sơn La hoành tráng để ngoài vườn hoa, vì nhà có sân vườn rộng rãi. Nhà ông Ngọc lại ưa đào thắm đỏ rực, hoặc đào bích phớt hồng. Nhà tôi thích đào phai kép vừa sáng nhà, lại vừa đẹp. Còn bác Anh thì khác, lại có thú chơi mai vàng Sài Gòn. Sở dĩ thế, vì nhà bác quan niệm mai vàng có nhiều lộc tài hơn. Vả lại nhà ấy có nguồn từ miền Nam, bởi cậu con trai út hằng năm cứ vào dịp Tết thường có công việc vào trong ấy đem ra.
Sáng nay 25 Tết, tôi và bác Ngọc cất công tới tận “sào huyệt” đào, ấy là vườn đào Nhật Tân mua được cho tôi một cành đào phai, còn bác ấy là cành
đào thắm mầu đỏ rực rỡ. Với túi tiền của cánh về hưu như chúng tôi, hai cành đào thường thường bậc chung mỗi cành giá 200.000đ như vậy cũng là được.
Mua đào ngày Tết là một thú chơi Xuân thú vị. Đem một cành đào về nhà rồi ngắm cho ngày Tết thêm đậm đà sắc Xuân, cũng là một thú chơi Xuân tao nhã.

Phạm Lê

Previous
Next Post »