Nhớ Chú Thương (tiếp)

Tôi vẫn nhớ hồi năm 1975, lúc đó vừa tốt nghiệp kĩ sư Đại học KTQS, tôi theo đoàn tiếp quản Đài Rada Phú Lâm và làm ở Tiểu ban Kĩ thuật Trung đoàn 596 đóng ở đó. Ông bà Thương sau khi về Nam đã tậu được ngôi nhà nhỏ mái tôn ở mặt tiền đường Hậu Giang, ngôi nhà này bề ngang đâu khoàng 3m, sâu chừng mươi mét.
Hồi đó ba cô con gái của ông bà còn đang tuổi đi học, nhà phải bày thêm mẹt khoai luộc để bán. Tôi cũng không giúp gì được, bởi lúc đó tôi cũng đã có gia đình và lương Thiếu uý cũng chẳng đủ tiêu pha trên đất Sài Gòn mới được giải phóng. Vả lại hồi đó tôi cũng hay phải đi công tác ở Miền Đông và Tây Nam Bộ, thời gian đến nhà cô chú cũng không được nhiều. Tuy vậy tôi vẫn nhớ hình ảnh chú Thương người cao, gày. Nhà nghèo nhưng chú rất “Bonsevich”,
rất nguyên tắc, có phần cứng nhắc kiểu "không tơ hào cái kim, sợi chỉ ở vùng mới giải phóng" Chẳng hạn như chuyện cô Tâm trước khi sang định cư tại Pháp có ý định tặng lại ông bà ngôi nhà hai tầng ở một ngõ phố Trương Minh Giảng cũ, nay là đường Lê văn Sỹ thì phải. Nhưng ông nhất định không cho lấy. Hồi đó tôi cũng thấy tiếc vì có đôi lần đến chơi nhà cô Tâm, tôi thầm nghĩ giá như mình cũng có một ngôi nhà như thế thì tốt quá. Nhưng chú nhất quyết không, thì cô Oanh và các con cũng đành chịu.
Những năm sau này mấy lần vào Nam công tác, cứ đến thăm là ông lại hỏi tôi đủ thứ chuyện về thời cuộc, chủ yếu là tình hình chính trị thế giới, địch ta. Có lẽ bệnh nghề nghiệp mấy chục năm trong ngành công an, lại thấy tôi lúc đó còn đương chức chưa nghỉ hưu, chú tưởng là tôi biết nhiều nên mới hỏi vậy.
Ngày chú mất tôi không có mặt để tiến đưa, chiều tối nay đọc được bài của bác Di trên Blog nhân 4 năm ngày chú mất, mạm phép bác Di tôi viết mấy dòng coi như phần hai bài "Nhớ chú Thương" để tưởng nhớ người chú đã khuất.

Phạm Lê

Previous
Next Post »