Nhớ Chú THƯƠNG


Hôm nay ngày 14/1/2009 tức 19 tháng chạp ta là ngày giõ lần thứ 4 của Cụ Trần Thương ( phu quân của Cụ Phạm Kim Oanh, em gái ruột Cụ Bà Quang) mà chúng tôi hay gọi thân mật là Chú. Vào thăm Cô Oanh và lễ trước bàn thờ Chú, tôi chợt nhớ lại những kỷ niệm về Chú. Chú sinh trưởng ở Huế, nhưng trong kháng chiến chú họat động cách mạng ở miền Nam, cho đến ngày Chú mất cuối năm 2004,thọ trên 80 tuổi, nghe điếu văn của lãnh đạo chính quyền địa phương, mới biết Chú đã tham gia công tác nhiều năm ở ngành Công An CM. Khi tập kết ra miền Bắc, chú công tác ở Sở Thủy Lợi HN, và nhờ sự tác thành của bác Đỗ Xuân Tiên ( bên họ ngọai) là bạn đồng nghiệp, chú đã thành hôn với Dì Oanh, mà chúng tôi hay gọi thân mật là Cô Oanh, lúc đó cả hai người đã ở tuổi trung niên. Sau bao năm tháng bươn chải với cuộc sống khó khăn của miền Bắc với đồng lương ít ỏi của Chú Cô cộng lại, một gia đình hạnh phúc với 3 con gái là Hương, Hường, Hồng đã được hình thành, tuy cả gia đình sống chật chội trong căn phòng nhỏ của khu tập thể Bệnh Viên Bích Câu nơi Cô Oanh công tác . Tuy vậy đến cuối những năm 70 Chú Cô quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống, lúc đầu mua được một căn nhà nhỏ trên đường Hậu Giang, quận 6, gần Bến xe miền Tây, khi đến thăm tôi nhớ mãi được Cô Chú cho ăn xòai miền Nam thơm ngon một cách thỏa thích . Sau vài năm cả gia đình lại chuyển về phố Lý Chiêu Hòang, Quận 6 mua lại căn nhà mà người cháu của Chú nhượng lại ở Khu tập thể sĩ quan cũ. Nhà mới tuy rộng hơn, nhưng vẫn là nhà cấp 4, mái tôn. Những khi đến thăm, chúng tôi được uống nuớc dừa thỏai mái, hay thưởng thức món chè thập cẩm Nam Bộ với đặc sản cốt dừa rất hấp dẫn do các em tự làm . Lúc đó cả 3 em gái còn đi làm, nên mức sống của gia đình Chú cũng tạm ổn, tuy Cô Chú đã về hưu. Khó khăn của cuộc sống vẫn còn trước mắt, nên các em chỉ học chưa hết phổ thông đã phải đi làm vói những chiếc xe đạp cọc cạch, ngày ngày đạp xe từ quận 6 vào thành phố xa hàng chục km giữa nắng , giữa mưa. Những năm trước khi qua đời Chú cộng tác với gia đình Cô Kim Lan ở HN chuyển trà Cao Ngạn Thái Nguyên vào, và Chú bán lẻ hay làm dấm chua bán. Tuy tuổi đã cao, nhưng Chú tích cực họat động đòan thể và đảm nhận công tác ở địa phương. Là một cán bộ gương mẫu, sống giản dị và luôn luôn tin tưởng vào CM nên Giấy khen của Chú có rất nhiều. Nhưng sự bất hòa trong gia đình Chú đôi lúc cũng căng thẳng vì để mất nhiều cơ hội có thể thay đổi cuộc sống một cách hợp lý, do đó Cô và các con chỉ nhịn, dấu ấm ức sự bất bình trong lòng mà không nói ra.

















Tôi còn nhớ từ ngày gia đình tôi chuyển từ HN vào SG sinh sống đã thay đổi chỗ ở nhiều lần, từ chung cư này, sang chung cư khác, mãi đến cuối năm 1998 với số tiền dành dụm nhiều năm, cộng với số tiền vay chúng tôi đã xây dựng được một ngôi nhà cao tầng nhỏ khá đẹp ở 323B/ 16A Hồ Văn Huê ( sau đổi là Đào Duy Anh ) thuộc quận Phú Nhuận và tự hào đây mới là “ nhà của mình “ trên mảnh đất rộng chưa đầy 70m2 mua được do chú P.V.Thg tìm hộ, lúc đó cả gia đình tôi ai cũng nghĩ đây sẽ là nơi ở cuối cùng của gia đình mình. Chúng tôi mời gia đình Chú Thương đến dự tân gia, Cô đi xe xích lô , các em và Chú đi xe đạp vượt khỏang cách gần 20km để mừng gia đình tôi có nhà mới. Cảm động nhất là gia đính Chú còn tặng chúng tôi bộ tứ bình sơn mài, chạm khắc 4 mùa Xuân, Hạ, Thu., Đông rất đẹp treo trên tường dọc cầu thang lên gác, mà Chú chọn là nơi chụp ảnh kỷ niệm Thế mà đến những năm 2000 có lúc chú P.V.Thg từ HN vào chơi còn giúp gia đình tôi đi tìm nơi ở khác để bán nhà trên trả nợ . Cuộc sống đúng là biến động không ngừng, khi quận 6 được qui họach lại và nhà cũ Chú ở trước đây, nay đã được các con sửa chữa làm lại to đẹp hơn, phố Lý chiêu Hòang nay đã biến đổi với nhiều nhà cao tầng , lại gần Siêu Thị Metro của Đức với quang cảnh phố phường khang trang , sạch đẹp hơn thì Chú đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Nay nhà Đào Duy Anh chúng tôi cũng phải bán đi vì những lý do khách quan và chủ quan, và chuyển về ở xa Trung tâm, tuy là khu đô thị mới nhưng vẫn là nhà chung cư. Khi chuyển nhà cũng không rõ bộ tứ bình thất lạc đi đâu, vì lúc đó rất nhiều người đến “dọn dẹp” và đồ đạc cho đi cũng nhiều, vì nơi ở mới nhỏ hơn không chứa nổi .Rồi cuộc sống sẽ ra sao nữa khó mà biết trước được với tuổi thất thập cổ lai hi, sinh lão bệnh tử là qui luật của Trời Đất khó ai tránh khỏi, chỉ mong rằng những năm, tháng, ngày còn lại được sống vui, sống khỏe như Chú và các bậc tiền bối của Chi họ nhà ta . Nhân ngày giỗ Chú, tôi thắp nén nhang cầu chúc cho chú được an bình ở cõi vĩnh hằng và phù hộ cho con cháu.

Previous
Next Post »