Cảm nhận Nhật bản

Tháng 12 năm 2008, được sự giúp đỡ của vợ chồng cháu Tô Minh Thu, 2 mẹ con tôi (Hồng Phương và Mai Anh)được du ngoạn Nhật bản khoảng 2 tuần. Mặc dù chỉ lưu lại trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng nước Nhật đã để lại nhiều ấn tượng cho 2 mẹ con tôi. Qua blog gia đình này, tôi muốn chia sẻ những cảm nhận của mình có thể còn phiến diện mong được đóng góp thêm ý kiến. Để tiện theo dõi, tôi chia bài viết ra thành các chủ đề nhỏ viết dần trong nhiều kỳ.
Kỳ 1: Giao thông Nhật bản
Tôi bay từ Hà nội đến Nhật vào 5 giờ sáng. Cháu Minh vào tận sân bay Kansai đón tôi và đưa về nhà bằng xe ô tô con. Chúng tôi đi trên đường cao tốc 1 chiều, mặt đường cao ngang với các tòa nhà mười tầng. Dọc hai bên đường có xây lan can bê tông và trên các tấm bê tông đó là tấm kim loại che chắn. Cháu Minh bảo là để lái xe không nhìn được ra xung quanh làm mất tập trung khi lái xe. Mặt khác, các khu dân cư cũng đỡ bị ồn bụi vì xe đi. Bản thân các đường cao tốc cũng chia làm nhiều tầng và nhiều làn khác nhau. Đường cao tốc bao quanh và xuyên suốt thành phố OSAKA. Từ sân bay đến thành phố khá xa. Cháu Minh bảo là người Nhật đã lấp biển để xây sân bay này với mục đích để xa khu dân cư, không làm ảnh hưởng đến dân. Trên đường về tôi cũng thấy có các trạm thu phí nhưng xe của cháu Minh vẫn đi qua không bị dừng lại. Tôi cứ tưởng không bị mất tiền, nhưng sau mới được giải thích rằng ở nóc xe có lắp thiết bị điện tử thu phí tự động. Các xe ô tô ở Nhật hầu hết đều được gắn màn hình định vị. Xe đi đến đâu hiện hình đến đó. Nếu cần đi đâu, chỉ cần tra máy đường đi mà không cần tra bản đồ. Xe đi theo chiều tay trái (như Anh và Úc).Tuy nhiên chỗ ngồi của lái xe thì bên phải hay trái đều được. Buổi chiều hôm đó cháu Minh bay về HN cho đến lúc mẹ con tôi về Minh vẫn chưa sang. Do đó, trong hầu hết thời gian ở Nhật chúng tôi buộc phải sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển vì taxi bên ấy rất đắt. Phương tiện công cộng ở Nhật chủ yếu là tàu điện ngầm và nổi. Tôi đã đi tàu điện ngầm ở Nga, Mỹ, Úc nhưng sang Nhật vẫn bị bất ngờ về hệ thống bán vé, tính giá vé và soát vé tàu (tàu ngầm cũng giống như tàu nổi nên nhiều lúc đi tàu nổi cứ ngỡ tầu ngầm). Người Nhật áp dụng kỹ thuật điện tử để thiết lập hệ thống bán vé và soát vé hoàn toàn tự động. Để đi đâu đó, trước tiên bạn xem bản đồ đường đi (treo trong nhà ga bằng tiếng Nhật và tiếng phiên âm), xác định giá vé để đến được ga đự định (giá vé mỗi chặng khác nhau và có khoảng 5 -6 loại giá từ 130 đến 780 yên), sau đó ra máy bán vé (ghi hướng dẫn bằng tiếng Nhật và tiếng Anh), đút tiền giấy (máy sẽ hút vào)hoặc bỏ tiền xu vào lỗ (khi đút trên máy sẽ hiện ra số tiền đã đút vào máy để dễ theo dõi), ấn số lượng vé và giá vé, máy sẽ thò ra vé (ở góc máy sẽ hiện ra số lượng vé đã thò ra, thường vé bị kẹp díp nên nhiều người cứ tưởng thiếu vé). Nếu có tiền thừa, máy sẽ trả lại (cả bằng tiền giấy và tiền xu). Nhận được vé điện tử (hình chữ nhật 2 x 3 cm), bạn đút vào máy soát vé, các thanh chắn sẽ mở ra và bạn đi qua được. Tuy nhiên, phải nhớ lấy lại vé nhô lên ở đầu kia máy soát và khi ra khỏi ga, bạn lại phải đút vé đó thì máy mới cho bạn ra (nếu như bạn mua đủ giá vé). Tuy nhiên vé nằm lại trong máy luôn chứ không nhô lên như lúc vào nữa (bằng cách đó máy thống kê luôn số lượt người đi qua và số tiền đã thu được để đối chiếu với số liệu ở máy bán vé). Nếu bạn mua vé với giá rẻ hơn quy định thì vào được ga, đi được tàu nhưng khi ra khỏi ga, máy soát vé sẽ không cho bạn ra. Trong trường hợp đó, bạn phải quay lại bên trong, tìm máy chỉnh vé (fare - ở ga nào cũng có) đút vào máy vé điện tử (đã mua khi vào ga), máy sẽ hiện lên số tiền còn thiếu, bạn đút số tiền thiếu vào, máy sẽ cho ra 1 vé điện tử mới và với vé đó bạn có thể ra khỏi ga. Trong nhiều trường hợp, bọn tôi cũng không biết mình sẽ đi đâu, qua bao lần chuyển bến nữa nên để đơn giản, khi vào cứ mua loại vé rẻ nhất, rồi khi ra nhờ máy chỉnh vé tính lại tiền cho mình trả nốt. Thời gian đầu, 2 mẹ con tôi cứ lách cách mỗi lần đi một lần nhìn bản đồ, xác định giá vé. Mãi sau mới biết nếu đi nhiều lần trong ngày thì có thể mua vé ngày, mua 1 lần đi cả ngày, vừa đỡ lách cách lại có phần rẻ hơn 1 chút. Tuy nhiên sau 12 giờ đêm thì vé ngày hết hiệu lực. Ngoài ra có thể mua vé tháng (như cháu Thu mua vé tháng lại là sinh viên nên được giảm giá 10%). Có loại vé tháng chỉ có cho tàu điện ngầm, cũng có loại vé tháng kết hợp cho cả tầu điện ngầm với xe buýt. Tuy nhiên, hình như không có vé tháng cho tất cả các phương tiện công cộng (như Úc chẳng hạn)vì ở Nhật các hãng tầu hỏa (tầu nổi) là của tư nhân mà mỗi hãng có giá vé cũng như chất lượng phục vụ khác nhau nên không đồng nhất vào chung 1 vé được. Còn tầu điện ngầm và xe buýt thì của nhà nước (thành phố quản lý) nên chung vé tháng được. Ngoài ra tôi cũng chứng kiến những người Nhật khi đi qua máy soát vé chỉ chạm thẻ vào đầu máy là qua được, thậm chí có người đập điện thoại di động vào là qua (không cần đút vào khe và lấy lại vé ở đầu kia). Hỏi ra mới biết, máy trừ tiền qua thẻ đã nạp tiền sẵn. Có lần chúng tôi mua vé vào ga rồi mới phát hiện ra nhầm đường. Thế là gặp nhân viên trực ở đấy, đưa vé họ xem và biết chưa đi (mặc dù đã đục lỗ ở vé) nên được hoàn lại tiền. Các ga tàu điện ngầm của Nhật đều có các tủ đựng đồ (loker). Để sử dụng các tủ này (với các ô to nhỏ khác nhau và giá cũng khác nhau), bạn phải mua vé tự động (tương tự mua vé tàu). Khi đó, máy sẽ thò ra vé điện tử (to bằng CMT)và với vé đó, bạn có thể mở được ngăn tủ đã chọn, cất đồ, khóa bằng mã số bạn chọn và khi lấy thì đút vé rồi bấm lại mã số ngăn tủ sẽ mở ra. Một lần, ngẫu nhiên khi đi tàu qua thành phố Odubai ở Tokyo, chúng tôi vào toa đầu tiên. Tàu chạy đúng giờ, có thuyết minh đầy đủ nơi đi nơi đến, dừng đóng mở cửa rất chuẩn (2 lớp cửa - cửa tàu trùng với cửa ga). Lúc này chúng tôi mới ngã ngửa ra là tầu không có người lái - tất cả là tự động.
Nếu tàu ngầm thuộc sở hữu nhà nước và không chia ra nhiều loại tàu thì tàu nổi (train)ở Nhật lại do các hãng tư nhân điều hành và được chia ra nhiều loại: tàu chậm (local), tàu nhanh vừa (express), tàu rất nhanh (supper express), tàu cho phụ nữ (ladies only). Tàu chậm thường cho những người già, hưu trí, tàn tật. Tàu nhanh và rất nhanh chỉ khác nhau ở số lượng ga dừng giữa chừng. Tàu cho phụ nữ chỉ chạy vào khoảng 8 - 10 giờ sáng để những người phụ nữ bận rộn có thể vừa ngồi vừa trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến công sở. Với mỗi loại tàu, trên bảng điện tử được biểu thị bằng các màu khác nhau và ở các thành phố cũng khác nhau. Ví dụ, ở Osaka, màu đỏ là tàu cực nhanh thì ở Tokyo lại là màu xanh. Trong thời gian ở Nhật chúng tôi cũng sử dụng xe buýt cả ở Tokyo cả ở Osaka và cũng nhận thấy sự khác biệt. Ở Osaka, cứ 200 yên là có thể đi từ đầu đến cuối 1 tuyến xe buýt, còn ở Tokyo thì không hẳn vậy. Nếu như ở Osaka khi lên phải lên cửa trước, mua vé trước mặt lái xe rối xuống cửa giữa thì ở Tokyo lại lên cửa giữa và xuống cửa trước. Khi xuống mới mua vé.
Trong thời gian ở Nhật, khi di chuyển từ Osaka đến Tokyo, mẹ con tôi cũng bấm bụng (vì giá vé cao) đi thử tàu cao tốc chạy bằng từ trường với tốc độ 350 km/ giờ - tốc độ nhanh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện nay - với hy vọng được thưởng thức các cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, chẳng có cảm giác gì đặc biệt cả vì chẳng khác gì đi máy bay. Thế là khi quay về Osaka, 2 mẹ con lại đi xe buýt 2 tầng và giá vé ở đây lại phụ thuộc vào ... bề ngang của chiếc ghế nên trên cùng 1 chiếc xe có đến mấy loại vé. Mặt khác, người ta lại xếp cho chị em ngồi ở phía cuối, còn anh em lại được ngồi ở nửa đầu xe. Thật là bất bình đẳng. Cuối cùng, tôi muốn nói đến taxi ở Nhật. Taxi cũng sẵn (dễ gọi)và chỉ khác với ở Việtnam là có show giá ở đầu xe (đó là giá đi 2 km đầu tiên, còn tiếp theo tính như thế nào thì tôi chưa kịp tìm hiểu vì toàn đi đoạn ngắn) và 2 cánh cửa phía sau do lái xe điều khiển đóng mở tự động, hành khách không phải và không thể đóng mở. Nếu đi 1 nhóm 3 -4 người với cự ly ngắn và có đồ đạc cồng kềnh thì đi taxi tiện và rẻ hơn so với tàu điện ngầm.
Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Nếu Lương&Phương đưa các ảnh minh họa ở Nhật thì bài entry này sẽ rất hay.
Cậu Di

Balas