NHỚ LẠI TẾT HÀ NỘI XƯA



Hôm nay 18/1/2009 đúng là ngày 23 tháng chạp là Ngày lễ Ông Táo, tức là ngày ông Táo sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong mỗi gia chủ với Thượng Đế ( Ông Trời), ngày này được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau lễ Ông Táo cả nhà dọn dẹp nhà cửa, lau chùi các đồ cúng ông bà tổ tiên. Tôi còn nhớ những ngày Tết xa xưa ở nhà 53 Lãn Ông Hà Nội thật nhộn nhịp, từ hàng tuần trước Tết bà Nội đã thúc dục mọi người chuẩn bị như gọi thợ đến đánh đồng sáng lóang các đồ thờ cúng, hay lau chùi các câu đối, hòanh phi, mua lá dong, lạt, gạo nếp, đậu xanh và thịt ngon để gói bánh chưng tới hai, ba chục chiếc . Thú vị nhất là thức đêm để trông luộc nồi bánh chưng to bên bếp lửa hồng ấm cúng, trong tiết trời se lạnh của mùa Đông chuyển sang Xuân. Ngày Tết là ngày bận rộn nhất của các bà nội trợ như Mẹ tôi. Hiện nay cuộc sống vật chất đã khá hơn, và mọi người đều bận bịu với việc làm ăn, nên mua sẵn các hàng Tết ở các cửa hàng hay siêu thị kể cả bánh trưng, nên không còn những giờ phút thi vị, ấm cúng của ngày Tết xa xưa. Đã nhiều năm nay tôi đảm nhiệm chức danh " nội trợ" nên cũng quan tâm đến nội dung mâm cơm cúng ông Táo và thời điểm cúng. Tìm hiểu trên mạng cũng có người nói cúng ông táo tốt nhất là vào 12 giờ đêm chuyển tiếp giữa ngày 22 sang ngày 23 tháng chạp, vì 1 giờ 23 tháng chạp là ông Táo đã bay lên trời, cũng có nhà cúng vào 12 giờ trưa hay 12 giờ đêm ngày 23 tháng chạp , thực ra là tùy tâm có thể chọn thời điểm cúng thuận tiện nhất với gia đình và phải cúng gần bếp và phải bật lửa bếp lên cho cả năm mới gia đình được no ấm .Mâm cơm cúng ngày Tết theo sách Cổ học tinh hoa thường có 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 con cá chép sống để trong bát hay chậu nước ( nếu không có thay bằng cá chép rán), 1 đỉa xôi gấc, 1 đĩa chè kho,1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả cau, 1 trầu,1 lọ hoa cúc vàng hay hoa đào nhỏ,1 tập cúng vàng mã. Ngày xưa đun củi nên có 3 đầu bếp tuợng trưng cho hai ông Táo và 1 bà Táo, nên đúng ra phải có 3 bộ vàng mã, đơn giản thường là 1 mũ ông Công có 2 cánh chuồn,kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia và tiền vàng giấy . Cúng cá chép sống là tốt nhất vì ngụ ý " cá hóa rồng " để đưa ông Táo về chầu trời, sau cúng thả ra ao, hồ hay sông, có thể thay xối gấc bằng bánh chưng, nếu nhà có trẻ con thì cúng gà luộc. Cò thể làm 1 mâm cùng ở bếp, 1 mâm cúng trên bàn thờ. Lần đầu tiên gia đình tôi nhờ các con mua cho một con cá chép vàng còn sống để cúng ngày lễ Ông Táo, sau sẽ thả xuống ao gần nơi ở.
Nhân ngày lễ Ông Táo năm Kỷ Sửu chúc cho mọi thành viên gia đình chi họ Cụ Quang quanh năm no ấm và gặp nhiều may mắn.

Previous
Next Post »