Hồi ức về mẹ.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến giỗ đầu mẹ. Vào những ngày này cách đây 1 năm, 2 chị em tôi lòng nặng trĩu lo âu, thay nhau vào trông nom mẹ 24/ 24 tại bệnh viện Việt Nhật. Sau bao nhiêu lần ốm đau, ra vào bệnh viện, chiến thắng bệnh tật 1 cách kiên cường, lần này do tuổi cao sức yếu, mẹ đã không thể chống chọi cùng một lúc với 3 căn bệnh nan y là suy tim, suy phổi, suy thận.
Mẹ đã nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng vào 2 giờ 35 phút ngày 19 tháng 10 năm Đinh Hợi tức 28 tháng 11 năm 2007 dương lịch, khi vừa mới vượt qua ngưỡng thượng thọ 80 tuổi. Vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật, vẫn biết mẹ sức yếu, khi sống luôn bị bệnh tật giày vò, đặc biệt là những năm cuối bị ngã gãy cổ xương đùi, nhưng tin mẹ ra đi vẫn để lại cú sốc, nỗi trống vắng không gì bù đắp nổi trong lòng 2 chị em chúng tôi.
Kì I: Những năm tuổi trẻ.
Cuộc đời mẹ thật vất vả nhưng cũng thật vinh quang. Không dễ ai có thể trải nghiệm như vậy. Mồ côi mẹ đẻ từ năm lên 3, tuổi thơ của mẹ trôi qua tại ngôi nhà 53 Lãn ông. Mẹ được bà nội và bố nuôi ăn học đến hết tiểu học tại trường Anbesaro dành cho nữ và học bằng tiếng Pháp. Mẹ kể, hồi ấy 100% nữ sinh đến trường trong bộ quần áo dài. Sau đó, mẹ theo bác ruột sang sống tại Lào, Căm pu chia một thời gian. Năm 18 tuổi, chứng kiến nạn đói diễn ra hàng ngày ngay trước nhà (mẹ kể ngày nào mở cửa ra cũng thấy có người chết đói) mẹ sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia hoạt động như rải truyền đơn, cất giấu vận chuyển vũ khí... Trong những ngày cách mạng tháng 8, mẹ cùng đồng đội đột nhập vào Nhà hát lớn, giữa buổi biểu diễn, tung truyền đơn, kêu gọi ủng hộ Việt minh rồi lại biến mất trước khi cảnh sát kịp có mặt can thiệp. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng12/1946), mẹ chiến đấu trong đội ngũ trung đoàn thủ đô. Ấn tượng nhất trong chuyện kể của mẹ là người dân đã tình nguyện đục xuyên tường nhà và bằng cách đó du kích di chuyển rất nhanh, tránh được sự truy sát của địch. Trong những ngày này, do bị địch bao vây nên đã xảy ra thiếu rau ăn và quân ta đã giải quyết bằng cách ngâm đậu xanh lấy giá ăn.
Cũng trong năm này – 19 tuổi, mẹ đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Sau đó từ 1947 – 1949, là ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ liên thành luỡng Hà (Hà Nội, Hà Đông). Trong thời gian này, mẹ thường xuyên phải chạy càn. Trong 1 lần chạy càn, mẹ đã được bố đến cứu. Sau này mẹ tâm sự là đã lấy bố như một sự tri ân cứu mạng. Từ 1949, mẹ theo chồng lên công tác tại Việt Bắc, lúc đầu làm kế toán cho Văn phòng chính phủ, sau chuyển sang làm lưu trữ cho Nha công an. Năm 1951, mẹ sinh con gái đầu lòng đó là một trong những đứa trẻ đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc. Vừa nuôi con trong điều kiện thiếu thốn, hai mẹ con đã trải qua bao thử thách. Mẹ kể, nhiều sáng ngủ dậy thấy đầu vết chân hổ đi dạo quanh nhà (may là nhà nứa nên hổ không dám vào). Những khi có báo động, mẹ lại phải bế con chui xuống cống, nhiều khi phải bịt chặt mũi con cho tiếng khóc khỏi bật lên. Chuột, gián dưới cống chạy qua, sợ phát khiếp nhưng vẫn phải im lặng. Có lần, nghe tiếng máy bay địch, linh tính thế nào mẹ bế con chạy vào rừng, không kịp mang theo một tí đồ đạc gì. Vừa chạy khỏi, ngôi nhà trúng bom cháy rụi. Khi ở rừng ra, mẹ thấy bố đang lang thang quanh ngôi nhà cháy, mặt buồn rười rượi vì tưởng mất vợ con. Hồi nhỏ, chị Vinh rất hay bị viêm phổi. Có lần, bị nặng, bố mẹ phải vay một chỉ vàng rồi bế con xuyên 30 km đường rừng để đến được bệnh viện thị trấn. Một chỉ vàng ấy phải 40 năm sau mới gặp lại được người chủ để trả. Bệnh viêm phổi mãn của chị Vinh đã được mẹ chữa khỏi bằng cách cho ăn đều đặn mỗi ngày 1 quả cam tươi.
Hoà bình lập lại, bố mẹ dọn về thủ đô ở trong căn phòng khoảng 10 m2 ngay trong cơ quan Bộ Công an – số 4 Trần Bình Trọng. Tôi may mắn hơn chị Vinh là sinh ra trong hòa bình tại thủ đô. Hồi ấy, trẻ con ít lắm nên các chú bảo vệ nhớ mặt hết. Ra vào cổng thoải mái không phải trình giấy tờ gì. Bọn tôi muốn sang chơi với các bạn là con em bộ trưởng, thứ tưởng lúc nào cũng được vì đi cổng sau không phải qua bảo vệ. Bố mẹ đi làm gần, chỉ vài bước chân là đến cơ quan. Từ năm 1960 đến 1964, nhà tôi dọn ra ngoài, ở trong gian phòng khoảng 14 m2 nguyên là gara ô tô trong 1 biệt thự cũ của Pháp tại số 3 Nguyễn Thượng Hiền (nay là trụ sở tạp chí Người Cộng sản). Thời gian này bố mẹ đi học lớp chính trị cao cấp Nguyễn ái Quốc và hay đi công tác nên hai chị em chúng tôi lúc

thì được gửi ở 53 Lãn Ông, lúc thì gửi hai bác Trinh - Cúc ở đối diện – số 4 Nguyễn Thượng Hiền. Từ 1964, nhà chúng tôi lại dọn về 70 Trần Quốc Toản với gian phòng rộng hơn 1 chút (18 m2 ). (ảnh bên: ông Ngọc bên mộ bà Thoa, chụp ngày 11.11.2008) . Tuy nhiên, ở chưa được bao lâu thì mẹ theo cơ quan đi sơ tán tận Bắc Cạn. Khi giặc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, 2 chị em chúng tôi được gửi đi sơ tán lúc thì quê Tía (1 tháng), rồi Hà Hồi – Thường Tín (1 năm), Minh Khai - Từ Liêm (1/2 năm ), rồi lên Bắc Cạn với mẹ (1/2 năm), lại quay về Chương Mỹ - Hà Tây trong trại trẻ 20/7 của Bộ Công an. Phải mãi đến năm 1971, mẹ mới từ Bắc cạn về hẳn Hà Nội. Như vậy, là con gái Hà Nội gốc, nhưng cả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ đã ở Việt bắc tổng cộng 14 năm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngoại trừ nửa năm đầu ở cùng và học trên Bắc Cạn, hầu như hè nào hai 2 chị em cũng lên thăm và ở cùng với mẹ. Thời gian đầu (khoảng 2 tháng), cơ quan mẹ ở trên ngọn đồi cạnh chợ Từ – thị xã Bắc Cạn – nguyên là trụ sở công an tỉnh Bắc Cạn. Sau đó, do không an toàn, cơ quan mẹ lại di chuyển tiếp vào 1 bản cách thị xã 30 km đi qua đèo Phủ Thông về phía hồ Ba Bể. Thời gian đầu, cơ quan có khoảng 20 người, trong đó chỉ có duy nhất mẹ là nữ, đồng thời cũng là sếp. Tất cả đều ở nhờ dân. Nơi cất giấu tài liệu cũng ở nhà dân (thường là dưỡi gầm nhà sàn). Nhiều hôm, đang đêm mưa gió, mẹ lại phải lo thức dậy đi kiểm tra xem có ảnh hưởng đến tài liệu không. Mặc dù là sếp, nhưng lại cũng là nữ duy nhất nên mẹ kiêm luôn làm cấp dưỡng, lo nấu ăn đủ cho cả 20 con người. Quân lính phần lớn còn trẻ khoảng 17 – 20 tuổi, từ quê ra chỉ giúp được những việc lặt vặt. Bận rộn, nhưng mẹ không quên công tác dân vận. Sau các bữa cơm chiều, mẹ thường dắt 2 chị em đi các nhà dân trong bản, nay nhà này, mai nhà khác. Một phần nhờ tấm lòng của dân bản, một phần cũng do mẹ làm dân vận cũng tốt mà ở đó mọi người đều nhắc đến 2 tiếng "chỉ Sâm" (tiếng Tày là chị Sâm) một cách trìu mến. Những ngày tháng sống ở Việt Bắc, chị em chúng tôi học tíếng Tày, học cách sống trên nhà sàn, lội suối, đeo dao quắm sau lưng (khi đi dao cử đập rập rình vào mông) đi vào rừng kiếm củi. Những bó củi chúng tôi kiếm được thường nhỏ nhẹ hơn mọi người. Cảnh rừng rậm tuyệt đẹp. Nước suối trong veo nhìn rõ đàn cá bơi lội. Chúng tôi cũng giúp chủ nhà thái chuối, nấu cám, cho gà lợn ăn (ở đó, lợn toàn thả rông, đến giờ gọi về ăn). Sau này tôi còn nuôi được một lứa tằm ăn lá sắn. Lúc tằm ăn rỗi, đi học về (lớp học chỉ có một mình tôi là người Kinh) quẳng cặp sách lên ngay đồi sau nhà đạp đổ từng cây sắn vác về vì nếu ngắt từng lá không về kịp thì tằm bò đi hết. Hồi tôi ở (lúc này chị Vinh học cấp 3 ở thị xã Bắc cạn) bà chủ nhà bị sâu quảng ở cổ chân, thịt thối đến tận xương, mùi bốc lên hôi thối rất khó chịu. Vậy mà, ngày nào mẹ cũng đun lá chè tươi đặc rửa chân cho bà. Bà chủ ấy bị dai dẳng vài năm mới mất. Sau này, cô con gái út của bà đã lấy tên Sâm để đặt tên cho con trai của mình. Xa Hà nội nhưng mẹ làm việc rất chăm chỉ và tự giác, làm nghỉ đúng giờ. Những năm sau, cơ quan mẹ đã xây được cơ ngơi riêng gồm 2 – 3 nhà sàn. Số người cả nam và nữ đã đông hơn. Đã có cấp dưỡng riêng nên mẹ không phải vất vả, cũng không phải lo di chuyển tài liệu mỗi khi mưa gió nữa. ấy vậy mà cũng có lần bom Mỹ rơi ngay quả đồi cạnh nhà sàn. May mà không có ai việc gì. Hè chị em chúng tôi lên được tặng cái lược làm từ xác chiếc máy bay rơi đó. Đã có nhiều lượt người thay nhau ở căn cứ Bắc cạn. Bản thân mẹ, thỉnh thoảng cũng ghé về Hà nội. Tuy nhiên, phải nói rằng, mẹ là người bám trụ lâu nhất, từ đầu đến cuối cái cơ sở Bắc cạn đó. Những lính mới đến sau kể lại rằng khi gặp mẹ cứ tưởng là một bà mế dân tộc Tày (vì mặc quần áo chàm, đeo túi chàm, lại lang thang đi hái măng rừng) chứ không nghĩ là sếp.
Kì II. Mẹ là tấm gương

Năm 1968, chị Vinh trúng tuyển đại học ở Liên xô, hồ sơ đã chuyển sang ĐSQ Việt nam ở Liên xô, áo quần trang phục cũng đã nhận, nhưng mẹ khóc ghê quá nên chị lại rút hồ sơ xin vào học khoa Toán Lý ĐHBKHN. Đến năm 1972, tôi trúng tuyển ĐH đi Liên xô thì mẹ lại khuyến khích đi vì lo ở nhà sắp có đánh lớn. Năm 1971, mẹ chuyển hẳn về ở Hà nội. Những tưởng mọi vất vả đã lùi vào dĩ vãng thì cuối năm 1972, mẹ lại hứng đủ 12 ngày đêm hủy diệt của B 52 Mỹ. Mẹ kể là mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm. Thậm chí, hầm bị ngập nước vẫn phải chung sống trọn 3 ngày đêm với nước. Hồi ấy, chị tôi đi sơ tán với trường, còn bố tôi không hiểu sao luôn là người may mắn – không có mặt ở Hà Nội. Dầu sao thì mẹ cũng may mắn là trải qua 2 cuộc kháng chiến mà không bị tù đầy, thương tích gì (ngoại trừ có thời gian bị suy dinh dưỡng toàn thân năm 1949, nên được chuyển sang làm công tác nhẹ hơn là kế toán văn phòng Chính phủ). Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ đi công tác một loạt các tỉnh miền nam, tiếp nhận tài liệu do chế độ cũ để lại, huấn luyện cán bộ tại chỗ phân loại, bảo quản, lưu trữ các tài liệu đó. Năm 1980, mẹ được cử đi dự Hội nghị chiến sỹ thi đua toàn quốc của ngành công an và là đại biểu nữ duy nhất.
Năm 1982, mẹ xin nghỉ hưu sớm 1 năm để chăm nom cháu Mai Anh con gái tôi. Nếu nghỉ đúng tuổi thì mẹ sẽ được thăng quân hàm thượng tá. Là trưởng phòng tổng hợp Cục hồ sơ Bộ CA trong vài chục năm, trụ vững qua 4–5 đời Cục trưởng, mẹ đã chứng tỏ sự vững vàng về nghiệp vụ. Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy vụ việc mất mát hư hỏng, thất lạc tài liệu. Mặt khác tài liệu được lưu trữ khoa học nên khi cần tìm rất nhanh. Năm 2002, mẹ được trao tăng huần chương độc lập hạng ba. Năm 65 tuổi, mẹ sang Liên xô 1 tháng, thăm quan Kiep, Leningrat. Lúc này trông mẹ rắn rỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Năm 75 tuổi, tôi đi giảng bài ở Vũng Tàu đưa mẹ đi cùng, đã mua được vé đi Côn Đảo thì mẹ bị tăng huyết áp nên phải trả lại vé và chịu phạt 10%. Mẹ rất thích Vũng tàu và có lúc có ý định chuyển vào đó ở, nhưng lại sợ xa bệnh viện. Cho đến cuối năm 2006, mẹ còn có ý định bán căn hộ tập thể Trung tự để đổi lấy căn hộ chung cư mới gần hồ, nơi không khí trong lành hơn. Tuy nhiên, bố tôi lại là người không thích thay đổi. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu mẹ kinh doanh thì chắc cũng thành đạt, không đến nỗi nào.
Vượt lên mọi thử thách, mẹ luôn là một người lạc quan yêu đời. Hiếm khi thấy mẹ kêu ca phàn nàn vì gian khổ. Trái lại, mẹ rất hay cười, thích giao lưu, thích nói đùa, không hay để ý đến những lời nói cạnh nói khóe. Hai chị em tôi, sau này là các cháu hay thích đùa với mẹ. Ví dụ “ Bài hát VN trên đường chúng ta đi” chúng toi hay hát chệch đi là nghe gió thổi tâ
m thu tâm thất (vì mẹ bị tim bẩm sinh, thông nhĩ nên có gió thổi tâm thu). Những lúc như vậy mẹ cười rung cả người. Mẹ sống rất thật, rất thẳng, hiền lành mà vẫn sắc sảo, nghĩ gì nói nấy, không vòng vo, nói xong là thôi, không để bụng. Với mẹ, mọi việc đều đơn giản, yêu ghét, thích hay không thích rất rõ ràng. Khó mà thuyết phục được mẹ làm một việc mà bà không thích hoặc cho là không thiết thực. Hồi trẻ, mẹ luôn có sổ bài hát bên người. Quyển số có kẻ các khuôn nhạc cẩn thận, lại có vé các bức tranh minh họa cho bài hát. Chữ viết và tranh vẽ đều rất đẹp (tôi cũng không hiểu mẹ học vẽ từ bao giờ). Mẹ cũng rất hay hát. Giọng nhỏ nhưng thanh và đúng nhạc. Cho mãi đến cuối đời, mẹ vẫn thích xem và nghe các chương trình ca nhạc, đặc biệt là nhạc tiền chiến. Mẹ thường xuyên có mặt trong các buổi diễn tập văn nghệ của cơ quan, tham gia đóng kịch, đồng ca. Thi bắn súng cũng được thành tích cao. Trong con mắt tôi, mẹ cũng là một phụ nữ năng động, sáng tạo. Hầu hết công việc sửa nhà đều do mẹ khởi xướng. Các đồ dân dụng điện tử như bếp ga, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng bao giờ mẹ cũng mua trước chị em chúng tôi. Mẹ hay có những phát kiến ngộ nghĩnh nhưng không kém phần ...khoa học. Chẳng hạn có lần bà nói: “ Cỏ chắc là bổ lắm nhỉ”. Tôi chưa kịp hiểu thì mẹ giải thích vì trâu, voi chỉ ăn cỏ mà vẫn to khỏe thì chắc là nó phải bổ lắm, có điều khoa học chưa chứng minh thôi. Lần khác mẹ nói: “ Chắc Mỹ sẽ xây dựng xong chủ nghĩa xã hội trước Việt Nam”. Tôi ngạc nhiên bảo sao mẹ không sợ bị coi là phản động à? Mẹ bảo ông Mác nói lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Mỹ là nước có lực lượng sản xuất phát triển hơn VN nên sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội sớm hơn VN là đúng. Như mọi người phụ nữ, mẹ luôn quan tâm chăm sóc chồng, con cháu, nhiều khi đến như là bị phụ thuộc.
Hồi chị Vinh và 2 cháu dọn đến ở phố Tràng Tiền, ngày nào mẹ cũng đi bộ từ Trần Quốc Toản đến chơi với 2 cháu. Nuôi cháu Mai Anh, mẹ gần như gánh hết việc nhà, dành tối đa thời gian cho cháu học hành mà không kể lể gì. Có thể nói, nếu không được sống với ông bà, Mai Anh chưa chắc đã học hành thành đạt như hiện nay. Hồi ở Liên xô, tôi có nhận được thư của ông ngoại, trong đó đánh giá mẹ là một người phụ nữ hiếm có xét trên đức hy sinh cho con cháu. Mẹ tự làm mọi việc nhà cho đến 75 tuổi mới chịu thuê người giúp việc. Mẹ thường không yêu cầu con cái ghé thăm nhưng mỗi lần thấy ai qua mẹ mừng ra mặt, tranh thủ tâm sự và mời ăn uống hết thứ này đến thứ khác.
Hai chị em chúng tôi được bố mẹ yêu chiều và sống tự do từ nhỏ. Hàng tháng, nhận được bao nhiêu tiền bố mẹ để chung vào 1 hộp trong ngăn tủ. Ai cần tiêu gì thì cứ lấy mà không phải xin xỏ giải trình. Không ai tra vấn hay báo cáo đã dùng tiền vào việc gì. Ấy vậy mà tiền nong vẫn được tiêu dùng hợp lý, không lãng phí và mọi người đều ý thức được chỉ dùng vào những việc cần thiết. Bài vở thời gian của chúng tôi cũng không bị kiểm tra bao giờ mà 2 chị em vẫn đi học rất đầy đủ. Hình như hồi ấy tất cả mọi người đều tự giác như vậy. Bố mẹ cũng không bao giờ gợn lên suy nghĩ, lo âu 2 đứa con sẽ đua đòi ăn chơi hay lười học. Hình như nhà tôi có gen học từ thời cụ nội, ông nội làm thầy đồ ở Tía. Đến các cháu Hương, Thu, Mai Anh cũng vậy. Bất luận nhà đang có khách, đến giờ học các cháu tự ngồi vào bàn học mà không cần ai giục cả. Các cháu đều thich học và nếu phải nghỉ học 1 buổi thì đều rất tiếc. Từ con nhà giàu (cả bên nội và bên ngoại – bên ngoại có phần giàu hơn) đi hoạt động cách mạng, mẹ đã chịu nhiều hy sinh mất mát về mặt vật chất (nhà 81 Bùi Thị Xuân với 80 m2 mặt bằng vào tay người khác). Cho đến cuối đời cũng chưa được sung túc như mong muốn, song bù lại mẹ luôn tự hào về con cháu mình.
Bị bệnh tim bẩm sinh, lại sinh ra trong gia đình có nghề thuốc bắc, mẹ hiểu rõ giá trị của sức khỏe. Bản thân thường xuyên tập thể dục rất đều đặn (mẹ bảo bị bệnh tim mà không tập thể dục thì chết sớm), khi về hưu lại tập ngồi thiền, xoa bóp, mẹ luôn học hỏi, tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn sức khỏe cho mọi người. Phải nói, hồi niên thiếu gia đình tôi luôn ở trong tình trạng thu không đủ chi. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi thấy mẹ tiết kiệm trong việc ăn uống. Ngày nào chúng tôi cũng được ăn hoa quả, mùa nào thức ấy. Mẹ có tài đi chợ mặc cả rất giỏi, thường mua được rẻ với số lượng nhiều để ăn dần. Cả 2 chị em khi sinh ra đều vào loại suy dinh dưỡng (2,2 kg), nhưng qua bàn tay chăm bẵm của mẹ đều lớn lên rất khỏe mạnh. Cả 3 cháu ngoại hồi nhỏ đều sống với ông bà ngoại và cũng đều lớn lên khỏe mạnh.Bản thân mẹ, với bệnh
tim bẩm sinh dẫn đến bệnh huyết áp cao mà giữ được không 1 lần nào bị đột quỵ cũng đó là kỳ tích. Với bệnh tim đó mà mẹ vẫn sinh nở được 3 lần, sảy 1 lần. Sau này mẹ mắc thêm bệnh phổi do phải tiếp xúc thường xuyên với các chất chống mối mọt như DDT… Mẹ vẫn thường xuyên cập nhật các kiến thức y học hiện đại, biết rõ các tên thuốc, tác dụng chính và phụ của chúng. Công việc thường xuyên của mẹ khi đó nghỉ hưu là sưu tập và ghi chép lại các bài thuốc. Nhiều bác sỹ “ngán” mẹ vì mẹ hay tranh luận về đơn thuốc của bác sỹ. Những ngày cuối cùng ở bệnh viện Việt – Pháp, mẹ còn nhắn mua và ngồi đọc các bài thuốc đông y (lúc này mẹ đã khó thở, không nằm được mà phải ngồi trong suốt 4 ngày đêm). Mẹ luôn tự chăm lo sức khỏe cho bản thân, tránh làm phiền mọi người. Nếu có chăng nữa thì chỉ than phiền hôm qua huyết áp lên cao quá, mẹ không ngủ được. Vào đầu năm 2007, cảm thấy trong người không được khỏe, mẹ rút hết tiết kiệm gửi con cháu, thảo luận cùng bố viết di chúc thừa kế, sắp xếp hệ thống lại các số điện thoại, địa chỉ liên hệ theo từng nhóm, sưu tầm tất cả các huân, huy chương đã được trao tặng. Từ tháng 9 năm 2007, mẹ đã không tham dự được các đợt nghỉ dưỡng, các cuộc gặp mặt, các buổi giỗ chạp. Thời gian này mẹ thường xuyên phải thở ô xy, trung bình mỗi ngày 1 – 1,5 bình. Ngày 10/ 10 mẹ nhập bệnh viện Việt Pháp, sau 4 ngày được ra viện. Tuy nhiên các bác sỹ nói tiên liệu rất xấu. Biết rằng tây y bó tay, tôi đã tìm đến một thầy lang theo chỉ dẫn của chị Vinh, cắt 5 thang thuốc bắc cho mẹ. Mẹ chỉ uống 1 thang rồi giở ra xem phán rằng không có gì đặc biệt trong thang thuốc nên không uống nữa. Thật khó mà thuyết phục được mẹ khi bản thân bà là con nhà thuốc bắc. Hai tuần sau, mẹ lại phải nhập bệnh viện Việt – Pháp do bị phù căng phồng hết các ngón tay chân. Tại đây, do khó thở nên mẹ không nằm được nữa mà phải ngồi suốt 4 ngày đêm. Vậy mà mẹ vẫn không một lời than vãn gì. Ngày 29 tháng 10, mẹ được chuyển sang khoa điều trị tích cực bệnh viện Việt – Nhật. Tại đây các bác sỹ đã nối ống thở nên mẹ có thể nằm được, nhưng lại không ngồi được nữa. Trong thời gian này mẹ chuyển vị trí 4 lần, thay bác sỹ điều trị 3 lần. Thời gian đầu không nói được nhưng còn viết được và cứ tỉnh là đòi viết. Sau không nói được mà chỉ còn ra hiệu. Tuy nhiên đầu óc mẹ vẫn rất tỉnh táo – tỉnh táo đến sợ - ai đến ai đi đều nhớ cả. Khi nghe chị Vinh giục bố về để mai lại đến thăm, mẹ xua tay ra ý đừng bắt bố đi. Trong tròn 1 tháng nằm tại Việt – Nhật, mẹ không một lần rên la khóc lóc, không một lời oán thán, kiên cường chịu đựng chiến đấu với bệnh tật như đã từng bao lần chiến đấu. Tôi còn nhớ khi hỏi mẹ về việc mổ mở khí quản, mẹ lấy bút viết ra sổ: “ đề nghị bác sỹ mổ - chết thì thôi”. Trong thời gian đó, đã có không biết bao nhiêu lượt người ghé thăm mẹ, nói những lời động viên quý báu, giúp liên hệ bác sỹ, chuyển chỗ nằm…Bệnh viện cũng đã tiếp rất nhiều máu làm da dẻ mẹ hồng hào, môi đỏ thắm rất đẹp. Nhưng oái ăm thay, càng tiếp nhiều máu thì mẹ lại càng bị phù. Mẹ cũng đã được chạy thận 4 lần với tổng số 80 giờ, trong đó lần chạy lâu nhất là 45 giờ liên tục trong gần 2 ngày đêm. Vậy mà … vẫn không cứu vãn được. Sau khi không cứu được thận, cơ thể mẹ không tiếp nhận thức ăn nữa, sức lực của mẹ suy giảm rất nhanh. Mẹ đã ra đi trong giấc ngủ, nét mặt thanh thản như trút xong một gánh nặng. Thân hình trở lại tròn trịa nhỏ nhắn như đang sống, da dẻ mịn màng trông vẫn rất đẹp. Trong một tháng trông mẹ tại bệnh viện Việt Nhật, tôi đã chứng kiến đến gần chục cái chết. Người nào khi ra đi cũng gầy nhom nhem, đen đủi chỉ còn da bọc xương, mắt sâu hoắm, miệng há hốc. Còn mẹ thì cứ như là đang ngủ vậy. Vẫn hồng hào, rất đẹp…tiếc quá.
Ngày tiễn đưa mẹ về nơi vĩnh hằng cơ quan đứng ra tổ chức rất trọng thể. Suốt hai tiếng đồng hồ họ hàng nội ngoại, bạn bè, đồng chí cơ quan, hàng xóm .. . (khoảng 600 lượt) đến chia buổn với gần 200 vòng hoa, trướng cùng biết bao lời chia buồn và những giọt nước mắt tiếc thương. Cảm động nhất là ông Hanh đã ngoại 90, ngồi xe lăn suốt 3 tiếng đồng hồ bên linh cữu mẹ. Khi sống mẹ cứ bảo người già mất buồn lắm, chẳng có ai khóc cả. Thật ra, không khóc được ra ngoài thì cũng khóc ở trong tim cả. Mẹ ra đi, vẫn để lại phúc cho bố. Hàng tháng bố vẫn nhận được tiền tuất của mẹ.
Mẹ à, những gì mẹ đã làm cho con cháu chúng con xin ghi lòng tạc dạ. Cả cuộc đời mẹ là tấm gương sáng cho chúng con học theo. Chúng con và các cháu chắt sẽ cố gắng sống đẹp như mẹ.

Cầu mong hương hồn mẹ được yên lành.
Hồng Phương
(Hà nội, ngày 12 tháng 11 năm 2008)


Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Cháu xin cảm ơn Cậu đã đăng bài hộ Phương !

Balas
avatar

Lúc đầu đưa bài lên làm hai kì, vào hai ngày. Nay đưa lên làm một lần, nên bố cục đoan đầu chưa đẹp. Sẽ sửa lại dần.
Mong được thông cảm.

Balas