Bảo Cường một thoáng quê hương

Hôm nay trời nắng đẹp gió mùa Đông Bắc tràn về từ đêm qua, trời trở gió, rét nhẹ các bác cao niên U.80 Đoàn Hải, Kim Anh, Dư và Ngọc (U.70) không quản đường xa đã tham gia đoàn 12 thành viên gia đình ta đang sinh sống ở Hà Nội lên Định Hoá, Thái Nguyên nhân ngày giỗ lần thứ hai ông Phạm Vĩnh Hải.

Vẫn quãng đường đó nhưng hôm nay xe chạy có cảm giác lâu hơn vì đường xấu, mặt đường có nhiều “ổ gà, ổ voi”, nhiều đoạn bị bóc thành từng mảng dấu vết của trận mưa những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11vừa qua.

Từng thành viên đoàn đã thay nhau thắp nén hương lên bàn thờ tưởng nhớ ông, lặng lẽ đến bên ngôi mộ nơi ông nằm xuống cách nay đã hai năm.

Trở về căn nhà nhỏ nơi ông đã từng sống, giữa lúc dàn CD đang phát giọng hát của ông với bài “Bảo Cường một thoáng quê hương”, do chính ông sáng tác. Tôi tranh thủ ít phút trò chuyện cùng bà HoàngThị Dung, vợ ông đôi nét về bài hát này.

Ông Phạm Vĩnh Hải ra đi ở tuổi “còn trẻ” (1941-2006), trẻ bởi kể từ ngày về hưu “bỗng dưng” ông có vẻ “sung” cho ra “lò” mấy bài hát, bàn nhạc và đang ấp ủ những dự định sáng tác mới. Là một nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào ca hát nghiệp dư ở Hải Phòng khi còn là công nhân Cảng, ra nhập đoàn văn công Quân Khu Tả Ngạn, lên đến chức Thiếu tá, Quyền Trưởng đoàn cho đến ngày về hưu.

Bài hát “Bảo Cường một thoáng quê hương” ông viết về quê vợ Thâm Tuý, Bảo Cường, Định Hoá, Thái Nguyên vào năm du lịch 2006 của tỉnh với chủ đề “Về với Thủ đô gió ngàn”. Với bài hát này ông như gửi gắn tâm tình của mình nơi quê vợ, căn cứ địa cách mạng những năm chống Pháp. Cũng là nơi ông quyết định lưu lại những năm cuối đời sau những năm tháng bôn ba, mệt mỏi, đầy trắc trở và bệnh tật.

Bà Dung nói với tôi bài hát được chính quyền và nhân dân địa phương rất quí trọng, coi đó là một bài ca truyền thống và chính thức xin phép bà với tư cách chủ sở hữu tác phẩm được sử dụng vào những dịp lễ tết, hội hè của địa phương.

Tôi đã nói với bà về sự thông cảm của tôi đối với nỗi cô đơn của bà, một người vợ goá trẻ không con. Nhưng tôi mừng cho bà có được một niềm an ủi nho nhỏ, một niềm tự hào mà ông đã để lại, đem đến cho bà một sự ấm lòng tại chính nơi miền quê của bà.

Phạm Toàn

Previous
Next Post »