Thêm một lí do nữa...

Lời nói đầu: Thưa quí vị Tết năm nay tôi đã có tới 12 trên 19 bài và tin về đề tài Tết Mâu Tý trên Blog 53 nhà mình.
Hôm trước bác Anh truyền lời nhận xét bảo "cậu viết nhiều thế, chắc gì đã hay”. Tôi nghĩ hay dở phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm, đương nhiên trước hết là thuộc về chủ quan người viết. Nhưng vệc hay dở cũng còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan nữa, như trình độ cảm nhận và lòng vị tha của người đọc. Khách quan mà nói khó có thể có một khái niệm chuẩn mực về hay và dở. Sự thật hiển nhiên mà ta đã từng gặp là cái mà ta cứ tưởng là hay (hoặc dở), thì có người lại cho là dở (hoặc hay).
Xin chưa bàn tới chuyện hay và dở hãy trở lại lý do vì sao tôi viết nhiều như thế, đó trước hết thực sự là một cảm xúc của chính tôi đối với ngày Tết. Hơn nữa như quí vị đã biết nhà ta có những thành viên xa xứ. Ai đã từng có thời gian sống dài ngày ở nước ngoài chắc sẽ cảm nhận được điều này, người xa xứ tuy bận làm ăn nhưng cứ độ Xuân về, Tết đến là không nguôi nhớ về quê nhà, nhớ bố mẹ, họ hàng, nhớ cành đào, cấy quất, nhớ chợ hoa, nhớ ngày đi chúc Tết, nhớ tiền mừng tuổi..nhớ không khí ngày Tết. Chắng thế mà từ Matxcơva xa xôi thỉnh thoảng cháu Tuấn lại yêu cầu mẹ chiếu cái ống kính Webcam vào cành đào, rồi cùng cả nhà bình luận hương vị Tết quê nhà.
Tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây của một anh bạn đã từng cộng tác với tôi, về nỗi lòng của người xa xứ nhân ngày Tết. Đọc bài này quí vị sẽ thấy thêm một lý do nữa, vì sao ngày Tết tôi viết nhiều như thế.

Tết trong nỗi nhớ của người xa xứ
Chị Dậu đã đón gần 10 cái tết xa gia đình, và cũng ngót ngần ấy năm làm trông trẻ và giúp việc gia đình ở Berlin, Đức. Sự bận rộn cứ cuốn chị đi nhưng mỗi khi Tết đến, lòng chị lại đau đáu nhớ đến đàn con nơi quê nhà.
Chị Dậu, 56 tuổi, là mẹ của 4 đứa con nên việc chăm sóc trẻ cũng không quá khó đối với chị. Nghề nuôi trẻ cũng bấp bênh, vì khi bọn trẻ bắt đầu đi học là chị lại thất nghiệp. Nhưng được tính chăm chỉ và chịu khó học hỏi, chị lại được gia đình khác thuê ngay.
Hàng ngày công việc bận rộn nên chị không có nhiều thời gian để nhớ đến các con ở Việt Nam. Song cứ mỗi lần Tết đến, lòng chị lại quặn đau khi chợt nghĩ đến các con Tết này lại không có mẹ. Chị thường xuyên nhận được thư động viên của gia đình và đó là nguồn an ủi tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để chị an tâm làm việc.
Phải xa quê hương, xa gia đình sang làm dâu xứ người là cả một thử thách với các cô gái trẻ. May mắn hơn chị Dậu, Tâm được sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình. Mặc dù được gia đình và chồng động viên an ủi song với Tâm thì nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Cứ mỗi lần xem VTV4, Tâm lại mong họ quay thật nhiều phóng sự về Hà Nội, về làng hoa Ngọc Hà, về làng đào Nhật Tân. Khi biết chồng cô đặt vé máy bay đưa cả gia đình về Việt Nam ăn tết, Tâm đã ôm chầm lấy anh oà khóc như một đứa trẻ.
Khó có thể nói hết tâm trạng của anh Trung hơn 10 năm qua, cứ cặm cụi như con ong, cần mẫn như con kiến tha mồi ở Frankfurt. Người đàn ông 48 tuổi này làm rất nhiều việc từ bán thuốc lá, phu khuân vác, bảo vệ, dọn đồ chuyển nhà, bất cứ việc gì ai cần gọi anh đều làm hết.
Con người mà ai cũng nghĩ là chai lỳ ấy cứ mỗi độ xuân về lại trầm ngâm ưu tư hơn, anh làm nhiều việc hơn bạn bè. Có người nói anh ôm đồm nhiều việc quá, Trung không thanh minh, không phân trần. Có người mời anh đến đón giao thừa, anh lặng lẽ ra về khi bữa tiệc chưa tàn trong nỗi nhớ nhà, mặc cho tuyết rơi trên mái tóc điểm bạc vì thời gian.
Khác với mọi năm anh Duy ở Berlin năm nay từ chối mọi lời mời để ở nhà đón một giao thừa năm Mậu Tý - năm bắt đầu của 12 con giáp. Đúng vào thời khắc bắn pháo hoa trên VTV4, anh thắp 3 nén nhang lên bàn thờ lặng lẽ nguyện cầu cho gia đình ở Việt Nam luôn bình an.
"Tết tết tết đến rồi", câu hát vui tươi báo hiệu mùa xuân đã về, song với những người Việt trên đất Đức, Tết là một điều gì đó khác lắm. Vẫn còn những người vội vã đóng cửa hàng, thu dọn ô dù để trở về nhà, với họ mùa xuân luôn tới muộn.

Bài và ảnh Hoàng Hải (từ Leipzig).
(Theo VnExpress, Thứ bảy 16/2/2008)

Previous
Next Post »