NĂM TÝ NÓI VỀ CHUỘT

Năm nay chúng ta mừng tết Mậu Tý là năm Chuột, nhưng hiểu thế nào về chuột cho đúng nhiều khi chính chúng ta cũng chưa biết, mời quí vị tham khảo bài viết dưới đây coi như thư giãn đầu năm sau những đợt đi chúc Tết mệt mỏi và những bữa ăn nặng nề......

Năm Tý nói chuyện vui về chuột

Cập nhật: 6/2/2008 14:31
Nói đến loài chuột, người ta thường nghĩ ngay đến những tội ác tày trời của chúng như phá hoại mùa màng, truyền dịch bệnh gây hại cho con người. Tuy vậy, ngoài những thói hư tật xấu, chuột cũng có những điểm không hề đáng ghét chút nào.

Đội quân cảm tử của khoa học

Từ năm 1889, loài chuột bắt đầu được sử dụng làm vật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Khoa học thường dùng chuột làm thí nghiệm do thời gian thai nghén, sinh trưởng và kết thúc vòng đời của mỗi con chỉ khoảng 3 năm, nên các nhà nghiên cứu có thể sớm thấy những gì diễn biến trong nghiên cứu. Hơn nữa, 85% hệ gien của chuột giống con người. Vì vậy, chuột được dùng để nghiên cứu các chứng bệnh và vaccine có thể sẽ được dùng thử cho người để phòng bệnh.

Tuy nhiên, việc các nhà khoa học sử dụng hai triệu con chuột mỗi năm đã làm xúc động Hiệp hội những nguời đối xử có đạo đức với súc vật. Họ phản đối việc dùng loài vật vào tất cả các việc thí nghiệm và nói rằng: “Nếu một giống loài nào khác có quyền năng hơn từ hành tinh khác đến trái đất, chắc chắn con người sẽ mong mỏi họ có lòng nhân từ với chúng ta”.

Guiness về chuột

Chuột có đến 57 loài, là loài vật có số lượng nhiều nhất trong số các động vật có vú trên trái đất. Riêng chuột nhắt cũng có khoảng 300 loài. Theo tính toán của 1 nhà động vật học người Ba Lan, hiện nay số chuột sinh sống trên trái đất đã lên tới hơn 4 tỷ con, bằng khoảng 2/3 dân số con người trên trái đất. Tuy nhiên, do thiên tai, địch hoạ, do sự tiêu diệt của con người và các loài vật khác, nên chúng chỉ có khoảng 10% - 15 % sống sót.

Chuột cũng là loài có khả năng sinh sản nhiều nhất. Chuột đàn rất mắn đẻ, chuột chửa 19 - 22 ngày, mỗi năm đẻ từ 5 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Chuột con sau 3 tháng đã lại sinh sản. Một đôi vợ chồng chuột nếu sinh đẻ mẹ tròn con vuông thì chỉ sau 3 năm, cả con, cháu chút chít của chúng sẽ phát triển khoảng trên 20 triệu con. Nếu con người và các loài mèo, rắn, diều hâu, chồn, cáo không tích cực diệt chuột thì chẳng mấy chốc chuột sẽ sinh sôi nảy nở chật kín của trái đất.

Người nông dân có lẽ là những người ghét chuột nhất vì chúng là loài phá hoại mùa màng nặng nhất. Hàng năm, họ hàng nhà chuột trên thế giới phá hoại 42,5 triệu tấn lương thực. Số lương thực này bằng tổng sản lượng lương thực của 25 nước nghèo nhất trên thế giới cộng lại.

Chuột là loài có vú thông minh chỉ sau con người và hắc tinh tinh. Khả năng tiếp nhận thông tin của chuột cho thấy thần kinh chúng rất tinh tế. Ví dụ một loại thuốc diệt chuột mới được đặt ở đường cống Paris, chỉ trong vài giờ tin tức đã loan truyền qua cộng đồng chuột hữu hiệu đến nỗi không con chuột nào chịu ăn thức ăn có thuốc đó.

Các nhà khoa học còn khám phá thêm rằng chuột còn có các phương tiện tự vệ phức tạp hơn nhiều. Đối với các loại thuốc đời mới, mạnh, chuột nhanh chóng khám phá ra một vũ khí mới mà các nhà hoá học chỉ biết đến cách nay vài thập niên cuối thế kỉ 20. Đó là vitamin K dùng như thuốc giải độc. Để tự miễn dịch, chúng tìm kiếm và ăn những chất có chứa vitamin K. Một trong những phát hiện đáng lo ngại nhất là chuột có thể truyền kiến thức tự vệ cho nhiều thế hệ.

Những nghiên cứu, thử nghiệm của nhiều nhà khoa học cho thấy, chuột cũng có cảm xúc. Chuột tỏ ra dễ chịu, thích thú khi được vuốt ve. Qua mùi nước tiểu, chuột xác định được đồng loại của mình già hay trẻ để quyết định chọn bạn tình. Các nhà khoa học còn cho rằng, loài chuột hiểu được khi hoạt động tình dục thì tác động tốt xấu đến sức khoẻ như thế nào. Chuột cũng bị nghiện khi người ta cho nó sử dụng chất gây nghiện và trong cơn mơ, có con còn tự tử vì... buồn tình chuyện gì đấy.

Những sản phẩm hàng hoá nổi tiếng mang tên chuột

Sau 2 năm nghiên cứu, chuột máy tính chào đời vào một ngày cuối năm 1968. Cha đẻ của nó là nhà phát minh người Mỹ - Tiến sĩ Douglas Engelbart. Biệt danh đầu tiên của nó là bọ nhưng rồi hình ảnh đoạn dây cáp nối liền nó với máy tính trông giống như cái đuôi của loài gặm nhấm đã khiến nó được gán cho biệt danh là chuột: Chuột máy tính.

Sau 40 năm tuổi, càng “già” chuột máy tính càng đẹp, càng tiện ích hơn. Công nghệ chuột được cải thiện về chất lượng và tính năng như: nhẹ, đẹp, rẻ, hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, độc đáo theo sở thích và thời trang. Về tính năng chuột cũng nhạy hơn, chính xác hơn.

Qua gần 80 năm, hình ảnh chuột Mickey đã xuất hiện trong khoảng 150 bộ phim, hàng ngàn truyện tranh và nhiều đồ lưu niệm. Hình ảnh chuột Mickey còn là đề tài ưa thích của các họa sĩ, nhà thiết kế tem thư trên thế giới. Đối với lĩnh vực điện ảnh, tên tuổi của chú chuột Mickey còn được sánh ngang với các nghệ sĩ lớn như Sác lơ. Từ năm 1935, cùng vói hàng ngàn vị thần nổi tiếng khác, chuột Mickey đã có mặt trên bệ thời của 1 đền thờ của Ấn Độ giáo. Tên tuổi của chú chuột Mickey cũng nổi tiếng đến mức bộ Từ điển Bách Khoa Larousse sánh ngang Mickey với những danh nhân trên thế giới, với định nghĩa: Con chuột nhắt được nhân cách hóa, một nhân vật hỗn hợp không là người mà cũng không phải thú, nhưng ranh mãnh, năng động và gan dạ.

Hy vọng rằng năm Mậu Tý, hình ảnh chú chuột huyền thoại Mickey sẽ tiếp tục được các họa sĩ, đạo diễn sáng tạo trong những tác phẩm hấp dẫn, làm mê đắm tâm hồn trẻ thơ.

Tác giả : Kim Hải
( Nguồn www.vtv.vn)
Previous
Next Post »