Đôi lời đàm luận

ĐỂ “HÃY SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH”

PHẢI CHĂNG HÃY BẮT ĐẦU TỪ

TỰ MÌNH QUYẾT ĐOÁN

Hôm nay có chút thời gian rỗi rãi ngồi lần giở những bài viết đã đăng tải trên Blog 53 Lãn Ông nhà mình, tôi dừng lại ở bài HÃY SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH (trích từ cuốn Bí mật của hạnh phúc, theo bản dịch của First New) do ông Phạm Vĩnh Di trích dẫn ngày 18.1.2007.

Mấy lần đọc xong, tôi cứ tự ngẫm mà chưa dám hỏi “Phải chăng đó là những điều tâm niệm rút ra từ chính cuộc đời của bác trưởng nam Phạm Vĩnh Di” về các mối liên hệ được thua của cuộc đời, giưã ham muốn và bệnh sĩ, giữa cái vô cùng và hữu hạn, giưã cái có thể và không thể, giữa cái vốn kiến thức phong phú và thực tiến muôn màu nhiều vẻ của đời thường, giưã nỗi niềm ưu tư và sự thanh thản, giữa điều có thể và không thể nói ra, giữa sự quyết đoán và chần chừ, …

Theo mạch logic ấy, lại đúng dịp chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày giỗ cu Phạm Vĩnh Quang, lại cứ tự vấn vào mình tôi liên tưởng đến mấy kỉ niệm dưới đây.

1. Cuối năm 1989, trở về sau gần bốn năm đi nhiệm kì đầu tiên tại Đại sứ quán Việt Nam ở CHDC Đức, từ đó tôi có dịp được gần bố mẹ hơn. Hằng ngày tôi hay ghé qua nhà 53 Lãn Ông thăm hỏi, thường là ăn cơm trưa với hai ông bà. Nhìn cảnh bố mẹ đã già có một đống con thật đấy mà phải sống một mình lại chẳng đủ tiện nghi, tôi cũng suy nghĩ lắm, nhưng bất lực chẳng thể làm gì hơn.

2. Nhớ dịp Tết Nguyên đán năm ấy khi chỉ còn vợ chồng tôi ở lại sau bữa cơm gia đình chiều tối 30, chẳng may chiếc đèn neon bị cháy, nhà tối om. Tôi vội phóng xe về nhà lấy bộ đèn neon mới, mắc lên cho bố mẹ kịp đón giao thừa. Công việc xong xuôi thì cũng đã quá 23h, tôi vội thu xếp ra về.

Nhìn tôi chuẩn bị bố tôi lẩm nhẩm bảo “cậu có dám hy sinh ở lại đón giao thừa với tớ không?”. Tôi chững lại đôi chút rồi chẳng nói gì, vẫn ra về để còn kịp đón giao thừa với vợ con.

Hôm vừa rồi nhắc lại chuyện này, vợ tôi bảo ừ nhỉ sao hôm ấy anh không ở lại. Lâu lâu nghĩ lại chuyện này tôi vừa ân hận, vừa như thấy mình có lỗi vì đã không nhận lời ở lại ăn Tết cùng với bố mẹ.

3. Tôi còn nhớ vào năm 1978, cụ ông đưa tôi bộ hồ sơ xác nhận cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa để tôi hỏi bà mẹ vợ về thủ tục xem đã đủ chưa. Chẳng là lúc đó bà đang làm ở tổ chính sách của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.

Phần sĩ diện mới về nhà vợ ngại nhờ vả, phần cũng không nhận thức được hết tầm ý nghĩa của danh hiệu này đối với bố tôi, phần thì sau đó tôi lại đi nước ngoài…nên hồ sơ cứ để đó, năm này qua năm khác, lâu dần tôi quên hẳn.

Nhưng đặc biệt là bố tôi không bao giờ nhắc tới chuyện này một lần nào nữa, mặc dầu các bạn cụ nhiều người đã được giải quyết.

Tính bố tôi là như thế đấy, rất tự trọng lại chẳng muốn làm phiền ai cả. Ngay trong quan hệ thông gia với nhà vợ tôi, dù biết bố vợ tôi thời đó đang là Phó Thủ tướng, Bí thư TW Đảng một chức vụ cũng cao đấy, nhưng ông chẳng một lời nhờ vả, mượn thế ỉ eo.

Lại nói tiếp bộ hồ sơ này với nét chữ nghiêng nghiêng rất đẹp của bố tôi, vẫn còn nguyên vẹn cho tới khi chuyển nhà về Võng Thị, Hà Nội tìm mãi chẳng thấy đâu, chắc là bị thất lạc lúc di chuyển.

4. Đầu tháng 12.2006 nhân chuyến bác trưởng nam Phạm Vĩnh Di ra Hà Nội để chủ trì việc xây mộ mới cho bố mẹ về ở cùng nhau. Lúc hàn huyên mấy anh em chúng tôi đều có một ý nghĩ rất giống nhau là sau khi Sài Gòn được giải phóng 1975, đã không thu xếp được cho bố một chuyến trở lại thăm Sài Gòn, đó là điều mà ông đã ao ước mấy chục năm ròng.

Tuy nhiên, chúng tôi lại không thống nhất được nguyên nhân. Có nhiều lí do được đưa ra lắm, người nói vì hoàn cảnh lúc đó không có tiền, người thì nói vì ông bị bệnh áp huyết không đi máy bay được…

Nhưng dù là lí do gì đi nữa, riêng tôi tự nhận thấy một điều là thực ra anh em chúng tôi vô trách nhiệm với bố, chẳng ai quan tâm đúng mức tới việc này cả. Ai cũng chỉ nghĩ tới bản thân mình, gia đình mình, vợ con mình mà thôi.

Thử hỏi trong số 9 người con chưa kể dâu rể, “cũng là ông nọ bà kia đấy chứ” đã có ai chỉ có một lần ra vào trong đó.

Có nhiều khả năng làm việc này lắm, đâu có khó nhưng nào có ai nghĩ tới. Này nhé, cùng nhau góp tiền mua cho ông không được một vé máy bay hay xe hỏa thì một vé ô tô cũng được lắm, sao không? Nhà có đến 8, 9 người con cơ mà, nào có phải ít ỏi gì đâu cơ chứ.

Hôm nay bình tâm ngồi suy nghĩ cá nhân tôi thấy chẳng có lí lẽ nào biện bạch được cho việc này, chỉ có một lời tạ lỗi mà thôi.

Dẫn ra những kỉ niệm trên của chính mình đối với bố, tôi tự nghĩ phải chăng những điều bất lực, sự hy sinh, nỗi niềm ân hận vì chẳng còn dịp nào nữa, sự sĩ diện ngại nhờ vả và sự mong muốn, tính vô trách nhiệm và sự quan tâm, giữa thời cơ và bỏ lỡ vận hội… đều là hệ quả tất yếu của sự không quyết đoán và tính do dự trong những giây phút cần thiết của chính mình.

Xét cho cùng cũng chính là do tự mình, hay do chính mình không quyết đoán mà ra đấy thôi.

Từ bài viết mà bác trưởng nam Phạm Vĩnh Di đã dẫn “Hãy sống thật với chính mình” rồi tự suy luận vào việc của mình, tôi rút ra một điều phải chăng để “Hãy sống thật với chính mình” có lẽ phải bắt đầu từ sự TU MÌNH QUYẾT ĐOÁN.

Như vậy thì bài mà bác trưởng nam Phạm Vĩnh Di đã dẫn ra “Hãy sống thật với chính mình” cũng thật là bổ ích (ít ra là đối với tôi) đấy chứ.

Phạm Vĩnh Thắng

Previous
Next Post »
1 Komentar
avatar

Xem qua các bài viết của Chú thấy rõ sự tự tin khi đã vô được Blog thành thạo kể cả load được ảnh . Tuy vậy khổ chữ còn quá to, nên ảnh hưởng đến diện tích cũa trang Blog. Hãy xem lại
để cỡ Normal size

Balas