VÀI KỶ NIÊM SÂU SẮC VỀ CHA MẸ THÂN YÊU

Tôi được Cha, Mẹ sinh ra từ 3/01/1938, tính đến nay đã 70 tuổi , trải qua một quãng thời gian dài trên 1/2 thế kỷ thực sự khó mà nhớ hết những kỷ niệm về Cha, Mẹ, những người đã bỏ ra biết bao công sức để nuôi nấng , dạy dỗ mình từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành , qua biết bao giai đọan khó khăn của hai cuộc kháng chiến , của một gia đình gốc Hà Nội bình thường ,nhưng không giầu có , vì Cha vốn là viên chức sau là cán bộ nhà nước, Mẹ chủ yếu là nội trợ, khi Cha xa nhà tham gia kháng chiến, Mẹ phải vất vả xoay sở kiếm sống nuôi gia đình đông tới 8 người con, nhưng thực chất mẹ vẫn chỉ là một tiểu thương , một xã viên hợp tác xã văn phòng phẩm , nhưng gánh nặng đã đè lên vai Mẹ, vì tuy là con dâu thứ , nhưng có trách nhiệm như nàng dâu trưởng lo toan cho cả gia đình riêng cũng như họ hàng nhà chồng . Khi hòa bình lập lại Cha, Mẹ được sống gần nhau , có lui vui có lúc buồn , nhưng nghĩ lại Cha, Mẹ vẫn sống khổ hơn các con hiện nay .Sắp tới ngày giỗ lần thứ 16 của Cha thân yêu tôi muốn phác họa vài kỷ niệm sâu sắc về Cha, và cả về Mẹ , vì nói đến Cha mà không nói đến Mẹ thật là bất công, vì tục ngữ có câu "Công Cha, nghĩa Mẹ như núi Thái Sơn".
a/ Thời thơ ấu :
Tôi nhớ nhất khi còn 6 tuổi, đựơc cha mẹ rất chiều vì là con trai lớn của cả nhà, Mẹ thường nhờ Anh Thanh ( con trai bác Bảo, anh ruột của Cha ) dẫn tôi ra Đường thành đễ dạy tôi tập đi xe đạp , nhiều khi ngã đau,nhưng Cha vẫn động viên cố gắng tập, thế rồi chỉ một thời gian ngắn là tôi đã tự mình đạp được xe đạp nhỏ. Một buổi chiều tôi ra phố chơi chẳng may va phải người bàn hàng xén, bị kính vỡ đâm vào chân phải, Cha, Mẹ hốt hỏang đưa lên đồn cảnh sát ở Hàng Cót để yêu cầu xử lý, tôi không còn nhớ kết quả xử ra sao, chỉ biết vết sẹo to vẫn tồn tại cho đến ngày nay . Đến khi lên 7 lúc đó Thủ Đô sống tưng bừng của những ngày Cách Mạng Tháng Tám 1945 , Cha lại động viên tôi tham gia Đội thiếu niên nhi đồng khu phố Đông Thành ( Gồm phố Phúc Kiến, sau đổi là Lãn Ông, phố ThuốcBắc và phố Hàng Bồ ), do họat động tích cực tôi trở thành đội trưởng và được đại diện đội tham dự lễ Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày 2/09/1945.
b/ Thời tản cư :
Khi tòan quốc kháng chiến bùng nổ Cha,Mẹ đưa cả 8 người con tản cư xa Thủ Đô và có thời gian lâu nhất ở thôn Hữu Vĩnh thuộc huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây, nơi đó Cha đang công tác với trách nhiệm Chánh Văn Phòng UBKCHC Liên khu 3, rồì giám Đốc Sở Kinh Tế LK3. Thời gian đó tuy sống vất vả, vì nhiều bữa cơm chỉ có rau diếp chấm nước cà chua, nhưng cuộc sống vẫn vui , phần vì nơi tản cư là một làng rất lý tưởng, gần sông Đáy trong xanh, gần núi Tiên Sơn ,có danh lam thắng cảnh đẹp của Chùa Tuyết, nằm trong chuỗi di tích nổi tiếng của Chùa Hương mà tôi đã được Cha hay dẫn đi tham quan. Lúc đó tôi là lớn nên đựơc cha cho đi bộ học tận làng Sêu, cho đến khi vì hòan cảnh rất khó khăn của gia đình đông con,Cha phải tạm biệt Mẹ và các con để Mẹ tôi đưa Bà Nội cùng các con hồi cư về HN tiếp tục ăn học và sống ở HN , còn Cha và Chị cả Thoa ở lại ngòai vùng tự do họat động cho đến ngày giải phóng thủ đô .
c/ Thời gian ở HN tạm chiếm :
Trong thời gian tạm chiếm sống ở HN , nhưng vẫn thấy những người lạ đến thăm gia đình và chỉ Mẹ được tiếp, sau mới được biết đó là các đồng chí bạn của Cha và các Chị tôi đang còn ở Kháng Chiến họat động nằm vùng trong nội thành . Có nghĩa là gia đình tôi vẫn còn mối liên lạc với những người thân đi theo Cách mạng. Về HN trong thời gian đầu cuộc sống có cải thiện hơn, nhưng do Mẹ tôi chưa co thu nhập,nên đã cùng với Bà Nội khôi phục lại việc bán thuốc Nam-Bắc tại nhà 53 Lãn Ông , là nghề cũ của bà Nôi những năm xa xưa với tên hiệu thuốc thân quen của khối phố là Phú Đức. Từ lâu chỉ quen công việc nội trợ, nay Mẹ tôi phải cố gắng vừa học Bà Nội, vừa làm nghề bán và chế biến thuốc Nam- Bắc . Chỉ sau vài năm Mẹ tôi đã có thể thay Bà Nội quản lý tòan bộ cửa hàng, lúc đó thu nhập của gia đình cũng khá lên, nhưng cũng chỉ lo đủ sống, còn phải nuôi thợ làm thuốc, và các khỏan chi nghĩa vụ khác. Hồi ấy chúng tôi còn nhỏ, nên tất cả đều được học mẫu giáo hay tiểu học.Tôi là con trai cả, nên khi lên học lớp đệ tam ở Trường Chu Văn An thì mẹ mua cho một chiếc xe đạp mới rất đẹp.Do Cha,Mẹ thân quen với hai Bác Nguyễn Duy Kiên cũng bán thuốc ở hiệu Đức Phong cùng Phố LÔ , BácKiên trai còn là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của HN thời đó, còn Bác Kiên gái vốn được học hành nhiều, nên khuyên mẹ tôi, cho tôi học thêm tiếng Pháp do Cô giáo Pháp dạy, để chuẩn bi tốt thi vào học tại trường Lycée Albert Saraut . Nhưng rất đáng tiếc khi thi tuyển vào trường này tôi bị trượt ( do số sĩ lấy rất hạn chế) vì viết sai Chính tả, khi nghe thầy Pháp coi thi đọc phát âm nặng từ Cochon (con lợn ) ,tôi viết nhầm là Coson. Hồi đó có nhiều bạn học rủ sang Pháp học, bước đầu là vào học ở các tu viện cho dễ dàng, vì không cần học phí, sau sẽ chuyển ra ngoài học.Hơn nữa Cô ruột thân cũng có lời khuyên như vậy, Mẹ tôi rất phân vân không dám quyết định, nên tìm cách liên hệ để hỏi ý kiến Cha tôi .Khỏang cuối năm 1952 Cha tôi nhắn về là đưa tôi ngay ra vùng tự do để học tập. Thế là một bước ngoặt mới đã xảy ra trong thời trai trẻ của tôi là : từ vùng tạm chiếm trở lại vùng tự do để học tập.
d/ Thời gian ra học ở vùng kháng chiến :
Theo lời nhắn của Cha , Mẹ tôi chấp thuận cho tôi mang theo xe đạp mới mua ra vùng KC đi về phía nhà Chị Ất (người giúp đỡ công việc nhà cho Cha, Mẹ tôi từ nhiều năm trứớc, nay đã là người thân của nhà ) ở làng Sáu giá - Hà Tây, vùng giáp gianh với kháng chiến, mà Cha tôi đã chờ ở đó từ đêm trước. Trên đường đi bị bọn lính Tây và ngụy khám xét, nhưng vì còn trẻ nên vẫn cho đi với lý do là về quê . Khi gặp Cha tôi rất mừng, nhưng vẫn lo, trong lòng không dám nói ra ,vì không rõ những ngày sắp tới sinh họat và cuộc sống của mình sẽ ra sao đây Sáng hôm sau Cha tôi nhắc dạy sớm, mổi người một xe đạp đi về phía Ngô Khê Hà Nam, vì ở đó Cha tôi đã liên hệ để tôi học ở Trường Cù Chính Lan ( một nhánh của Trường Nguyễn Thượng Hiền từ tỉnh Thanh Hóa chuyển ra ).Lâu nay chỉ quen đạp xe giữa phố phường HN nhiều cây cao có bóng mát , nay phải đạp xe trên đường dài băng qua các cánh đồng rất ít bóng cây trời lại nắng , tôi cảm thấy rất mệt và khát nước, nên đến chỗ nào có thể xin được nước uống lại nói với Cha cho dừng lại, có nhiếu khi khát quá chưa hỏi xin đã uống rồi. Đến Ngô Khê Cha tôi không cho ở chung vì lý do bảo vệ cơ quan, mà bố trí tôi ở một nhà nông dân vào lại nghèo, thua xa nhà Ông Bà Ba mà có thời gian gia đình tôi đã ở tại Hữu Vĩnh khi tản cư, để cho tôi rèn luyện và quen dần với sinh họat khó khăn của ngòai KC. Ăn ở chung với gia đình nhà chủ ở nông thôn đối với một thanh niên lúc đó mới có 15 tuổi cũng không phài dễ dàng gì , ngại nhất là mỗi bữa ăn chỉ tòan dưa tự muối mùi khó chịu, lại chỉ chấm với nước mắm cáy chủ tự làm, lại chấm chung vào một chén . Khi nhập học, sau khi kiểm tra trình độ, nhà trường xếp tôi vào học lớp 7, vốn chăm học từ bé nên tôi nhập học một cách thỏai mải không có trở ngại gì , chỉ phải mặc đồng phục quần đen , áo nhuộm nâu, và phân công nhau phải nấu ăn cho cả lớp .Thỉnh thỏang cha tôi đến chơi, hỏi thăm tình hình , nhưng rất ít cho quà , ngòai văn phòng phẩm và xà phòng . Những kỷ niệm học ở Cù Chính Lan thì nhiều , nhưng tôi nhớ nhất vài sự việc sau : * Khi đi đại tiện ở nhà chủ, chỉ là một cái hố chứa phân có cây gỗ mỏng bắc ngang, vì ngồi ở tư thế chưa quen làm thanh gỗ bị gaỹ, thế là ùm một cái rơi xuống hố quần áo đầy phân, vội vàng chảy ra sông ngâm mình xuống nuớc ,lúc đó xà phòng rất hiếm, bỏ lại quần áo bẩn xuống sông, chạy vội về nhà với chiếc quần lót * Một hôm lần đầu tiên tôi được phân công nấu ăn cho cả lớp gần 20 người, khi đem nồi thật to đổ đầy gạo ra sông vo , dùng đòn gánh để quấy, thì nồi bị lật , gạo rơi hết xuống sông, thế là bị kiểm điểm khá đau * Một buổi thầy giáo hóa chất dạy về hóa, yêu cầu tôi lên kể cho cả lớp nghe cho biết bơ ngon như thế nào, vì nghĩ dân trong thành quen bơ sữa, tôi rất tự ái nhưng phải chấp thuận lệnh của thầy giáo * Khi HN gần được giải phóng vào năm 1954, tôi vẫn còn học ở Ngô Khê , một hôm đang tắm dưới sông, nhìn lên bờ ngạc nhiên thấy em ruột là Chú Ngọc và em họ là Cậu Đào từ HN vào thăm mà cảm động rơi nước mắt, lúc đó tôi cũng nhận thấy các em cũng xúc động vì thấy ông anh biến đổi quá nhiều, không còn là một thư sinh trắng trẻo khi còn ở HN, mà đã là một thanh niên đen đủn quê mùa . Dù sao những biến đổi vất vả phải chịu đựng trên không thấm thía gì so với các Chú Hải , Thắng khi gia nhập quân đôi nhân dân VN sau này, nhưng đối với tôi đó củng là những thử thách đầu tiên thời trai trẻ mà Cha tôi đã gián tiếp dạy dỗ tôi rèn luyện tập sự, để quen dần với cuộc sống gian khổ ở nông thôn, và trong kháng chiến.
e/ Thời kỳ sau Thủ Đô giải phóng :
Sau khi Thủ đô giải phóng được một năm , năm 1955 tôi mới từ Ngô Khê trở lại HN . Lúc đó nhà 53 Lãn Ông rất đông người, ngòai Cha, Chị cả Thoa trở về, còn gia đình của Bác Bảo anh ruột của Cha từ miền nam ra, và các anh chị khác con Bác từ ngòai kháng chiến về, thêm cả gia đình Chú Hanh. Lúc đó Bà Nội vẫn còn sống, nhưng sinh họat hàng ngày càng trở nên khó khăn trong một thời gian dài,cho đến khi Nhà nước xắp xếp được chỗ ở riêng cho mọi người mới trở về . Lương cơ quan của Cha thì ít ỏi, thu nhập của Mẹ thì không đủ chi tiêu cho cả nhà thêm đông đúc. Rồi do chủ trương cải tạo tư sản, hạn chế kinh doanh tư nhân, nên mẹ tôi phải ngừng bán hàng thuốc, chuyển sang làm xã viên cho một hợp tác xã văn phòng phẩm.Trước tình hình kinh tế khó khăn như vậy, nhưng Cha, Mẹ tuy có xuy nghĩ nhiều, nhưng cũng rất ít biểu lộ bực dọc với các con , mà chỉ khuyên các con nên tìm kiếm việc làm, hay chuyển sang học nghề hoặc học trung cấp. Thời gian đầu chưa có công ăn việc làm, cả nhà xúm xít làm bột gia công cho Mậu dịch, sau dần dần mỗi người tự lập xa nhà tìm việc làm hay đi học nghề, hay trung cấp.Tôi may mắn hơn các chị và các em khác là được tiếp tục học Đại Học Bách Khoa HN từ năm 1958 cho đến khi tốt nghiệp KS Điện năm 1962. Thời gian này tôi nhớ có hai kỷ niệm : * Khi còn học ở Trường Phổ Thông Cấp 3 HN ( dành cho con em cán bộ kháng chiến ) do thành tích học tốt, tôi được Nhà trường xét tuyển chọn cho đi học ở các nước XHCN ở Đông Âu , nhưng cuối cùng không được đi , vì thầy Chủ nhiệm cho biết là Chi Đòan TNLĐ không đồng tình , vì cho tôi là con nhà buôn bán.* Cha và Mẹ lại động viên tôi cố gắng thi đỗ vào Đại học, lúc đó chưa có ai tư vấn chọn nghề, chỉ theo bạn bè rủ rê mà học ĐHBK, là một trong các trường nổi tiếng thời đó, cho đến nay nghĩ lại tôi vẫn thấy chưa phù hợp với sở trường của tôi. Lúc đầu Nội trú của trường còn hạn chế, nên hàng ngày tôi vẫn từ nhà đạp xe đến trường học và sinh họat với nhóm sinh viên ngọai trú ( hầu hết là các bạn sống và học ở trong thành, chưa ra kháng chiến ). Giữa sinh viên nội trú và ngọai trú lúc đó tuy không ai nói ra, nhưng vẫn có quan niệm cách biệt , nên khi học xong năm thứ hai tổ chức Khoa khuyên tôi chuyển vào ở hẳn nội trú, vì được xét là cảm tình Đảng . Cha, Mẹ đã động viên tôi vào ở nội trú cho đến khi tốt nghiệp . Thời gian đầu chưa quen vì đói, nhiều tối phải xuống nhà bếp xin cơm cháy rang lại với dầu cá để ăn, hay thỉnh thỏang nhảy vội lên tầu điện để về nhà bồi dưỡng thêm . Thế rồi chẳng hiểu lý do gì tôi cũng không được vào Đảng và cũng không được ở lại trường để giảng dạy theo như thông báo của Chi bộ và Tổ trưởng.Khi ra trường tôi được chuyển công tác về Bộ Thủy Lợi Điện lực và được phân công lên thực tập trưởng ca điều hành Nhà máy điện Cao ngạn-TN , sau khi tốt nghiệp được chuyển về Trung Tâm Điều độ Hệ Thống điện miền Bắc thuộc TCĐL - Bộ CN nặng , qua chiến tranh phá họai miền Bắc làn đầu , tại đây tôi được kết nạp vào Đảng năm 1968 , lúc đó Cha tôi rất mừng và thường động viên tôi cố gắng hơn nữa . Cuối năm 1969 tôi được chọn đi NCS ở Viện Nghiên Cứu Năng Lượng tại TĐ Budapest Hungari , khi tốt nghiệp PTS trở về năm 1973 thì Cha tôi đã về hưu , tôi để lại chiếc TV duy nhất đen trắng mua ở Moscow, hồi đó còn hiếm để Cha, Mẹ dùng. Khi thành lập gia đình riêng, về tại nhà vợ ở phố Lò Đúc, tôi ít có điều kiện sống cùng Cha, Mẹ. Thỉnh thỏang mới lên thăm, thấy rất thương Cha ,Mẹ tuổi tuy đã già vẫn phải tự nấu nướng , lo nấu ăn từng bữa . Khổ nhất là những mùa hè nước máy Tp lại khan hiếm, lúc nào rổi rãi lại lên LÔ đế hứng nước máy từ ngòai hè tích nước cho Cha, Mẹ dùng, nhưng việc này đâu có làm được thường xuyên.Khi đó chẳng hiểu sao kiếm người giúp việc cũng khó khăn và chính tôi còn ỷ lại vào Cô Nhu đang ở cùng với Cha, Mẹ. Nay nghĩ lại thấy còn thiếu trách nhiệm bàn với anh chị em lo cho Cha, Mẹ đỡ vất vả lúc tuổi già, vì Cô Nhu cũng bận bịu về công việc và do sức khỏe yếu , nên khó có thể quán xuyến hết được.
g/ Trong quá trình công tác
Sau khi tốt nghiệp PTS từ Hungary trở về quá trình công tác của tôi rủi nhiều hơn may, âu cũng là cái số mà một người tuổi Đinh Sửu, có cơ hội nhưng lại không vẹn tròn về ngày sinh, giờ sinh . Đó là nhận xét của những bạn bè có am hiểu về tử vi. Cha tôi hiểu rất rõ về quá trình công tác của tôi , đôi khi ý kiến đóng góp của Cha rất bổ ích là phải chịu khó gắn bó với sản xuất từ cơ sở mới có thể trưởng thành được. Nhưng sự việc không hòan tòan như vậy, nên đôi khi giữa Cha và tôi cũng chưa đồng quan điểm ,Có thể nêu qua vài sự việc một cách ngắn gọn
- Khi về nước tôi nhận được quyết định của Ban phân phối PTS thuộc Văn Phòng Chính Phủ về công tác tại Vụ CN thuộc UBKHKTNN . Sau khi đựợc gặp đ/c Vụ trưởng Vụ TCCB giao nhiệm vụ với nhiều hứa hẹn, khi ra hành lang gặp ngay cậu bạn học cùng Khoa, hiện đang công tác tại UB , tôi thật thà kể lại việc sắp về làm việc, tuy không dám nói chi tiết . Không ngờ cậu ta lại nói lại với Giám Đốc CtyĐL1, nơi tôi đã công tác ở đó nhiều năm, nên hắn ta lấy uy của một vị lãmh đạo cao cấp viết công văn đòi bằng được tôi phải trở về nơi cũ. Lúc đó tôi có thể biết cách để không phải trở về, nhưng Cha tôi khuyên nên về, vì tôi đã được cử đi học, tôi thấy có lý, có tình nên chấp thuận theo góp ý của Cha . Nhưng giữa Bộ trưởng Bộ ĐT và GĐCtyĐL1 cũng chẳng ăn giơ với nhau , nên tổ chức không đưa tôi về nơi cũ mà chuyển đến nơi mới là Viện QHTK Điện , tại đây tôi được GĐ Viện là một trí thức yêu nước, theo lời gọi của Bác Hồ về nước phục vụ, có nhiều công lao ,quan tâm động viện và trao đổi với Bộ để chuẩn bị giao cho tôi những nhiệm vụ quan trọng mới như làm Phó trưởng đòan làm việc với Viện TKNL Liên Xô hợp tác khởi thảo Tổng Sơ Đồ phát triển hệ thống Điện miến Bắc đầu tiên có liên quan đến việc xây dựng đuờng dây 500kv và dự kiến xây NMĐNT ở VN, và TSĐ đã được thông qua vào năm 1977.Trong quá trình dẫn đòan các chuyên gia Liên Xô đi tìm hiểu ngành điện phía Nam , cũng không hiểu sự trục trặc gì giữa GĐCT ĐL2 với Bộ mà kế họach đi bị rút gọn, khi đến khách sạn Caravel, sau khi Trưởng phòng XDCB đã bố trí xong cho chuyên gia, tôi và phiên dịch ở và nhận phòng, thì được lệnh Từ CtyĐL 2 phải về ăn, ngủ tại nhà nghỉ của Cty. Sau khi họp với lãnh đạo CT ĐL2 về kế họach đưa chuyên gia đi thăm NĐ Cần thơ ,và được thông báo Cty cử một cán bộ của Phòng KT mang tiền đi cùng hỗ trợ, nhưng đến giờ hẹn, vẫn không thấy đâu. Do chuyên gia gịuc, tôi quyết định tiếp tục đi và gọi điện thọai báo trước cho GĐ NĐCT. Đến CT rất may GĐ đã chờ sẵn và đưa cả đòan đến ăn ở tại KS, thì lại có lệnh gọi từ SG là tôi phải về ăn ở tại nhà nghỉ của NĐCT.
- Chuyện nực cười lại còn tiếp diễn khi đựợc trúng cử vào ban Chấp hành Đảng ủy Viện QHTKĐ, có tới hàng trăm đảng viên, được thống nhất tăng lương để nhận chức vụ mới trong hội nghị liên tịch giữa ĐU và BGĐ, nhưng sau khi mọi người nhận được quyết định, tôi thì vẫn chưa có gì mới.Lên hỏi Vụ TC Bộ thì được trả lời là tôi không có danh sách Viện báo lên nên không xét. Thế rồi tại đây tôi đã phải chứng kiến " sự đấu đá thường xuyên " giữa các lãnh đạo chủ chốt của Viện để đến năm 1978 thì tòan bộ lãnh đạo Viện phải giải tán, GĐ cũ thì điều đi học tập trung, Trưởng phòng hành chính lại đề bạt lên Phó GĐ tạm thời quản lý tòan Viện .
- Từ đó tôi lại chuyển về Viện NCKHKT Điện , GĐ mới là Vu trưởng Vụ KT cũ sắp về hưu, gọi tôi lên, nói là Anh không thể làm Bí thư chi bộ, mà phải là tôi, tôi giải thích không được vì phải họp Chi bộ , sau khi chờ quyết định của ĐU Bộ thì tại Vịện xuất hiện hai Bí thư một thời gian, sau đó tôi không những bị mất chức danh Bí thư mà còn bị xếp là Đ/v thường ?
Rồi còn nhiều chuyện ly kỳ nữa không tiện nêu ra đây , khi tâm sự với Cha thì Cha nói về kinh nghiệm công tác của Cha cũng vất vả không kém, nên Cha sẵn sàng thôi công tác ở Cục tại HN để về làm Hiệu Trưởng một trường dạy nghề tận Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu.
-Từ năm1992 theo vợ con, tôi phải chuyển công tác vào Nam với điều kiện không được yêu cầu chức vụ,không được xin cấp nhà ở.., lại còn bị hạ thấp lương từ chuyên viên nghiên cứu cao cấp lọai trung, để nhận lương CV-
Cty với lương hưu hiện nay sau khi tăng cũng chỉ 1,3 triệu/ tháng. Thỉnh thỏang tôi có ra HN để kết hợp công tác
và thăm Cha, Mẹ, vì ở xa hàng ngàn cây số ,không có điều kiện gần gũi chăm sóc Cha, Mẹ . Cũng may nhờ có
nhiều anh chị em ruột ở HN ( thay tôi con giai trưởng ở xa ) nên có nhiều thành tích giúp Cha, Mẹ hơn tôi .Khi Cha mất tôi chỉ ra dự được tang lễ, khi Mẹ mất tôi chỉ kịp vào trực bên Mẹ đang cấp cứu ở bệnh Viện BM, lúc đó mẹ biết có tôi bên cạnh, mẹ khóc nhưng không nói được gì, chỉ vài phút trước khi Mẹ sắp lâm chung,do trực khuya mệt tôi tranh thủ đi ngủ, lúc Mẹ nhắm mắt chỉ còn duy nhất Cô Liên chứng kiến. Đúng là Mẹ đã quí Cô Liên hơn tôi, vì Cô là tấm gương cho tất cả anh, chị em về một người con tốt về nhiều mặt , tuy Cô đã qua nhiều năm tháng sống trong hòan cảnh khó khăn xa HN, xa Cha, Mẹ ở mãi trên TN từ khi mới thành lập khu Gang thép,và liên tục công tác cho đến khi về hưu. Nhiều năm sau nhờ hỗ trợ của Chú Tiến và sự góp sức của cả gia đình Cô, mới có điều kiện mua nhà để trở lại nơi sinh sống ở Thủ Đô.
Điều tôi học tập nhiều nhất ở Cha là : Cha đúng là một người HN gốc hiền lành, không thích bon chen chạy chọt , đấu đá, không có thủ pháp để tranh chức tranh quyền, thích quan tâm đến nọi người trong gia đình, họ hàng, đến khối phố. Cha đã từng được mời tham gia xử những vụ kiện li kỳ giữa một ca sĩ nổi tiếng nọ với một nhạc sĩ vì chuyện tình đứt gánh,Cha đã từng tổ chức họp cả dòng họ Phạm một cách nhiệt tình vào ngày mùng 2 Tết hàng năm,Cha rất quan tâm đến việc viết gia phả họ Phạm, Cha và Mẹ luôn nhớ đến những ngày giỗ chính của họ hàng và nhắc nhở các con quan tâm , Cha từng làm mối cho nhiều thành viên trong gia đình, các cháu và bạn bè nên duyên , nên phận, như Chị Mai con gái ruột của GS- BS-Thiếu Tướng Đỗ Xuân Hợp kết hôn với anh Xuất cán bộ công tác tại cơ quan của Cha.
Sau khi trải qua nhiều qua năm tháng của cuộc đời , tôi đã có nhiều kinh nghiệm và thay đổi , nhưng có thể đã học tập Cha còn giữ lại được ít nhiều chất HN là thật thà, ham hiểu biết, có trách nhiệm với nghề nghiệp, nhã nhặn với mọi người. Nhưng vì thiếu bản lĩnh, thiếu thủ đọan, không thích nịnh nọt , nên tôi chỉ có thể tự quyết đóan là làm lính bình thường thì khỏe hơn làm tướng . Cho dù có cơ hội để làm chức này, chức nọ, nhưng dễ bị lừa phỉnh vì tính thật thà , hay tin người, và còn ít thực tế, nên dễ gặp rủi ro. Cho đến khi về hưu tôi mới thấy tôi mới được thực sự sống thật với bản chất của mình, tuy hòan cảnh kinh tế hiện nay còn có điều chưa hài lòng, nhưng cảm thấy tự hào vì do chính sứclao động của mình và gia đình tự tạo nên , ngay cả khi đã về hưu vẫn còn cố gắng làm việc đễ tăng thêm thu nhập. Tôi cảm thấy đã học được ở Cha tính tự trọng vì cả cuộc đời chưa phải nhờ cậy ai để tiến thân , nên rất tự hào khi gặp lại bạn bè hay những thủ trưởng cũ, những vị mà trước đây tôi rất ngại tiếp xúc, do họ hay ra oai " kẻ cả " kèm với cái thói quen " chủ quan công thần " coi thường nhân viên của họ. Hãy sống thật với bản thân mình , chính là lời khuyên hay về hạnh phúc mà môt tác giả nước ngòai (do First New dịch) đã khuyên mọi người, tôi tự thấy quả là rất đúng , trước hết là đối với trường hợp của tôi.
(Vài dòng tâm sự còn lộn xôn trích từ Blog cá nhân)
PHẠM VĨNH DI

Previous
Next Post »