Thăm Ấn Độ





Từ 17 - 21/11/2011 tôi đã đi công tác Ấn Độ cùng với Giám Đốc BV An Sinh tới tham quan Nhà máy sản xuất Tân dược ở Tp Hyderabat của hãng Dr Reddy, sau đó tham quan thủ đô Dehli, rồi đến Tp Agra thăm di sản văn hóa và kỳ quan thế giới Taj Mahal . Chuyến đi ngắn ngày nhưng hầu hết di chuyển vào ban đêm nên khá mệt mỏi. Từ sân bay TSN Tp HCM chiều 17/11/2011 bay tới  sân bay Kua Lampur – Malaysia, transit  sau chuyển sang máy bay khác bay đến sân bay quốc tế Rajiv Gandhi khai trương năm 2008,cách 30km tới Trung Tâm Tp Hyderabat - thủ phủ của bang Andhra Pradesh- Ấn Độ. Bay tiếp máy bay nội địa đến Dehli, đi oto đến Tp Agra tham quan Taj Mahal. Khi trở về quay lại Dehli, đáp chuyến bay quốc tế về TpHCM


Sân bay quốc tế Rajiv Gandhi
 

Thành phố  Hyderabad :

Hyderabad là một thành phố ở phía Nam Ấn Độ, thủ phủ của bang Andhra Pradesh, bên sông Mūsi, là một trung tâm hành chính và thương mại, trung tâm công nghiệp với các ngành sản xuất: bông, lụa, hàng dệt, thuốc lá, giấy, đồ gốm và kính. Phía bên hữu ngạn của con sông là phố cổ. Dân số thành phố:3.632.094 người, còn dân số vùng đô thị là 6.112.250 người. Phái nam chiếm 51% tổng số dân và phái nữ chiếm 49%. Hyderabad có tỷ lệ 69% biết đọc biết viết, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 59,5%: tỷ lệ cho phái nam là 74%, và tỷ lệ cho phái nữ là 65%. Tại Hyderabad, 12% dân số nhỏ hơn 6 tuổi.


  


 
Thành phố được thành lập năm 1589 và nó đã trở thành thủ đô của của các nizam (thống đốc), hay hoàng thân (princes) thời phong kiến. Năm 1948 các lực lượng quân sự Ấn Độ đã chiếm bang Hyderabad và chiếm giữ thành phố. Sau đó dân ở đây đã tham gia một cuộc bỏ phiếu để gia nhập nước Cộng hòa Ấn Độ. Năm 1956, khi các bang của Ấn Độ được tổ chức lại trên cơ sở văn hóa và ngôn ngữ, Hyderabad và các huyện xung quanh đã trở thành một phần của bang Andhra Pradesh. Ngay từ thế kỷ 16 Hyderabad đã nổi tiếng là trung tâm buôn bán kim cương và là thành phố của những cung điện vua chúa. Vào thập kỷ trước, dòng chảy đầu tư từ hàng loạt công ty quốc tế đổ vào Hyderabad đã truyền cảm hứng cho một loạt nhà hàng, quán cà phê mọc lên như nấm. Những khách sạn 5 sao nổi tiếng mới ra đời cũng thu hút du khách đổ tới thành phố phương nam này ngày một đông.

Khi tham quan thành phố Hyderabat chúng tôi thấy có những công trình lịch sử nổi tiếng như :

- Ở trong trung tâm thành phố là Char Minar, một toà nhà hình chữ nhật với bốn mái vòm mà dưới đó bốn tuyến phố chính giao nhau. Nhiều lâu đài được xây bởi các thống đốc (nizam), các nhà thờ Hồi giáo Jamma Masjid và Mecca cũng nằm trong phố cổ. Có năm cầy cầu bắc qua sông Mūsi đến tả ngạn nơi có khu dinh thự của Anh Quốc, bảo tàng và thư viện trung tâm bang. Thành phố cũng có một phòng thí nghiệm công nghiệp lớn. Các trường đại học ở Hyderabad là: Đại học Osmania (1918), Đại học Công nghệ Jawaharlal Nehru (1972).






- Hussain Sagar là một hồ nước được xây dựng vào năm 1562. Hồ dài 24km, nằm cạnh cửa sông Musi, cung ứng nước ngọt cùng hệ thống tưới tiêu nước cho cả thành phố Hyderabad. Giữa lòng hồ nước này có một cồn đất là nơi tọa lạc của pho tượng Phật Thích Ca được dựng vào năm 1992, đây cũng là một trong những pho tượng Phật cao nhất ở châu Á. Bức tượng Phật cao 17m và cân nặng 320 tấn, được làm bằng đá granite trắng nguyên khối chạm khắc bởi 200 nhà điêu khắc trong hai năm. Bức tượng đã được vận chuyển đến Hyderabad vào tháng 10/1988. Bức tượng Phật khổng lồ này là điểm du lịch chính dành cho du khách viếng thăm Hyderabad, thành phố ngọc trai.




  
- Hydredabad còn nổi tiếng đối với VN vì là nơi mà GS Ngô Bảo Châu đã tới dự lễ trao giải toán học Fields (ngang với Nobel) tại Đại Hội Toán Học Quốc Tế(ICM) tổ chức tại Hyderabat, cả khán phòng rộn ràng tiếng vỗ tay khi tên của giáo sư Ngô Bảo Châu được xướng lên là một trong bốn nhà toán học giành giải Fields ngày 19/8/2010 và Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Châu lúc 12:55  (giờ Hà Nội)





Thủ đô Dehli

Ấn Độ là một quốc gia có sự đa dạng về văn hóa. Thành phố Dehli – thủ đô của Ấn Độ mang dáng vẻ khác hẳn so với những thành phố náo nhiệt khác trên Thế giới. Dehli nằm ở vùng đông bắc của Ấn Độ và được phân chia thành 2 phần Dehli cổ và Dehli mới (New Dehli). New Delh là nơi có trụ sở  của Chính  Tổng diện tích của thành phố là 42,7 km2 New Delhi tổ chức 134 đại sứ quán nước ngoài và các cơ quan đại diện.Tp thành lập 15/12/1911 được thiết kế bởi hai kiến trúc sư nổi tiếng của Anh là Edwi Lutyens và Herbert Baker.New Dehli mang tên mới từ năm 2007
Dehli là khu trung tâm hành chính của Ấn Độ, một thành phố náo nhiệt với những đám đông người trên mọi nẻo đường. Những cư dân đầu tiên đã đến sống ở Dehli từ hơn 2000 năm trước. Nhiều triều đại đã lần lượt cai trị thành phố này và người Anh cũng đã đến đây vào năm 1857. Ấn Độ đã giành được độc lập vào năm 1947.

Thành phố Delhi đông đúc có dân cư khoảng 15 triệu người với nhiều danh thắng đáng chú ý chẳng hạn như :

Pháo Đài Đỏ – đó là một công trình to lớn với chiều dài khoảng 2.5 km và có chiều cao từ 16m tới 33m. Đền Taj Mahal và Pháo Đài Đỏ đều do Hoàng đế Shal Jahan - một nhà kiến trúc tài ba xây dựng nên. Pháo đài đỏ là sự kết hợp tinh túy của ba trường phái kiến trúc: Kiến trúc Ấn Ðộ, Hồi giáo Iran và kiến trúc phương Tây. Pháo đài đỏ (Red Fort) còn gọi là Lal Qila nằm ở trung tâm New Delhi, bên bờ sông Yamuna. Ngày 15-8-1947, Quốc kỳ của Ấn Ðộ tung bay lần đầu trên pháo đài. Từ đó, Pháo đài đỏ được tượng trưng cho nền độc lập của nước này.




Đền thờ Jama Masjid rộng lớn nằm cách Pháo Đài Đỏ khoảng 1km về hướng Bắc. Đền được xây dựng vào năm 1656 và là một trong những trung tâm về tinh thần của người theo đạo hồi ở Ấn Độ. 



 
Cổng Ấn Độ (India Gate ) là di tích quốc gia của Ấn Độ, nằm ở trung tâm của New Delhi, India Gate được thiết kế bởi Sir Edwin Lutyens, lấy cảm hứng từ Arc de Triomphe ở Paris. Được xây dựng vào năm 1931. gọi là đài tưởng niệm (Memorial) kỷ niệm 90.000 binh sĩ của quân đội Ấn Độ đã hy sinh trong chiến tranh. 




Tòa nhà Quốc hội là một cấu trúc hình tròn được thiết kế bởi Herbert Baker và được mở cửa vào năm 1927. Cấu trúc khổng lồ của Nhà Quốc hội ở Delhi có 247 trụ cột với hành lang rộng, gồm Thượng Viện và Hạ Viện Viện .





Tháp Qutub Minar được UNESCO công nhận Di sản thế giới,  xây dựng bằng đá sa thạch màu đỏ , với chiều cao 72,5 m , có 379 bậc thang để lên đến đỉnh, và đường kính của cơ sở là 14,3. Xây năm 1199 AD , nổi bật nhất của kiến ​​trúc Ấn-Hồi giáo. 




Dehli hiện tại ngày càng mở rộng, các đô thị vệ tinh gần như biến mất, Nếu như tất cả các đô thị vệ tinh hợp nhất vào với Dehli, thành phố này sẽ có tới 25 triệu dân.
Bao quanh trung tâm thủ đô cũ là đường vành đai chắp nối bởi những con đường cũ kỹ, xây dựng không có quy hoạch trong suốt 3 thập kỉ qua. Những người dân sống lâu năm đều biết cách thích nghi với con đường đau khổ này và khái niệm đi theo làn đường chỉ có ở nước ngoài, nếu làm thế ở đây thì chỉ gặp bế tắc.Ùn tắc giao thông thường xảy ra ở Dehli.

Đến thủ đô New Dehli của Ấn Độ, du khách vẫn chứng kiến cảnh những con bò “ngang nhiên” đi lại trên đường phố mà không ai dám xua đuổi.Đơn giản vì người Ấn coi bò là con vật linh thiêng. Nhưng việc đi lại lộn xộn tới mức báo động của những “linh vật” này đã khiến nhà chức trách chẳng còn cách nào khác là phải “ra tay”. Có rất nhiều lý giải vì sao các tín đồ Hindu giáo không được phép giết mổ và ăn thịt bò. Các giáo sĩ đạo Hindu vẫn bám lấy luận thuyết nói rằng kể từ 5.000 năm qua, bò sữa ở Ấn Độ vẫn được tôn vinh là “Mẹ của quá khứ và tương lai”. Theo họ, loài bò còn giúp con người chữa trị được hàng trăm căn bệnh…
Cách đây hai năm, thủ đô New Dehli có tới 35.000 con bò. Kể từ khi chương trình “sơ tán” bò có hiệu lực, số bò thả rông đã giảm đáng kể. 




New Delhi 

New Dehli nằm trong Dehli, cùng với Mumbai, Dehli nằm trong nhóm 4 thành phố đông dân nhất thế giới. Là thủ đô của Ấn Độ, Dehli nằm bên bờ sông Hằng, một con sông với dòng nước mang màu sắc tôn giáo và triết học của nền văn minh Hindu và Phật giáo, đã chảy hàng ngàn năm. Dehli cũng là một trong những nơi định cư sớm nhất của loài người, là một trong những thành phố văn hóa cổ nhất của thế giới.


 
Ngày nay, con sông Hằng huyền bí, linh thiêng đã bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước thải đô thị từ các cống rãnh không qua xử lý; bởi rác thải đủ mọi loại từ dân số đông đúc và kém ý thưc bảo vệ môi sinh của Dehli; bởi xác súc vật chết, và xác, xương, tro cốt của người chết được đổ xuống hàng ngày - để linh hồn được siêu thoát, thanh tẩy bởi dòng nước, theo niềm tin của tín ngưỡng đạo Hindu (Bà La Môn). Dòng sông, bây giờ đã mang dòng nước của đủ loại bệnh tật, của đủ loại vi khuẩn, vi-rút có thể sinh sôi nẩy nở trong môi trường nước ô nhiễm. 


 

 Rác thải tại Dehli cũng là vấn đề rất lớn. Bao giấy, nhựa và các loại rác nhẹ có thể thấy khắp nơi trong thành phố bụi bặm. Trên nhiều đường phố, những đống rác nặng mùi, đầy chuột, ruồi, bọ, kiến, gián luôn luôn làm khách đi bộ ớn lạnh tận xương.






Bầu trời Dehli cũng chẳng hơn gì Mumbai, cũng ô nhiễm cùng mức độ, với những loại khí thải độc hại y hệt do xe cộ chạy ùn ùn thải ra cả ngày đêm.

Dehli là đầu mối của hệ thống đường xe lửa ở Ấn Độ. Xe lửa là một phần quan trọng trong văn hóa của Ấn Độ. Đó là một hệ thống xe lửa lớn nhất Thế giới, vận chuyển khoảng 5 tỷ lượt hành khách mỗi năm. Hệ thống này đã được những thương nhân người Anh xây dựng vào giữa năm 1850.

Thành phố Agra


Agra là một thành phố nằm bên bờ sông Tamuna phía bắc  Ấn Độ. Thành phố được sáng lập bởi vua Sikandar Lodi năm 1506. Hiện nay, thành phố này thuộc về bang Uttar Pradesh. Đây là thủ đô của đế quốc Mogul từ 1526 đến 1658 và là một điểm du lịch hấp dẫn do có 3 di sản thế giới nổi tiếng xây thời Mogul là Taj Mahal, Pháo đài AgraFatehpur Sikri. Dân số thành phố năm 2001 là 1.259.979 người.





 

Mang nét huyền bí phương Đông, đất nước Ấn Độ ẩn giấu những nét văn hoá tôn giáo, kiến trúc và lịch sử lâu đời, những truyền thuyết chất chứa sức quyến rũ riêng biệt, những phong tục độc đáo…tất cả đã tạo nên cho Ấn Độ một màu sắc thần tiên huyền bí.
Hành trình trở về với cội nguồn linh thiêng của đất Phật qua các địa danh Sông Hằng,  Đền Taj Mahal… thực sự trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với bất cứ du khách nào trên thế giới.

(Kim Chi)


Previous
Next Post »
3 Komentar
avatar

Chúc mừng bác Chi sao không thấy bác Di đâu?

Balas
avatar

Chúc mừng cô Chi đã có chuyến đi với nhiều khám phá tuyệt. Các thông tin thật nhiều và cụ thể chi tiết cùng hình ảnh Minh họa.

Balas