Thăm Trụ sở chính Liên Hợp Quốc - New York






Trong thời gian đến New York, chúng tôi đã tham quan Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở 760 United Nations Plaza, New York, NY 10017, USA. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não như Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đồng thời là nơi làm việc, họp hành của vô số nguyên thủ quốc gia, đại sứ, các phái đoàn quốc tế... , và cũng là địa điểm làm việc của khoảng 3.400 nhân viên, vì vậy trụ sở LHQ là một trong những điểm tham quan thu hút du khách.

Liên Hiệp Quốc ( viết tắt là LHQ) là một tổ chức quốc tế có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. Hiện nay, LHQ có 193 thành viên (Nam Sudan mới gia nhập ngày 14/7/2011) bao gồm phần lớn các quốc gia có chủ quyền trên Trái Đất. LHQ sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức: tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nhatiếng Trung.

Nhân vật đại diện tiêu biểu nhất của LHQ hiện nay là Tổng thư kí, đương nhiệm là Ngài Ban Ki-moon, người Hàn Quốc.



Kinh phí hoạt động của LHQ được hình thành bằng tài trợ đóng góp tự nguyện và nguồn niên liễm có kiểm soát từ các nước thành viên.

Toà nhà trụ sở LHQ hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng 7 ha tại khu Manhattan, New York trong giai đoạn từ năm 1949 tới 1950. Khu đất này được tỷ phú J.D. Rockerfeller mua với giá 8.5 triệu dollar và tặng khu đất này cho LHQ.Trụ sở LHQ chính thức mở cửa ngày 9 tháng 1 năm 1951.




Từ xa Trụ sở chính của LHQ rất dễ được nhận ra giữa muôn vàn các cao ốc tại phía đông khu Manhattan (New York) bởi đó là một tòa nhà có kiến trúc khá đặc biệt, rộng nhưng mỏng

Trên thực tế, quần thể trụ sở chính của LHQ không chỉ có tòa nhà chính cao 39 tầng dành cho các cơ quan của LHQ mà còn có 3 khối nhà khác gồm tòa nhà của Đại hội đồng (General Assembly building); khu hội nghị và Dag Hammarskjold Library (mới được bổ xung xây dựng năm 1961).

Quần thể này được thiết kế bởi 11 kiến trúc sư, trong đó phụ trách chính là Wallace K. Harrison (người Mỹ) là cố vấn của Nelson Rockefeller (con trai của Tỷ phú J.D.Rockerfeller) .Nghe nói thay vì tổ chức một cuộc thi chọn các mẫu thiết kế, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự hợp tác của các kiến trúc sư hàng đầu thế giới, thuộc nhiều quốc gia khác nhau. KTS Wallace K. Harrison là người đứng đầu nhóm thiết kế, và các kiến trúc sư khác đến từ Liên Xô, Bỉ, Canada, Pháp, Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil, Anh, Australia và Uruguay. 50 bản thiết kế khác nhau đã được cân nhắc trước khi phương án cuối cùng được lựa chọn. Phần cơ bản của thiết kế được sử dụng dựa trên phương án của KTS người Pháp, Le Corbusier.

Điểm nhấn của tòa nhà chính là hai mặt hướng tây và đông hoàn toàn được bao phủ bởi kính giảm nhiệt màu xanh, hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời. Các khoang thoát khí được bố trí ở tầng 6, 16, 28 và 38 có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Hai mặt hẹp hơn ở hướng bắc và nam sử dụng đá . Nghe nói khi thiết kế được thông qua, cũng có một số ý kiến không tán đồng bởi nhiều người cho rằng tòa nhà có nguy cơ cháy rất cao. Nhưng trên thực tế, ở đây có hệ thống phòng cháy tốt, đặc biệt là đội ngũ chuyên nghiệp trong việc chống cháy. Toàn bộ tòa nhà được xây dựng với khoản vốn vay không tính lãi 65 triệu USD từ Chính phủ Mỹ. Trụ sở chính của LHQ là khu vực "quốc tế", thuộc về tất cả các quốc gia thành viên. Nơi đây có lực lượng an ninh, cứu hộ, hành chính... riêng biệt.


Chúng tôi đến phía trước tòa nhà để chụp ảnh và đập ngay vào mắt là hình ảnh một khẩu súng lục bị bẻ cong nòng, tượng trưng cho nhiệm vụ giữ gìn hòa bình chống bạo lực chiến tranh và giải trừ quân bị trên thế giới của LHQ. Trong công viên ngoài trời phía bên tay phải trụ sở, cũng có một bức tượng mang ý nghĩa tương tự. Tượng đài “Beat Swords into Plowshares” (hình một người đang cầm búa đập xuống thanh gươm) chính là nguồn cảm hứng mà vua nhạc pop Michael Jackson đã đưa vào ca khúc bất hủ “Heal The World”. Thanh kiếm lưỡi cày là một khái niệm mà trong đó vũ khí quân sự hoặc các công nghệ quân sự được chuyển đổi cho các ứng dụng hòa bình dân sự. Rất tiếc là trong thực tế nhiều nước đã lợi dụng LHQ để can thiệp vào nền độc lập và ổn định của các nước khác như tình hình ở Trung Đông và Châu Phi gần đây.
















Trước khi vào tham quan trụ sở LHQ, vì lý do an toàn, mọi du khách đều phải hoàn tất các thủ tục an ninh (qua máy soi, tháo giày, tháo cả thắt lưng…). Nhưng bù lại, sau phần kiểm tra an ninh phiền toái, bạn sẽ được đặt chân vào một trong những công trình từng ghi lại bao dấu ấn, bao sự kiện lịch sử. Không gian rộng lớn nơi đây dễ làm những du khách mới đến lần đầu choáng ngợp. Dọc hai bên lối đi là những gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, các tranh ảnh, hiện vật ở khắp nơi trên thế giới như bức tường kính màu sặc sỡ, một lá cờ của LHQ bị rách nát với dòng chữ “Fallen for the Cause of Peace”…

Qua khỏi những gian trưng bày là một hành lang rộng, nơi người người qua lại tấp nập. Đó là nơi treo các bức tranh chân dung của các đời Tổng Thư ký LHQ.



Nhưng điều thu hút nhất, khiến mọi du khách từ khắp nơi trên thế giới khi tới đây đều phải dừng chân đứng lại, đó là hai hàng cột cờ chạy dọc hành lang. Đây là nơi treo quốc kỳ của tất cả thành viên LHQ theo vần ABC. Du khách nước nào thường tìm đến quốc kỳ của nước mình chụp ảnh.







Tiếp theo hành lang quốc kỳ là gian hành lang trưng bày các tặng phẩm. Mỗi một thành viên LHQ đem đến trụ sở này một món quà để trưng bày. Món quà này vừa là tặng phẩm của quốc gia thành viên, cũng vừa là hình ảnh tiêu biểu mà quốc gia đó muốn giới thiệu với bè bạn quốc tế về đất nước mình. Bạn sẽ khám phá ở đây nhiều nét văn hóa khác lạ, từ châu Âu tới châu Á, từ châu Mỹ tới châu Phi. Đó là những tác phẩm điêu khắc bằng ngọc của Trung Quốc, hay những chiếc thuyền gỗ tuyệt mỹ của Thái Lan… Còn Việt Nam mang tới đây một chiếc trống đồng Ngọc Lũ – loại trống đồng đẹp nhất ở nước ta.

Bạn có thể đến phòng đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, rất nhiều bức ảnh, áp phích giới thiệu những hoạt động, những thành tựu của LHQ, trong đó có cả giải thưởng Nobel Hòa Bình. Đừng quên quan sát kỹ gian phòng này. Nó được thiết kế giống như một nhà hát kịch, trong đó, nơi các nguyên thủ, đại sứ, phái đoàn… ngồi họp là sân khấu chính, còn các hàng ghế khán giả phía dưới là chỗ dành cho phóng viên. Vì lý do an ninh, du khách chỉ được phép ngồi phía trên “khán đài” nhìn xuống “sân khấu”, chứ không được đến tận nơi cho thỏa sự tò mò.












Khi đến chúng tôi thấy phía hàng rào xung quanh Trụ sở treo các bảng hiệu lớn chống thử vũ khí nguyên tử và chào đón ngày thế giới đạt 7 tỷ người.










Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc ngày 20/9/1977. đến nay đã gần 35 năm.Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc ngày càng phát triển. Việt Nam đã tham gia vào một số chức vụ và ứng cử vào một số cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc như ủy viên không thường trực của Hội Đồng bảo An LHQ.

Previous
Next Post »