Chuyện chẳng liên quan ngày lễ, giờ mới kể.

Ngày toàn thắng 30.4 tôi có một câu chuyện riêng, chẳng liên quan gì tới chiến cục ngày này giờ mới kể..
Số là hai năm đầu học ĐHKTQS trên Vĩnh Yến chúng tôi học văn hóa là chính, chưa học chuyên ngành. Tôi ngồi cùng bàn hai người với Văn Tuyên Huấn con trai Đại Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng TM trưởng Quân đội NDVN. 
Tôi ở đơn vị 6 năm về học nên nhiều kiến thức quên, Huấn mới tốt nghiệp Phổ thông được hơn năm nên cậu ấy học khá nhàn. Hai anh em có nhiều thời gian ăn ngủ, học hành, nói chuyện, bàn luận, chơi thể thao trong khuôn khổ trường QS 24/24.
Một hôm sau khi kết thúc năm thứ hai 1970, tôi và Huấn cùng về Hà Nội thăm nhà từ trưa ngày thứ báy, đúng hẹn tối muộn chủ nhật theo kế hoạch hai anh em đáp xe lửa trở lại trường. Khoảng 17h ngày chủ nhật Huấn phóng xe đạp tới 53 Lãn Ông nói mẹ em bảo đón anh đến ăn cơm chiều nay.với gia đình. Tôi rất bất ngờ trước lời mời, thực ra trước đó khá lâu khi về nghỉ Hà Nội Huấn có rủ tôi tới nhà được bà Kỳ mẹ Huấn tiếp chuyện vui vẻ hồi lâu. Tôi bảo rất tiếc vì các cụ nhà đã chuẩn bị cơm chiều nay rồi, có cả các ông anh bà chị sắp đến nên tôi khước từ lời mời. Đúng vậy ngày đó tôi còn son rỗi chưa hẹn hò ai, cứ vài tháng phải bịa đủ lí do mới có cơ được về Hà Nôi, vì thế mỗi lần về nhà tôi chỉ quanh quẩn bên các cụ chẳng đi đâu nay không nỡ bỏ đi. Nghe vậy cậu ấy lưỡng lự một lúc, cũng chẳng mời chào thêm rồi cáo từ ra về.
Đúng hẹn tối đó ra ga Hàng Cỏ không gặp cậu ấy, tôi lên tàu như thường lệ. Mấy hôm sau cũng không thấy, sau này mới hay cậu ấy đi đơn vị không học kĩ thuật nữa. Ngày đó không điện thoại di động liên lạc khó khăn hơn bây giờ nhiều, công việc học trong trường Quân sự cũng không có nhiều thời gian rảnh rỗi nên chúng tôi cũng không có liên hệ gì với nhau.

Đôi khi tôi nghĩ hôm đó nếu nhận lời của Huấn đến nhà ăn cơm, biết đâu được ngồi cùng mâm với Văn Đại tướng giả dụ lại có một tấm ảnh cùng ông, vinh dự ấy mấy ai có tha hồ mà khoe. Tôi nói vậy vì hồi còn công tác bên Đức mỗi khi tới Văn phòng một người quen biết chuyên lắp anten chảo bắt VTV 4 cho người Việt nam là nhìn thấy tấm ảnh bà Phạm Minh Dương Phó TGĐ Truyền hình Việt nam (chị gái bà Phượng Tiến) trong  khung kính trang trọng treo ở phòng khách. Nếu có ai đó hỏi sẽ có ngay lời giới thiệu đây là chị con chú, con bác ruột với cậu ấy. Chỉ thế thôi mà cậu ta sống được nghề đó nhiều năm, hầu như chiếm lĩnh thị trường đặt hàng chảo xem VTV 4 mặc dù chưa hề được đào tạo về truyền hình đến một ngày. (Sau đó vài năm khi VTV 4 kí được với các đài truyền hình đia phương chuyển qua truyền hình cáp, cậu ấy trở về với xe bán cá).
Thành thật nói cho vui thế thôi chứ tôi chỉ tiếc là với Văn Tuyên Huấn từ năm 1970 ấy cho tới hơn hai chục năm sau cậu ấy bất ngờ đi xa tôi cũng chưa có lần gặp lại, chỉ nghe tin phong phanh qua bạn bè khi tôi đang công tác bên Nga. 
Tôi cũng được biết đâu như cậu ấy có tham gia các trận đánh B52 trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm. 
Rất tiếc là không có tấm ảnh nào với cậu ấy để minh họa bài viết này, đành lấy vài hình ảnh ngày 30.4 để minh họa vì cậu là con trai của Đại tướng Văn Tiến Dũng, vị tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Tôi không dám lấy ảnh có hình ảnh vị Đại tường đáng kính trong đó để minh họa, vì câu chuyện này cũn chỉ là kỉ niệm nhỏ của tôi với cậu con trai ông.
Trong thâm tâm tôi vẫn nhớ tới cậu bạn học ít tuổi Văn Tuyên Huấn không chỉ là con vị Đại tướng nổi tiếng mà cậu ấy là một thanh niên mạnh mẽ, dong dỏng cao mặt sương sương rất đàn ông, khiêm tốn, vui vẻ, lễ phép trên dưới rõ ràng chẳng bao giờ khoe bố làm to. 
Tôi vẫn còn ý định nhưng chưa có dịp sẽ viết vài dòng về Văn Tuyên Huấn với chủ đề COCC (con ông cháu cha)
Vĩnh Thắng
Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Một kỷ niệm đáng nhớ....và cũng đáng tiếc nuối...Như vậy cậu ấy em ruột VTT?

Balas
avatar

Thú thật tôi cũng không tìm hiểu sâu chỉ nghe truyền tai nhau từ hồi cỏn máy bay Mỹ đánh Hà Nội, Văn Tiến Tường con ĐT Văn Tiến Dũng là người chỉ huy tổ chiến sĩ phòng không ngồi trên đỉnh cầu Long Biên. Hình ảnh này thời đó chúng ta thường thấy trên báo, giống như trận địa pháo cao xạ cảm tử năm trên hồ Trúc Bạch ngay sát nhà máy điện Yên Phụ. Thực hư chưa có nguồn nào xác nhận.

Balas