Hoài niệm

Hôm nay kỉ niệm 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.1954, buổi tối tại sân vận động Mỹ Đình có trận bóng đá Tuyển Việt Nam gặp tuyển CPC. Tôi không có ý định nói về trận đấu này vì chưa diễn ra, nhưng tôi muốn nói về không khí ngày lễ ở Thủ đô những năm cách đây hơn sáu mươi năm.
Ngày đó thường vào các ngày lễ lớn như Quốc Khánh sau hoạt động chính thức của Nhà nước mít tinh quần chúng ở Quảng trường Ba Đình vào buổi sáng, buổi chiều có trận bóng đá, buổi tối ca nhạc sân khấu ngoài trời ở trước cửa Ngân hàng TƯ hoặc tại Nhà kèn Bờ Hồ.
Tôi còn nhớ không biết bao lần từ 5,6 giờ chiều đã ra ngồi giữ chỗ ở sân khấu ngoài trời trước cửa NHTW chờ đến tối xem ca nhạc. Tôi đã được nhiều lần thưởng thức các giọng ca nổi tiếng ngày đó Quốc Hương, Thanh Huyền, Trần Chất, Trần Khánh, Trần Thụ, Minh Đỗ, Quí Dương, Trung Kiên, Mai Khanh... biểu điễn các bài hát vẫn “hot”  đến bây giờ Tiểu đoàn 307, Bài ca năm tấn, Hò kéo pháo...
Nhưng những trận đá bóng vẫn thu hút sự chú ý hơn của đông đảo khán giả người hâm mộ Hà Nội. Tôi vẫn nhớ ngày đó chưa có truyền hình, cụ Quang mỗi lần có trận bóng đá hay là không dời chiếc loa truyền thanh Hà Nôi, nghe giọng bình luận trầm ấm hấp dẫn nhiều năm Đình Sơn sau này là Tiến Đức. Tôi cũng có một vài lần mò vào sân Hàng Đẫy xem trực tiếp các trận đấu của Thể Công với CA Hà Nội hay  với Trường HLTW. 

Đến nay vẫn còn nhớ tên tuổi những cầu thủ vang danh thời đó Trương Tấn Nghĩa đẹp trai đá tiền đạo cảnh phải Thể Công và tuyển VN, mỗi lần anh này đi bóng là nhận hàng tràng pháo tay của khán giả. Ngoài ra còn có các cầu thủ khác như lão tướng Luyến (hói), Huy Khôi, Nghẽn, Tòng...CAHN, Koong Hải Phòng. Phú Nàm. Xuân Quýnh, Bùi Đức, Tương Lai...của Thể Công. 

Sau này tôi được trực tiếp thụ giáo các ông Luyến ở trường dạy bóng đá nghiệp dư Long Biên khi tôi học cấp III; Diệp Phú Nàm HLV đội bóng hạng A miền Bắc PKKQ ở sân tập Bạch Mai khi tôi vào lính; Bùi Đức giáo viên thể dục Trường ĐHKTQS khi các ông đã là người thày truyền đạt lại cho các thế hệ sau.
Tôi biết ngày đó cứ mỗi lần ngày lễ, Tết đến các vị lớn tuổi của chi họ Kim Anh, Vĩnh Di, Kim Nhu, Vĩnh Ngọc lại có mặt trong các tiết mực ca hát của trường phổ thông hoặc đoàn thế tai các sân khầu quần chúng. Tôi và ông Vĩnh Hải mấy năm liền sau giải phóng là thành viên đội trống ếch và tôi còn tham gia một điệu múa "hot" của thiếu nhi Phố Lãn Ông biểu diễn tại đình Phúc Kiến.
Chiều nay 10-10-2017, trời HN đang mưa tầm tã nhớ lại cảm giác ngày đó mối khi ngày lễ, tết đến đều rạo rực mãn nguyện khôn tả vì không khí háo hức, sôi nổi của từng phố, từng ngôi nhà và mỗi con người.
Phạm Lê

(Ảnh trên mạng)
Previous
Next Post »