Nhớ Ông ngoại kính yêu,

Ngày mồng Một Tết năm Tân Mão thật buồn, Ông ngoại đã ra đi mãi mãi để lại cho các con cháu niềm tiếc thương vô hạn. Mới buổi sáng cháu qua thăm và chúc Tết Ông, Ông còn gật đầu khi cô Phương và cháu nói hôm nay là mùng Một Tết, thật không ngờ đến tối Ông đã đi vào giấc ngàn thu.

Suốt cả tuần qua, những ký ức về thời thơ ấu êm đềm, được sống cùng với Ông Bà và được Ông Bà chăm sóc dạy dỗ, cứ tràn về trong suy nghĩ của cháu. Tuổi thơ của cháu và hai em Minh Thu và Mai Anh, thật may mắn được lớn lên ở nhà D3 Trung Tự dưới sự quan tâm và tình yêu thương chăm sóc đặc biệt của Ông Bà. Cháu nghĩ một phần vì gia đình ta ít con cháu (Ông Bà chỉ có hai con gái và ba cháu ngoại gái), một phần nhờ Ông Bà là những người rất cao quý và hiền dịu nên chúng cháu luôn cảm thấy căn hộ chúng cháu lớn lên tràn ngập tình yêu thương.

Lớn hơn một chút, Ông dành thời gian dậy cháu môn cờ Vua. Từ bé cháu đã rất tự hào và luôn khoe với các bạn của cháu “Ông tớ là vô địch cờ Vua của Việt Nam”. Cháu nhớ nhà ta có rất nhiều bộ bàn cờ, đủ loại khác nhau. Cháu nhớ Ông rất quý một bộ bàn cờ vua có nam châm. Cháu và bạn Dũng thường hay chui xuống gầm bàn và chơi cờ vua ở đó vì dưới gầm bàn cháu cảm thấy một không gian riêng của trẻ em. Lớn hơn cháu được giúp Ông sắp các quân cờ vào các túi nylon riêng rồi cho vào các bao tảiCó rất nhiều bao tải quân cờ. Sau đó Ông chở các bao tải quân cờ đi và thường về nhà rất muộn (bà Ngoại thường hay cằn nhằn Ông về việc Ông đi hội cờ tối ngày). Về sau cháu hiểu ra Ông mang các bộ cờ đến các lớp học cờ buổi tối để truyền bá môn cờ Vua. Nhà ta tràn ngập các tạp chí về cờ từ Liên Xô gửi về. Tuy lúc đó cháu mới học đầu cấp 1, Ông đã dạy cháu cách đọc sách cờ, các ký hiệu và hướng dẫn cháu cách đi các thế cờ khác nhau. Đến hè, một trong những hoạt động cháu yêu thích là ngồi di chuyển các quân cờ trên bàn cờ theo sự hướng dẫn của Ông. Lúc đó cháu không hiểu lắm nhưng thấy rất thích vì cháu được ngồi ở một bên bàn cờ đối diện với Ông. Ngày nào Ông c

ũng viết bài và gửi một vài thế cờ khó cho các báo. Chữ viết của Ông rất đặc biệt và cháu rất thích chữ ký của Ông (đầy đủ cả họ tên). Lớn hơn một chút cháu học tập cách ký như Ông. Cách đây vài năm hai chắt Nhung và Liên cũng may mắn được Ông hướng dẫn chơi cờ vua và đến nay Liên rất ham mê môn thể thao trí tuệ này.

Từ bé đến lớn lúc nào cháu cũng cảm nhận thấy Ông luôn chăm sóc lo lắng cho chúng cháu. Những trưa hè nóng bức bị mất điện thời bao cấp, lúc nào thức dậy cháu cũng thấy Ông đang cầm chiếc quạt nan trên tay quạt cho cháu. Kể cả lúc cháu đã đi làm, mỗi lần cháu qua nhà, Ông lại lấy chăn gối cho cháu nằm và sách báo cho cháu đọc. Ông đã dậy cháu tỉ mỉ từ những kỹ năng trong cuộc sống như đi xe đạp, cách ăn mặc đến những điều tôt đẹp như ăn mặc giản dị, nhường nhịn mọi người luôn phải tránh xa các đám đông. Trời lạnh, Ông thường nhắc mặc nhiều lớp áo thì sẽ cách nhiệt và giữ ấm cơ thể. Ông thường chuẩn bị lát gừng trong người và muốn mọi người trong gia đình làm theo để đề phòng cảm lạnh. Ông thường nói với cháu “thấy đám đông nhớ tránh xa không nhỡ họ ném đá vào đầu thì bị vỡ đầu”... Ông rất để ý quan sát và lo lắng mỗi khi thấy có điều gì có thể gây nguy hiểm cho cháu.

Từ khi cưới chồng, cháu đeo nhẫn cưới. Lần nào gặp, Ông cũng nhắc cẩn thận, phải che đi và kể những ví dụ kẻ gian làm hại người để cướp đồ. Nhiều hôm đến nhà Ông, nếu có đeo đồ trang sức thì cháu cũng bỏ vào trong áo hoặc tháo ra trước khi vào nhà vì cháu luôn cảm nhận được ánh mắt lo lắng của Ông mỗi khi nhìn thấy cháu mang đồ trang sức. Thực ra, những lúc đó cháu hay thầm nghĩ Ông đang lo lắng quá mức nhưng bây giờ nghĩ lại cháu mới hiểu đó là do Ông rất yêu thương chúng cháu. Khi đã lập gia đình, nhà cháu cách nhà Ông vài trăm mét. Đến những năm Ông đã 90 tuổi, mỗi lần cháu qua nhà Ông buổi tối, lúc đi về Ông cũng vẫn nhất quyết đi theo đưa cháu về nhà vì sợ cháu không được an toàn. Những lúc cháu không đồng ý thì Ông vẫn đi theo nhưng đi lùi lại phía sau đủ để quan sát. Về sau khi Ông yếu hơn, Ông luôn nhìn đồng hồ và nhắc cháu đi về sớm.

Từ bé quan sát Ông chăm sóc Bà Ngoại và gia đình, trong tâm thức cháu đã cảm nhận cháu mong muốn có một người bạn đời có những đức tính như Ông. Ông Bà cách nhau 10 tuổi nên Ông rất chiều chuộng và nhường nhịn Bà. Cháu nhớ Ông luôn mắc màn và chuẩn bị chăn gối cho Bà trước khi đi ngủ. Và mặc dù Bà Ngoại thỉnh thoảng hay cằn nhằn Ông không bao giờ phản đối. Chỉ có một điều là hình như Ông không biết nấu ăn. Quan sát sự chăm sóc ân cần của Ông đối với Bà, từ bé cháu đã nghĩ người bạn đời nhiều tuổi hơn thì sẽ chăm sóc và nhường nhịn người vợ hơn.

Ông có rất nhiều bạn bè thân thiết. Từ bé cháu nhớ là nhà ta luôn luôn có khách là các bạn của Ông và các con cháu của những người bạn. Ai cũng rất quý trọng và thân thiết với Ông. Ông cũng đi rất nhiều. Tuy đã về hưu nhưng lịch làm việc của Ông dày đặc. Sáng nào Ông cũng đạp xe đến hội cờ. Ngoài ra Ông đi thăm các bạn bè thân hữu và họ hàng. Ông có trí nhớ phi thường. Ông nhớ tất cả các ngày giỗ, lễ của rất nhiều họ hàng và bạn bè thân thích, và Ông rất giỏi về lịch sử và kinh điển (có lẽ em Mai Anh và chắt Nhung được thừa hưởng khả năng này của Ông). Ông đọc rất nhiều và đến trên chín mươi tuổi Ông vẫn tự hào là Ông đọc sách báo không cần dùng kính. Tuy nhiên Ông không bao giờ yêu cầu mọi người trong gia đình phải có được các khả năng như Ông. Ông thường viết các công việc phải làm lên cửa gỗ để mọi người không quên. Chiếc bảng đen của tổ dân phố ở tầng một cũng luôn mang các dòng chữ của Ông trên đó cho đến gần đây.

Một trong những ảnh hưởng lớn Ông truyền lại cho cháu là sở thích đi du lịch và khám phá. Cháu may mắn được Ông đưa đi rất nhiều nơi, từ Bắc vào Nam, từ các trại giam đến các nơi danh lam thắng cảnh, các giải cờMột ấn tượng lớn là đến đâu Ông cũng có những người bạn thân thiết, được mọi người đón tiếp rất thịnh tình.

Khi cháu còn bé, Ông đưa cháu đi xem những giải cờ giao hữu do các đại kiện tướng cờ vua thế giới đến Việt Nam (cháu vẫn nhớ là rất thích các đồng hồ tính giờ và các sắp xếp bàn của buổi thi đấu giao hữu). Cháu được Ông đưa đi rất nhiều nơi, và nhiều nơi cháu nghĩ em Thu và cháu là những đứa trẻ duy nhất được vào. Trên đường đi Ông thường giảng giải cho cháu về lịch sử, nguồn gốc của các địa điểm. Ông vẫn giữ thói quen đi du lịch đến những năm gần đây. Cháu nhớ năm nào Ông cũng tham gia các giải cờ quốc gia ở trong Nam ngoài Bắc đặc biệt là Vũng Tàu, và năm nào cơ quan Ông công tác cũng bố trí cán bộ đưa Ông đi du lịch. Trên 80 tuổi Ông vẫn đi Malaysia, Singapore, Vạn Lý Trường Thành. Ông dạy chúng cháu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Cháu nhớ kể cả những khi cháu nghịch ngợm nhất Ông cũng chưa bao giờ mắng cháu. Gần đây, khi các chắt đến chơi Ông mang hết các đồ chơi và bầy ra phòng khách để các chắt tự do chọn và chơi theo ý muốn, còn Ông thì ngồi thích thú quan sát. Sống với Ông Bà đến năm 11 tuổi cháu chuyển sang ở với Ông Bà Nội. 11 năm đầu tiên trong đời được Ông Bà chăm sóc có lẽ là quãng thời gian hạnh phúc, êm đềm và quý giá nhất trong cuộc đời cháu.

Ông Ngoại ơi, giờ Ông đã đi xa mãi mãi. Không còn Ông Bà trên đời nữa, nhưng những hình ảnh và ký ức về Ông Bà vẫn theo chúng cháu mãi mãi. Cháu ước gì thời gian quay trở lại, để cháu lại được ở bên Ông Bà. Nghĩ lại, cháu thấy nhiều lúc mình thật vô tâm đã không dành nhiều thời gian ở bên Ông, chăm sóc Ông những tháng ngày cuối cùng. Cháu mong Ông tha thứ cho cháu, chúng cháu rất yêu quý Ông Bà và mong Ông Bà yên giấc ngàn thu.

Cháu ngoại Tô Minh Hương

Previous
Next Post »