Món quà quí giá ngày Đại lễ 1000 năm.

Trong chi Cụ Quang tôi biết có nhiều vị am hiểu lịch sử, cổ học nên khi biết tin Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới là hiểu rõ ngay giá trị của sự kiện này.

Tuy nhiên đối với nhiều thành viên chi họ, trong đó có tôi chưa có điều kiện tìm hiểu rõ lí do vì sao Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được đón nhận quyết định ấy. Vì thế tôi xin được trích đoạn thông tin trên “Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ” để quí vị cùng tôi tham khảo (những đoạn trong ngoặc kép).

“Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú. Ủy ban di sản thế giới đã công nhân khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí (trong số 6 tiêu chí của UNESCO).

Theo tiêu chí số 2, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Theo tiêu chí số 3, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Theo tiêu chí số 6, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.”

Nghe tin về quyết định này của UNESCO, lại hiểu được tường tận lí do như thế giúp ta thấu hiểu ý nghĩa của “Việc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, là sự tri ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau, cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội Thủ đô và đất nước”.

Phạm Lê

Previous
Next Post »
3 Komentar
avatar

Việc Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới có 2 điều mừng lớn :

a/ Đó là một kết quả kịp thời chào đón Đại Lễ 1000 năm Thăng Long
b/ Có diều kiện được nhận kinh phí từ Quĩ di sản thế giới với những điều khoản nào đó, góp phần bảo tồn di sản HTTL có hiệu quả

P.V.D

Balas
avatar

Việc Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới có 2 điều mừng lớn :

a/ Đó là một kết quả kịp thời chào đón Đại Lễ 1000 năm Thăng Long
b/ Có diều kiện được nhận kinh phí từ Quĩ di sản thế giới với những điều khoản nào đó, góp phần bảo tồn di sản HTTL có hiệu quả

P.V.D

Balas
avatar

Hoàng thành Thăng Long là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống kinh đô của VN. Thành Thăng Long mới đầu có tên là Đại La được đắp vào năm 866. Tên Thăng Long ra đời sau khi vua Lý Thái Tổ tuyên chiếu dời đô chuyển kinh thành từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La năm 1010. Kinh thành Thăng Long được xây theo mô hình “tam trung thành quách” gồm: La thành (vòng ngoài cùng), Hoàng thành (vòng thành thứ hai) và lớp trong cùng là Tử Cấm thành. Khu quần thể di tích này thật sự trở thành một trung tâm quyền lực chính trị dưới thời Lý, Trần, Lê. Dưới thời nhà Nguyễn, Hoàng thành Thăng Long được gọi là thành Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long là một chứng nhân hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt. Dưới lớp đất của nó chôn giấu tất cả thăng trầm của chiều dài 13 thế kỷ.
Hiện nay, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn lưu giữ được những di tích tiêu biểu: khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, cột cờ Hà Nội, Đoan môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu lâu, cửa Bắc...

Theo HÀ HƯƠNG tổng hợp (trên mạng)

Balas