Hoàng thành Thăng Long chính thức là Di sản văn hóa thế giới

- Lúc 6h30 sáng ngày 1/8 giờ Việt Nam (tức 20h30 tối ngày 31/7 giờ Brazil), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam chính thức được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.


Tin nóng vừa được TS Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản văn hóa báo về đã kết thúc chuỗi ngày nỗ lực của Việt Nam để chinh phục danh hiệu di sản thế giới thứ 6 trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thứ 900 được công nhận di sản thế giới.
Trước đó, tại vòng 2, hồ sơ đề cử của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay (Defer).
Tuy nhiên, quyết tâm tổng thể của Chính phủ Việt Nam với các cam kết vững chắc sẽ bảo vệ di sản và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của ICOMOS sau khi di sản được công nhận, quyết tâm bền bỉ của các nhà khoa học để "bác" lại một số những nhận định chưa chính xác về chuyên môn của ICOMOS, và "căng thẳng" nhất là những nỗ lực của các thành viên đoàn Việt Nam đang có mặt tại Brasilia đã thuyết phục được 18 trong số 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới.
Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất (Năm 1972, UNESCO thông qua Công ước quốc tế về Bảo vệ các Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới. Uỷ ban Di sản Thế giới được thành lập năm 1976 và những di sản đầu tiên trên thế giới được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới vào năm 1988).
Trước Khu di tích trung tâm HTTL, Việt Nam đã có 5 di sản thế giới (trong tổng số 890 di sản thế giới đã được công nhận tính đến trước kỳ họp này), trong đó có 3 di sản văn hóa (Quần thể di tích cố đô Huế - 1993, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn - đều năm 1999) và 2 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long - 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - 2003), trong đó Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận sớm nhất năm 1993, còn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản "gần nhất" được công nhận (vào năm 2003) của Việt Nam
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới đang diễn ra tại Brasilia, thủ đô của Brazil từ 25/7 đến 3/8. 39 hồ sơ đề cử sẽ được xem xét tại kỳ họp này, trong đó có 8 đề cử di sản thiên nhiên, 29 đề cử di sản văn hóa và 2 đề cử di sản hỗn hợp. Ngoài ra sẽ có 9 hồ sơ đề nghị mở rộng phạm vi và giá trị di sản (đã được công nhận trước đó).
• Khánh Linh Vietnamnet
,
Previous
Next Post »
2 Komentar
avatar

Xin chúc mừng Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giờ. Thực sụ là món quá lớn cho ngày Đại lễ 100 năm. Tôi mong muỗn cacsnhaf khoa học làm sao bảo tồn và phát huy được y nghĩa của di sản này. Ví như tạo dựng lại phối cảnh ngày xưa, để mọi người được chiêm ngưỡng. Thực ra với những mẫu hiện vật như ngày nay, chỉ những sử gia, hoặc những người am hiểu khảo cổ mới thấy được giá trị của những cổ vật và những nét hoa văn gốn sứ cùng với niên đại của nó. Còn lại số đông trong đó có cả tôi, cũng chỉ cảm nhận, tự hào theo "đài, báo" vì không có kiến thức và cũng chưa được một lần mục sở thị. Tôi nghĩ giả sử Hoàng Thành có thể được nhìn thấy cụ thể như Tháp ngiêng Piza, đấu trường Colusseum ở Italia ,khi đó chẳng cần phải có kiến thức mà chỉ cần một giây phút đứng ngắm, cũng đã đủ thấy sự vĩ đại kì tích rồi.

Balas
avatar

Tôi xin sửa Đại lễ 1000 năm chứ không phài là 100 năm, như đã viết sót số o.

Balas