Phục dựng và bảo tồn phố Lãn Ông

LanOngb1.jpg

Lãn Ông là một trong số ít các con phố thuộc Khu Phố cổ Hà Nội không những giữ được nghề truyền thống Đông Nam dược mà còn làm cho nghề ngày càng phát triển. UBND quận Hoàn Kiếm đã chọn phố Lãn Ông để bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ mặt tiền của các ngôi nhà trên phố nhằm tái hiện nét đẹp cổ kính của các ngôi nhà, qua đó, tạo thêm sức hút cho khu phố cổ Hà Nội.

Lịch sử một phố nghề
Phố Lãn Ông nằm ở trung tâm Khu Phố cổ Hà Nội, trước gọi là phố Phúc Kiến, một phố cũ của Thăng Long xưa. Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. Những nhà buôn thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến thời kỳ đầu là những người ở làng Đa Ngưu (huyện Vãn Giang - Hưng Yên), họ Phó. Tên gọi Lãn Ông được lấy từ bút danh "Lãn Ông" của lương y Lê Hữu Trác (sinh năm 1724), một lương y nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII. Đây cũng chính là tuyến phố có nhiều cửa hàng bán thuốc đông y nhất từ xưa đến nay.
Những năm đầu thế kỷ XX, nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là nhà một tầng. Ngôi nhà xây hai tầng đầu tiên ở phố Phúc Kiến là nhà số 53


(Ảnh gia đình )
Sự chuyển biến về hình thức, đặc điểm kiến trúc của các công trình nằm trên truyến phố này diễn ra khá mạnh vào đầu thế kỷ XX với xu hướng thay đổi, tiếp nhận các đặc trưng phương Tây như: Ban công, mái đua, mở cửa sổ hình chữ nhật có vòm cuốn… Sau năm 1930, các mặt tiền công trình mới mang hình thức kiến trúc kiểu thuộc địa và Artdeco. Vật liệu sử dụng cũng phong phú hơn trước: Sàn đổ bê tông, tường xây gạch.
Phố Lãn Ông
Phố Lãn Ông
Đoạn phố Lãn Ông dài 180m từ ngã tư Hàng Ngang đến ngã tư Thuốc Bắc. Hiện trạng từ ngã tư Hàng Ngang đến Hàng Cân dài 60m đã thay đổi ngành nghề kinh doanh đồ dùng trẻ em, đồ gia dụng…; từ ngã tư Hàng Cân đến Thuốc Bắc dài 120m vẫn còn giữ được khoảng 85% các hộ gia đình làm nghề thuốc truyền thống.
Để từng bước bảo tồn, phát huy giá trị Khu Phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh Đông nam dược Lãn Ông. 42 biển số nhà trên đoạn phố dài 120m (từ đầu từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc) được chỉnh trang, khôi phục phần mặt đứng những nét kiến trúc cổ.
Để thực hiện dự án này, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát hiện trạng, đánh giá loại hình kiến trúc, những giá trị văn hoá của 42 biển số nhà. Từ cơ sở này, các chuyên gia đã đề ra phương án cải tạo cụ thể cho từng ngôi nhà, gồm các yếu tố: Hình thức kiến trúc mặt đứng, hệ thống mái, hệ thống cửa, hệ thống mái hiên, biển hiệu, màu sắc của các công trình... theo hướng khôi phục những yếu tố nguyên gốc, cải tạo những yếu tố xây mới theo phong cách kiến trúc truyền thống. Đa số người dân ủng hộ công tác chỉnh trang, bảo tồn phố cổ bởi bởi lâu nay, nhiều người dân có nhu cầu sửa chữa nhưng việc xin phép sửa chữa tại đây vướng nhiều thủ tục (do đã được công nhận là Di tích quốc gia), đặc biệt là nếu sửa người dân cũng không biết nên định hướng sửa theo lối kiến trúc nào. Nhưng khi triển khai dự án chỉnh trang, bảo tồn có sự tham gia của các chuyên gia, của các kiến trúc sư, người dân trên phố rất yên tâm. Ngoài số tiền được ngân sách hỗ trợ, nhiều gia đình còn bỏ thêm tiền để sửa chữa.
Bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị
Với giá trị vật thể và phi vật thể đặc trưng, không gian phố Lãn Ông là một trong những không gian đang được chú trọng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị.
Trên thực tế, trước sự biến đổi từ sức ép đô thị hóa, toàn cầu hóa, nhiều phần của không gian phố Lãn Ông cũng như hoạt động nghề y dược đặc trưng đang ít nhiều thay đổi. Các công trình kiến trúc trên con phố đã và đang bị hỗn tạp hóa. Các công trình cổ chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa - những nhân chứng sống về nghề thuốc Đông Y đang dần bị lu mờ so với các công trình mới, cao tầng. Sự cơi nới trên mặt đứng các công trình cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu, giá trị thẩm mỹ của các công trình giá trị này.
Thêm vào đó, các yếu tố hạ tầng kĩ thuật đô thị thiếu đầu tư nghiên cứu cùng sự xuống cấp đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không gian phố Lãn Ông. Do đó, việc chỉnh trang phố Lãn Ông được thực hiện trên nguyên tắc: Giữ nguyên vị trí, cấu trúc, bố cục không gian phố Lãn Ông. Tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động nghề Y dược truyền thống. Đồng thời, duy trì không gian đường phố, vỉa hè, cải tạo chỉnh trang đường không gian tuyến phố. Hạn chế việc xây dựng các công trình lớn ảnh hưởng không gian phố cổ. Cải tạo nâng cấp các hạng mục kĩ thuật hạ tầng như: hà ngầm mạng dây điện, nâng cấp chiếu sáng đô thị, bổ sung cây xanh, bố trí bãi đậu xe.
Đối với những ngôi nhà kiến trúc Việt truyền thống, giải pháp bảo tồn với công trình này là bảo tồn nguyên trạng, cải tạo lại không gian sống cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đối với những công trình kiến trúc thuộc địa: Giải pháp cho những ngôi nhà kiến trúc này, là bảo tồn nguyên trạng phần kiến trúc mặt đứng công trình, lớp trong có thể cải tạo, nâng tầng theo “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội” ban hành kèm theo Quyết định 45/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội ngày 04/06/1999. Cho phép thiết kế xây dựng mới lớp trong trên cơ sở khai thác đường nét kiến trúc cũ, không gian cũ, mái lợp ngói tây, khuyến khích dùng vật liệu truyền thống. Đối với những công trình kiến trúc art deco: Giải pháp cho công trình loại này là cải tạo, nâng cấp không gian. Kiến trúc có thể áp dụng giống như ngôi nhà có phong cách Châu Âu.
Lâu nay, vấn đề nan giải nhất trong bảo tồn khu phố cổ chính là bảo tồn như thế nào? Bởi đây chính là một di sản sống. Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Nên bảo tồn phía mặt tiền, còn phía bên trong, nên cho người dân cải tạo để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Năm 2011, với sự hỗ trợ của TP Tolouse (Pháp), một đoạn phố Tạ Hiện dài 52m đã được chỉnh trang, tu bổ mặt đứng.
Sau khi hoàn thành công tác chỉnh trang, đoạn phố này đã mang dáng vẻ cổ kính và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại khu phố cổ. Có thể coi đây là một thành công lớn hơn ngoài mong đợi và mở ra hướng bảo tồn phố cổ nói chung. Với phố Lãn Ông, mặc dù hiện nay dự vẫn đang trong giai đoạn thi công (đã hoàn thành chỉnh trang, bảo tồn 12 biển số nhà, đang thi công 7 biển số nhà) nhưng nhiều chuyên gia về kiến trúc đô thị đã đánh giá đây là phương án bảo tồn hợp lý đối với bối cảnh kinh tế - xã hội của Hà Nội nói chung, khu phố cổ nói riêng.
(Theo Kinhtedothi)
Previous
Next Post »