Trở lại Tuần Châu.

Mấy hôm nay đang ở Tuần Châu đọc được bài về nhân điện của bác Di, mấy lời kêu gọi nhập môn của Tuấn Minh. Mừng cho gia đình bác Di, cả nhà đã có chứng chỉ bậc này, bậc kia mà theo Minh đánh giá là có kết quả tốt. Về nhân điện tôi cũng đã nghe nói đến từ mấy năm nay, có nhiều người tự nhận chữa được bệnh bằng nhân điện. Cách nay mưoi năm, tôi được một người chữa đau bả vai bằng nhân điện, nhưng kết quả lại phải nhờ đến tây y. Thành ra nghe tới nhân điện, xin lỗi tôi cũng có phần hơi ngại. Nay bố con bác cả Di phân tích, vận động nghe ra cũng có lý. Nhưng tôi nghĩ nhập môn là một quá trình ứng với từng người, không thể đại trà như nhau. Vì thế xin hãy lui lại một thời gian suy ngẫm xem sao.

Những ngày tháng 6 cực nóng này, tôi lại có dịp trở lại khu nghỉ mát Tuần Châu, Hạ Long ít ngày

theo kiểu du lịch a rẻ khuyến mãi. Ngâm mình trong làn nước mát, đùa rỡn với những đợt sóng nhè nhẹ giữa trời nắng nóng 39, 40 độ đem tới một sự sảng khoái vô cùng. Khi màn đêm đến, từ ban công nhà biệt thự hai tầng trên ngọn núi cao nhìn ra biển đảo Hạ Long, Bãi Cháy với hàng trăm ngọn đèn lấp lánh như những vì sao trong tiếng sóng rào rào của biển cả, hay du thuyền dạo mát trên biển đảo mới thấy hết giá trị của những ngày nghỉ nơi đây.

Thông tin tham khảo được biết đảo Tuần Châu có diện tích khoảng 400ha, với hơn 1.500 nhân khẩu, cách quốc lộ 18A khoảng 2km và là đảo duy nhất trên Vịnh Hạ Long có cư dân sinh sống. Từ năm 1999 trở về trước Tuần Châu chỉ là một xã đảo nghèo, lạc hậu sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt rất thô sơ. Không có điện lưới, không có nước sạch, chỉ có các con đường mòn, không có các phương tiện giao thông cơ giới. Ngày nay, với một khu nghỉ mát nổi tiếng đã biến nơi "đảo nghèo" thành đảo Ngọc, như tên gọi Tuần Châu.

Nghe nói người góp công làm được điều phi thường ấy là ông Đào Hồng Tuyển, một cựu binh đoàn tầu không số trên biển hồi chiến tranh chống Mỹ. Chỉ xin kể công trình lkhởi đầu của ông đó là con đường vượt biển dài 2km, mặt cắt rộng 25m, hai làn xe có hành lang cho người đi bộ, đầu tư trên 80 tỷ nối liền tuyến đường 18A với đảo. Khởi công ngày 28-02-1998, đến ngày 08-02-1999 hoàn thành, chính thức nối đảo với đất liền. Điều mơ ước nhiều năm của người dân trên đảo đã thành hiện thực.

Khi tôi viết những dòng này, là lúc mỗi ngày có hàng chục đoàn xe chở du khách đổ xuống bãi biển Tuần Châu. Đến đây du khách có thể vui chơi thoải mái trên lớp cát trắng thoai thoải, tham dự các trò chơi trên bờ và dưới nước như bóng chuyền, bóng đá, lướt sóng, nhảy dù trên biển, mô tô trượt nước tốc độ cao, ngồi trên các xe Túc Túc lượn vòng quanh đảo. Tối đến du khách có thể xem ca nhạc nước, xem cá heo biểu diễn, nếm mùi vị ẩm thực hoặc dạo bước bên bờ biển lộng gió, rực rỡ ánh đèn.

Trở lại Tuần Châu lần này có hai đia chỉ tôi không thể bỏ qua. Một là công trình sân khấu mái vòm đồ sộ sản phẩm thiết kế, thi công do nhóm kĩ thuật của TS.Phạm Giao Đu, con trai Cụ Phạm Vĩnh Bảo thực hiện. Hai là lên tàu dạo mát trên biển Hạ Long, tìm lại cảm hứng nơi15 thành viên đoàn gia đình Cụ Quang vào tháng 7 năm 2008 đã rời đất liền lên tàu dạo biển Hạ Long nhân ngày ông Tiến, bà Minh tròn 60 tuổi (chuyến đi ấy đã được bà Anh mô tả trong một bài thơ tức cảnh Hạ Long, nhưng vẫn còn trong bản thảo). Năm nay khu vực ấy đã có thêm một bến cảng mới, hàng ngày có hai chuyến tàu cao tốc chở khách ra đảo Cát Bà (thời gian chạy tàu đi 45 phút và về cũng như thế).

Nhà ta vào năm 2010, đúng dịp “Thăng Long ngàn năm” cũng là năm chắn tuổi 55, 65, 70 của mấy thành viên gia đình, trong đó có bác trưởng thứ Phạm vĩnh Ngọc (70). Nghe phong thanh đâu như ông đã dự tính kế hoạch về một chuyến đi kỉ niệm hoành tráng, có thể sánh với chuyến du ngoạn năm ngoái do ông Tiến Phượng đài thọ.`Tôi biết, ông đã có nhiều kinh nghiệm góp ý tổ chức năm chẵn cho các vị cao niên nhà ta. Lần này lại là ngày kỉ niệm của chính ông, vì thế cho tôi hy vọng dự kiến ấy sẽ không phải là một “dự án treo” thường thấy, để tôi lại có dịp được trở lại Tuần Châu, du ngoạn thắng cảnh Hạ Long thêm một lần nữa.


Phạm Lê

(Ảnh 2,4 từ trên xuống tham khảo trên mạng)

Previous
Next Post »