NGƯỜI GIÀ VIỄN XỨ

THƯ TEXAS
Tuổi già tha hương
25/09/2008

THỦY NGUYỄN
(Texas, tháng 9-2008)

Người già sống ở hải ngoại không phụ thuộc con cháu về tài chính vì phần đông được tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng. Số tiền này không nhiều nhưng nếu biết gói ghém hai vợ chồng già có thể sống thoải mái, và còn dành dụm được chút ít gửi về cho thân nhân bên nhà khi cần...

Ảnh minh hoạ (nguồn:www.lh6.ggpht.com/)

Cái thật sự là rào cản giữa họ và thế giới bên ngoài, làm chậm khả năng hội nhập của họ với cộng đồng chính là ngôn ngữ để giao tiếp. Nhiều người lớn tuổi không thể tự mình lái xe một mình nên phải nhờ vào con cháu...

Do vậy, ở xứ người tuy là văn minh hiện đại nhưng cuộc sống của người cao niên thường chỉ gói gọn trong bốn bức tường của căn nhà, dẫu có tiện nghi cách mấy chắc cũng không bù đắp được cái “quyền” được nói và đi lại của họ!

Dì tôi năm nay ngoài 70, chồng mất, hồi mới qua Mỹ dì bảo rằng: “Ngồi đâu khóc đó!”. Giờ dì cũng đã quen với cuộc sống bên này, mỗi ngày con cháu đi làm hết chỉ có mình dì với cái võng và những đĩa cải lương chất đầy trong tủ. Cuộc sống của dì cũng không có gì khác mấy so với hồi ở VN, dì không ăn được pizza, hot dog hay hamburger... Sống ở Mỹ gần 20 năm nhưng chưa bao giờ dì đặt chân vào một cửa hàng fast-food nào cả. Dì có đông con cháu nên năm nào họ cũng thay phiên đưa dì về VN ăn Tết; bởi họ biết nếu không về được thì dì sẽ buồn và bệnh suốt cả một năm!

Tôi biết có hai vợ chồng già sang Mỹ theo diện HO ở tuổi ngoài 60. Tất cả con cái của họ đều ở lại VN vì đã trên 21 tuổi! Người chồng hồi mới sang được chính phủ giúp tìm được việc làm, còn người vợ lớn tuổi nên chỉ ở nhà giữ trẻ cho những gia đình người Việt gần đấy để kiếm thêm thu nhập.

Hai vợ chồng già sống hết sức tiết kiệm, những vật dụng họ xài đa số được tái sử dụng từ những nhà lân cận mang về mà tiếng bình dân gọi là “rác”. Từ cái máy hút bụi, lò vi ba, cho đến bộ bàn ăn, chiếc giường... đều từ thiên niên kỷ trước còn sót lại! Nhưng thật sự họ không nghèo chút nào! Ở Mỹ hơn mười năm, họ đã xây cho mỗi người con một căn nhà khá khang trang ở miền Trung quê họ! Họ bảo sẽ cố gắng làm và dành dụm một thời gian ngắn nữa để xin hồi hương về VN sống với con cháu. Ở xứ người bao năm họ mới thấm thía hết nỗi cô độc của tuổi già khi phải sống tha hương!

Có biết bao người lớn tuổi đã chết ở xứ người nhưng họ lại muốn được trở về yên nghỉ tại quê nhà. Một số không ít đã trăng trối với con cháu sau khi mất phải đem tro của họ rải ở biển Đông để họ được trôi về đất mẹ một mình. Chết là coi như đã hoàn tất một chu kỳ của sự sống, nhưng trước khi chết là bệnh tật và đau đớn khôn cùng. Do vậy, chỉ có viện dưỡng lão (nursing home) mới có đủ các y, bác sĩ và máy móc tối tân điều trị người cao niên. Còn con cái, có thương cha mẹ cách mấy cũng chỉ đến thăm trong những khoảng thời gian nhất định rồi về, vì họ còn phải đi làm kiếm tiền để trả những "núi" hóa đơn hằng tháng!

Tôi nhớ đến mẹ tôi đang còn ở bên nhà nay đã ngoài 70. Nhiều lần tôi muốn bảo lãnh mẹ sang ở với chúng tôi cho bà đỡ nhớ con cháu ở bên này, nhưng kịp nghĩ lại mẹ sẽ làm gì từ ngày này sang ngày khác trong căn nhà của tôi? Mẹ tôi sẽ không thể tự đi tập dưỡng sinh mỗi sáng, không thể đi chợ, đi chùa, đi bác sĩ một mình. Mẹ tôi thích sự độc lập, nếu phải lệ thuộc vào người khác những việc bà hoàn toàn có thể làm tốt một mình như đang làm ở VN, thì chắc có lẽ mẹ tôi sẽ buồn lắm vì mặc cảm vô dụng...

Thôi thì hãy cứ để mẹ tôi ở lại quê hương với niềm vui tuổi già của bà, bởi tôi hiểu người ta có thể chết vì buồn trước khi thật sự chết vì bệnh!

(theo Tuổi Trẻ)

Previous
Next Post »