Mình được ở với Ông suốt những năm học cấp 1, cấp 2, được xem ông chơi cờ ở nhiều nơi. Hồi đó mình không hiểu nhưng thấy các cô chú chơi cờ nói về những nước cờ của ông rất thán phục. Ông có thể chơi “cờ tưởng”- tức là không có bàn cờ mà chỉ nghĩ trong đầu, tính trước cả chục nước. Cũng có những giải đấu ông chơi một lúc cả chục ván cờ với chục người, cứ đi hết bàn này sang bàn khác.
Hồi đó ông đã nghỉ hưu, nhưng ngày nào, nắng cũng như mưa,
ông đều đạp xe từ Trung Tự đến Liên đòan Cờ ở phố Trần Phú để làm việc. Về nhà
ông viết sách, sưu tập các thế cờ hay ở các giải đấu quốc tế, dịch các tư liệu
về cờ từ các tạp chí của Nga, Trung Quốc làm tài liệu đào tạo cho các học sinh,
kỳ thủ. Hồi bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần tổ chức giải đấu là ông lại đạp
xe đi mượn từng cái đồng hồ thi đấu. Rồi đi đặt đúc quân cờ nhựa. Quân cờ hồi
đó chỉ bằng nhựa tái sinh, mỏng, nhẹ nên ông thường nhờ chị em mình cho vôi vào
trong để khô đi thì nó nặng, không bị di chuyển, bị đổ, rồi xếp thành từng bộ
cho ông. Còn bàn cờ thi đấu thì chỉ là bàn cờ giấy, có kẻ ô thôi. Môn cờ ít được
đầu tư, các giải đấu cũng không bán vé được nhưng ông cố gắng tổ chức để duy
trì và tìm kiếm năng khiếu để phát triển. Sau mỗi giải cờ ông lại phân tích,
góp ý cho các kỳ thủ để học tập.
Những năm 80 tuổi, ông vẫn đi tàu mấy ngày liền từ Bắc vào
Nam, để tổ chức các giải thi đấu. Bà và Mẹ thì sốt ruột lắm nhưng ông hăng hái,
không thể cản được. Ông không muốn phiền ai nên thanh niên thế nào thì ông như
thế. Các giải cờ quanh Hà Nội thì ông đạp xe hay đi xe buýt đến dự. Sau này con
cháu không cho ông đi xe đạp xa nữa thì ông mới chịu đi xe ôm.
Không chỉ cờ tướng, mà cờ vua, và sau này là cờ vây ông cố gắng
hết sức để đưa vào Việt Nam và phát triển. Biết ai có khả năng, ông đều giúp đỡ
để phát triển. Ông gắn bó với sự phát triển của bộ môn cờ cả cuộc đời. Ông tự
hào là môn cờ là một trong số ít bộ môn mà Việt Nam có nhiều thành tích cao ở
các kỳ thi quốc tế.
Nhà báo Võ Tấn, Tổng biên tập Tạp chí Người chơi cờ đã viết về
Ông: “Có thể khẳng định rằng từ xưa đến nay trong làng cờ Việt nam ta, chưa có
một tấm gương nào tài đức vẹn toàn như thế, chưa có một tên tuổi nào phục vụ
cho nước nhà lâu dài như thế và cũng chưa thể có một ai nhận được sự tin tưởng
và tôn kính một cách tuyệt đối như thế. Tất cả, đó chính là lão tướng LÊ UY VỆ
của chúng ta, con người để chúng ta yêu quý và tự hào.”
Ngày nay, tại Chùa Vua ở Hà Nội, nơi được coi là Trung tâm cờ
tướng của Hà Nội, có bia tượng niệm Ông, một Kỳ Vương đất Bắc
Tô Minh Thu
0 Komentar