Đôi điều về ca khúc: 'NỔI NHỚ MÙA ĐÔNG" của Phú Quang

ĐÔI ĐIỀU VỀ NỔI NHỚ MÙA ĐÔNG
Sáng nay sau khi đăng video nhạc lên trang face cá nhân do tôi chèn lời, bạn face của tôi Trần Lộc Hà có hỏi anh có biết ai viết bài thơ để cho Phú Quang phổ nhạc NỔI NHỚ MÙA ĐÔNG không ? Thực lòng tôi không biết vì cứ tưởng nhạc và lời đều của Phú Quang nhưng thực tế là người viết lời cho ca khúc này là nữ thi sỹ Thảo Phương (tên thật là Nguyễn Mai Hương) sinh năm 1948 ở Hà Nội, là chị ruột của phó thống đốc ngân hàng nhà nước Việt nam Nguyễn Đồng Tiến.
Chị sang Hungary học kỹ thuật năm 1966. Về nước năm 1972 rồi lấy chồng và có 4 người con. Sau này cuộc sống gia đình tan vỡ, Thảo Phương đưa con vào Sài Gòn sống, một mình bươn chãi nuôi 4 người con. Chị mất ngày 20-10-2008 lúc mới ngoài 50 vì bạo bệnh.
Bài thơ của Thảo Phương mà nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc ban đầu có tên là KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG sau đó có chỉnh sửa một số câu có tên là NỔI NHƠ MUÀ ĐÔNG. Các bạn cũng nên đọc KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG ban đầu của chị và bài viết của chính Phú Quang viết về Chị khi hay tin chị mất để hiểu hơn về ca khúc NỔI NHƠ MUÀ ĐÔNG và thấy được thơ và nhạc gắn bó với nhau thế nào. Viết được những lời hay và sâu sắc như thế chỉ có những người đã sống và gắn bó với Hà Nội lâu năm và chỉ có thể là những vần thơ của phái yếu mới có chiều sâu của tâm hồn như vậy...
>>>>>>>>>
KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG
Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?
Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,cũng bỏ ta rồi.
Làm sao về được mùa đông?
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy.
Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.
Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đang về!
SG - 8.1992
Bài viết của chính Phú Quang viết về Chị khi hay tin Thảo Phương mất
*************************
Tôi đang ngồi viết đề cương tổ chức đêm nhạc “6.0” kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình thì nhận được điện thoại của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từ Sài Gòn báo tin: Nữ sĩ Thảo Phương đã qua đời! Bất giác tôi nghe cái lạnh đêm Hà Nội tràn vào căn phòng. Thảo Phương cùng tuổi với tôi, và là người cùng tôi làm nên ca khúc “Nỗi nhớ mùa đông” được khán giả yêu mến gần 20 năm qua. Bất giác tôi hát lên khe khẽ: “Làm sao về được mùa đông, mùa thu cây cầu đã gãy". Tôi còn nhớ, một buổi chiều cuối thu năm 1988, tôi gặp nhà thơ Thảo Phương trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Sau mấy câu chào hỏi, chị đưa cho tôi đọc bài thơ “Không đề gửi mùa đông”. Bài thơ ngắn thôi, chỉ có mười câu, nhưng cho tôi linh cảm sẽ có được một ca khúc hay. Đêm ấy, tôi về nhà và viết những nốt nhạc đầu tiên dựa trên bài thơ của Thảo Phương. Những câu chữ khắc khoải từ “Không đề gửi mùa đông” cho tôi nỗi nhớ mãnh liệt về cố hương xa xôi của tôi. Tôi tựa vào trắc ẩn “dường như ai đi ngang cửa” của Thảo Phương để nói thêm ám ảnh “gió mùa đông bắc se lòng” cho riêng mình. Sự thật, nếu không có “Không đề gửi mùa đông” thì tôi không thể có “Nỗi nhớ mùa đông”. Tôi giữ lại được những câu quan trọng nhất trong bài thơ của Thảo Phương, chỉ tiếc không phổ nhạc được hai câu khá hay là “Lá vàng chìm bến thời gian. Đàn cá im lìm không quẫy”. Thảo Phương cũng rất chia sẻ với tôi điều này, vì ca từ khác với lời thơ, ca từ phải cảm nhận được ngay lập tức. Hơn nữa, còn phải phù hợp với khúc thức trong một tác phẩm âm nhạc!
Thảo Phương là một người đàn bà vất vả. Chị tài hoa và đam mê, nhưng trời không dành cho những đãi ngộ may mắn. Tôi không phải yêu thơ chị đến mức hâm mộ, nhưng mỗi lần đọc thơ chị đều thấy những câu hay, cồn cào gan ruột. Tôi nghĩ, thơ Thảo Phương là kết quả cuộc đời của chị. Thảo Phương sống thật, sống hết khát vọng. Chị chân thành trong cả sự hay lẫn sự dở. Mà ở cõi dương gian nhiều thị phi, chân thành đã là phẩm chất đáng quý lắm rồi! Như tôi đã nói, đêm nhạc “6.0” vào tháng 11 sắp tới, không thể thiếu “Nỗi nhớ mùa đông”. Tuy nhiên, bây giờ nữ sĩ Thảo Phương không còn nữa, tôi sẽ dàn dựng “Nỗi nhớ mùa đông” như một bài thánh ca để tiễn đưa một người bạn, một nhà thơ đã khuất!
Tôi ở Hà Nội, không có điều kiện tiễn đưa Thảo Phương. Tôi gửi mấy dòng này nhớ thương chị! “Làm sao về được mùa đông”, phải không Thảo Phương?


Previous
Next Post »