Chuyện chi họ ta "Quanh chiếc đàn Piano"

Nói về đàn Piano ở chi họ ta từ thế hệ con tới cháu, chắt, chút của cụ Quang Yến thế hệ nào cũng có những người am hiểu và biết chơi ở những mức độ khác nhau.
Đầu tiên ở hàng cháu có thể kể tên Ngọc Khanh (nhà Anh Hải), Bạch Hoa (nhà Di Chi), Phi Nga (nhà Ngọc Phi), Tuấn Khoa (nhà Tiến Phượng) nghe phong thanh biết chơi đàn (còn mức độ thế nào, quả thực tôi không rõ vì chưa được nghe). Nhưng ở mức thành danh gắn với cây đàn Piano phải kể tới cặp vợ chồng nhạc sĩ Việt Hùng và cô giáo chuyên ngành Piano ThS.Thiều Hương tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp.(Ảnh bên Hạnh Linh trình diễn báo cáo kết quả kỳ học).
Đông hơn cả là ở thế hệ chắt có nhiều cháu đã ít nhiều học qua trường lớp hoặc tại gia như Minh Hương (nhà Vinh Việt), Ngọc Mai (nhà Khanh Hà), Đa Vít, Gia Minh (nhà Hoa Minh), Minh Trang, Minh Khuê (nhà Nguyệt Cường) Hạnh Linh, Bảo Hân (nhà Hùng Hương) và hai chị em Ngọc Ly, Ngọc Long (nhà Cường Uyên ở CHLB Đức).Cuối cùng không thể không nói tới bốn chút (cháu ngoại bà Lê Hồng Vinh) Hương Nhung, Hương Liên (nhà Tô Minh Hương) và Thu Hòa, Đức Nguyên (nhà Thu Minh) có học và chơi được nhiều bản nhạc.
Theo tôi đứng hàng đầu chi họ ở hàng chắt, chút và có nhiều triển vọng nhất phải kể tới chắt Hạnh Linh và Ngọc Mai đang theo học hệ trung cấp và chắt Minh Khuê (nhà Nguyệt Cường) sang năm sẽ thi vào hệ trung cấp cùng Học viện âm nhạc QG Việt Nam. Tiếp theo là chút Hương Nhung tuy thời gian học theo trường lớp không nhiều chủ yếu là học gia sư tại gia, nhưng nhờ có năng khiếu chơi đàn giỏi lại còn tự sáng tác bản nhạc riêng cho đàn Piano. Khi được hỏi góp ý cho bài viết này, bà xã tôi bổ sung chắt Ngọc Long đang ở CHLB Đức có lần đã chơi bản nhạc Piano bài “Bèo dạt mây trôi” được dàn nhạc 40 tay đàn hòa tấu, đón nhận sự trầm trồ tán thưởng của người nghe.
Quanh câu chuyện về đàn Piano người viết bài này nhớ lại chỉ ít lâu sau ngày cậu con trai ra đời (1975) đã đem chiếc xe Honda 67 của mình vào Hà Đông, dự tính đổi lấy chiếc đàn Piano để chờ vài năm khi cháu lớn lên theo học. Nhưng người ta ra giá tính ra phải bằng hơn hai cái xe ấy, tiếc đứt ruột thế là câu chuyện đổi chác đành gác lại. Mãi cho tới năm 2005 chúng tôi mới mua được một chiếc đàn cũ, dự tính về hưu tập tành cho vui tuổi già, nhưng chủ yếu là để khi lên chức ông bà cho các cháu có đàn tập luyện.(Ảnh bên Hương Nhung ngày sinh nhật bà Kim Nhu)
Thế rồi từ năm 2014 khi cô cháu nội Bảo Trân vào tuổi lên bốn được cô giáo Thiều Hương tư vấn, hằng tuần cứ vào chủ nhật bà nội lại đưa cháu tới trung tâm học, rồi hằng ngày ở nhà bà lại dành thời gian kèm cặp thêm (còn tôi nhận thổi cơm thay). Đến nay cháu mới học được một năm và đang ở kỳ 3. Không rõ có tiếp tục học lên được nữa không. Có lẽ cũng chỉ là học để biết, vì xét ra học rồi mà mãi chưa thấy năng khiếu phát lộ.        
Lại nhớ thời bao cấp nói đến đàn Piano, là nghĩ ngay tới các gia đình giàu có. Hồi còn nhỏ mỗi khi sang nhà ông Cầu Bây ở phố Lãn Ông, thấy chiếc đàn Piano bóng loáng phủ khăn trắng tinh mà ngắm mãi. Chỉ thế thôi chứ chẳng hề mơ ước vì có biết gì đâu về đàn Piano mà mơ, mà ở thời đó có mơ cũng chẳng bao giờ có được.
Ngày nay khi đời sống đã khá lên, việc mua và học đàn Piano thuận lợi hơn nhiều. Muốn mua thì tùy túi tiền có thể mua chiếc đàn mới tinh với giá lên tới mấy ngàn đô la, nhưng cũng có thể mua đàn cũ giá trên chục triệu. Còn việc học cũng có nhiều phương án lựa chọn như tới các trung tâm, học qua mạng, học gia sư tại gia theo chương trình hoặc là từng bài. Có điều học phí ngày càng tăng, tôi nhớ năm 2005 gia sư tới nhà thường dao động quanh 80 ngàn đồng giờ (45 phút), sau đó tăng dần lên 120.000đ, rồi 200.000đ. Nghe nói bây giờ là khoảng 400 ngàn đồng cũng thời gian như thế. Đấy là với các gia sư còn đang theo học ở các trường nghệ thuật hoặc mới vào nghề, còn nếu mời các giảng viên có bằng cấp thì còn cao hơn nữa.
Sẽ là thiếu sót khi đề cập tới đề tài này mà không nói tới thế hệ các con cụ Quang Yến đến nay người ít tuổi nhất sắp sang tuổi 69, người cao tuổi nhất ngấp nghé 80. Công bằng mà nói các vị ấy đều ít nhiều có hiểu biết và biết thưởng thức âm nhạc. Có vị trong đó như tôi, cũng gọi là biết bập bẹ tí chút về đàn Piano, nhưng theo kiểu “mổ cò”. Do quĩ thời gian có hạn, nên cũng chẳng còn màng tới việc hoc đàn như cánh trẻ. Nhưng bù lại luôn hưởng ứng khuyến khích con cháu học nhạc, học đàn (không chỉ riêng Piano). (Ảnh bên hai bà cháu Bảo Trân)
Tôi nghĩ các cháu chi họ đã nêu trên đây sau này có thành danh được hay không còn phụ thuộc vào nhiều thứ, quan trọng hơn cả là sự đam mê và khổ luyện được duy trì thường xuyên. Mà dù cho không thành danh thì việc “sớm nở, mai tàn” cũng là chuyện thường tình vì cuộc sống có nhiều ngã rẽ, nhiều đam mê và nhiều mục tiêu (chính, phụ) để chọn lựa và cả sự may rủi nữa...
Ngẫm ra mỗi người chỉ cần có thêm chút hiểu biết về âm nhạc, về đàn (không chỉ Piano) thì cuộc đời cũng đã thêm thi vị rồi. Không tin, hãy nhìn các cụ cao niên chi họ ta mà kiểm chứng.
Vĩnh Thắng
Previous
Next Post »
2 Komentar
Nhận xét này đã bị tác giả xóa. - Hapus
avatar

Thới bao cấp học và chơi đàn piano là những nhà khá giả, thời nay các gia đình trong chi họ đã quan tâm dạy dổ các cháu, các chút học piano là điều đáng mừng,mà Ô Thắng có công liệt kê trong bài viết trên.Nếu kể đến ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh thì hầu như các cháu biết chơi piano đã nêu, đều giỏi tiếng Anh.Đó là điều phần khởi trong hoàn cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới.Chúc mừng các cháu, các chút đã nêu trong bài viết của tác giả Vĩnh
Thắng !!!

Balas