Lễ hội Chùa Vua Năm 2014

Theo thông lệ từ hàng trăm năm nay, cứ từ ngày 6 đến hết ngày 9 tháng Giêng Âm lịch, tại chùa Vua trụ tại cuối phố Thịnh Yên, phường phố Huế lại diễn ra giải cờ tướng. Bố chúng tôi - Cụ Lê Uy Vệ đã đăng quang vô địch từ giải cờ này vào các năm 1939 - 1942. 
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ về Lễ Hội cờ người chùa Vua
Khi Cụ còn sống, năm nào Cụ cũng tham gia tổ chức giải này - đến khai mạc, lo thu xếp đội cờ người, dấu trình diễn vào đầu trận chung kết. Thỉnh thoảng vắng xe ôm, tôi đưa bố đến cổng chùa rồi đi chúc Tết tiếp chứ ít khi nán lại cùng bố. 
Sau này, khi bố yếu, tôi đưa bố đến nhưng chỉ dừng ít lâu rồi sợ bố mệt nên lại đưa về. Năm nay, phần vì cũng rỗi rãi hơn, phần vì chùa Vua đã xây dựng xong nhà bia lưu danh các quán quân nên hai chị em cùng hẹn đến chùa Vua xem giải chung kết. Thật ra, tôi đã có mặt từ ngày đầu tiên của giải. Bất kể ai từ 11 tuổi trở lên cũng có thể đăng ký thi đấu ở đây. Bắt dầu từ 8 giờ sáng ngày 6 các kỳ thủ tứ phương về đăng ký thi đấu. Cứ đủ 2 người là cặp đôi ngồi luôn vào bàn thi đấu bất kể tuổi tác và giới tính. Trước khi bắt đầu, ban tổ chức hướng dẫn thể thức, chỉnh lại đồng hồ để các kỳ thủ sử dụng. Từ 2 năm nay, UBND phường phố Huế đứng ra tổ chức giải cờ này. Nhà chùa chỉ cho mượn sân bãi và kho chưa các bộ bàn ghế. Các ngày 6, 7 là vòng loại, ngày 8 vòng bán kết và ngày 9 là chung kết - sáng tranh giải nhất nhì, chiều tranh giải ba, tư. Tôi có mặt ở chùa từ 8 đến 9 gờ sáng ngày 6 Tết thì thấy có khoảng 30 kỳ thủ (15 bàn) thi đấu. Kỳ thủ trẻ nhất là cháu nam 12 tuổi - khi hỏi thì cháu nói rằng năm ngoái đến muộn nên không đăng ký thi được. Kỳ thủ già nhất tóc đã bạc trắng xóa - chắc phải trên 60 tuổi. Chỉ có 2 kỳ thủ nữ còn trẻ. Xung quanh mỗi bàn thường có nhiều người vây quanh xem và bình luận. Năm nay nghe nói có trên 40 kỳ thủ tham gia vòng loại.
Sáng ngày 9 Tết, sân bãi chùa Vua trang hoàng lộng lẫy bới các băng zôn, câu đối, và rừng người ăn mặc màu sắc tươi rói. Đội cờ người ở xã Minh khai và đội múa sư tử của phường phố Huế đã có mặt từ 7 giờ 30. Tuy nhiên đến 8 giờ 30 mới bắt đầu khai mạc bằng bài diễn văn rất sinh động do nữ Chủ tịch mặt trận tổ quốc phường phố Huế đọc. Sau đó Phó chủ tịch UBND phường phố Huế đánh trống khai mạc giải. Tiếp đến đội múa lân diễu qua 1 hàng thẳng và đội cờ người 2 hàng xanh (nữ) đỏ (nam) đi vào. Sau màn khai mạc, đội cờ người tiến từng bước vòng vèo qua các hàng ở sân cờ theo nhịp gõ để rải quân vào đúng chỗ. Bên đỏ toàn nam thanh, bên đen toàn nữ tú. Sau đó, 2 cựu kỳ thủ thi đấu biểu diễn vài nước cờ (chơi nhanh như cờ chớp vậy). Cuối cùng mới đến 2 kỳ thủ tranh giải nhất nhì ra đấu. Năm nay là 2 kỳ thủ hoàn toàn mới - đó là Phùng Quang Chiến và Trần Quang Điệp. Đánh khâm phục là anh Trần Quang Điệp là người khuyết tật - phải ngồi trên xe lăn và khi thi đấu phải có thêm 1 người trợ giúp di quân và bấm đồng hồ. Thời gian thi đấu tối đa với mỗi kỳ thủ là 1 giờ. Chỉ đấu 1 ván duy nhất. Nếu hòa thì đấu thêm ván phụ chỉ khoảng 5 - 6 phút. Trong quá trình chơi luôn có 1 người bình luận các nước cờ bằng các câu thơ và câu hát. Trong các câu thơ đó, luôn gọi bên đỏ là chàng, bên đen là nàng, bàn cờ là bàn cờ tiên và khoảng cách giữa hai bên bàn cờ là sông ngân hà. Phải công nhận rằng người bình luận có vốn văn thơ về cờ rất nhiều nên hầu như mỗi nước cờ đều có ngay câu thơ ứng đối. Giải chung kết diễn ra rất căng thẳng thể hiện đẳng cấp của các kỳ thủ. Cả hai kỳ thủ đều phải sử dụng gần hết thời gian cho các nước cờ của mình. Năm nay, nhà đài VTV3 cũng có mặt và quay cảnh chơi cờ ít nhất là 30 phút. Do cũng không hiểu lắm về các nước cờ, lại bận việc nhà nên tiếc rằng cả hai chị em không ai lưu lại đến cùng. Ngày hôm sau ghé qua thì dược biết anh Trần Quang Điệp - kỳ thủ ngồi trên xe lăn đã giành giải nhất. Đây có lẽ là lần đầu tiên có nhà vô địch là người khuyết tật - thật đáng kính nể. Cũng không rõ giải thưởng thế nào nữa (ngày trước bố chúng tôi được thưởng lụa, tiền và được rước trên kiệu).
Cuối cùng hai chị em tranh thủ xem bia, các bảng lưu danh. Bảng lưu danh ghi danh sách các quán quân của giải chùa Vua từ năm 1935 cho đến nay và in ảnh 4 quán quân có thành tích quán quân 3 năm liên tục của giải gồm theo thứ tự thời gian - Cụ Lê Uy Vệ, chú Nguyễn Tấn Thọ, Đào Cao Khoa và Vũ Anh Quân. Theo tục lệ của chùa - các quán quân 3 năm liên tục của giải sẽ được khắc tên ở bia đá đặt giữa sân chùa. Như vậy hiện nay đã có 4 tên và sau này nếu ai đạt được thành tích trên thì sẽ được khắc bổ sung vào bia đá. Nghe sư trụ trì nhà chùa nói, riêng tiền gỗ làm nhà bia đã 100 triệu đồng (toàn làm từ gỗ lim). Chị Vinh đã góp vào đây 30 triệu đồng, còn bản thân tôi thời gian vừa qua quá căng thẳng về tài chính nên không đóng góp gì. 
Chúng tôi rất tự hào về việc bố chúng tôi đã được lưu danh tại ngôi chùa thờ thần Đế Thích, rất vui sướng sau nhiều năm tu bổ nhà chùa đã có sân cờ bằng đá với 4 chú nghê đặt ở 4 góc và có nhà bia đá kiến trúc đẹp. Vui sướng hơn là phong trào cờ mà Lễ Hội cờ người ở chùa Vua là một minh chứng vẫn được lớp lớp thế hệ người Việt duy trì và rất nhiều mầm non cờ (nhiều cháu thiếu niên nhi đồng) đã đến cổ súy và có dự định tham gia giải trong các năm tiếp theo. 
 Cờ người đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Lễ Hội đầu xuân của Việt nam (phổ biến hơn ở phía bắc). Tôi nhớ, hồi còn sung sức, bố chúng tôi luôn có mặt tại các hội cờ người từ ngày mùng 3 Tết (ở Văn Miếu), ngày 6 Tết (ở Thường tín), ngày 8 Tết (ở Đình Bảng), ngày 9 Tết (chùa Vua)...  
Cám ơn nhà sư trụ trì chùa Vua đã dành tâm sức để xây dựng "bàn cờ tiên", khôi phục nhà bia đá và tạo mọi điều kiện duy trì phong tục truyền thống cờ người thuần Việt này, cám ơn nhà ghi sử Duy Hải đã sưu tầm và công bố tư liệu về lịch sử cờ người tại chùa Vua, cám ơn UBND phường phố Huế đã đứng ra gánh vác vai trò tổ chức giải cờ người và nhà đài VTV3 đã đưa tin về giải. 
Cuối cùng xin trích dẫn hai bài thơ mô tả Hội cờ xuân do các tác giả tặng lại chùa Vua bằng cách khắc các bài thơ đó vào bảng đá.
Bài 1 do nhà thơ kiêm kỳ thủ Lê Kim Giao viết năm 2004 với tiêu đề Hội cờ Xuân
   Bài 1                                                 
 HỘI CỜ XUÂN
Xe pháo qua hà giữa tiết xuân
Cần chi phong tướng mới cầm quân
Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ
Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần
Bỏ ngỏ đình cung mưu cả nghĩa
Chăm lo sỹ tốt xét từng phân
Tháng Giêng ngày 9 dâng hương nguyện
Một khúc quân hành bốn bể ngân

Bài 2 do 1 tác giả vô danh viết vào mùa Xuân năm 2009
SÂN CỜ ĐÁ CHÙA VUA
Thạch trận dương xuân rực sắc màu
Này sông này nước lại không màu
Hai hàng binh lửa hai đường tiến
Bốn chú nghê xanh bốn góc chầu
Phật tử dâng hương hương đến đó
Kỳ tài tranh trí trí về đâu
Mũ xanh hài ngọc kìa cô tướng
Thơ hội chùa vua có nhớ câu
Sau đây là một số hình ảnh của Lễ hội Chùa Vua Năm 2014

Bài và ảnh của Hồng PhươngTạo video bởi Minh Lương


Previous
Next Post »