Kì ba và hết(*): Kí ức Sở Kiện

Buổi chiều ngày 8.4.2007, sau khi đã đến thăm Phố Cát, nhà ông Điềm và ông Khải ở làng Phú Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa, trên đường trở về Hà Nội chúng tôi quyết định đi tiếp chặng thứ ba của cuộc hành trình ngày hôm đó tới Sở Kiên thuộc tỉnh Hà Nam.
Rời đường quốc lộ số 1, chúng tôi rẽ vào con đường liên huyện hướng về Sở Kiên thẳng tiến. Vượt qua một chặng đường “sống trâu”gồ ghề, lên xuống gập gềnh xe chúng tôi cũng đến được Sở Kiện.
Tại đây vào ngày 7.7.1948, mẹ tôi đã sinh chú út Phạm Vĩnh Tiến (ảnh bên). Chú là người duy nhất trong số 9 anh chị em chúng tôi phải chịu “thiệt thòi” không được sinh ra tại Hà Nội, như 8 ạnh chị em khác.
Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ít lâu, cả gia đình tôi theo cơ quan bố tản cư về sống ở Hữu Vĩnh, Ứng Hòa, Hà Tây.
Gần đến ngày sinh chỉ có mẹ cùng tôi, chú Thắng (mới trên 3 tuổi ) và dì Oanh vượt mấy chục km theo con sông Đáy tới đây, vì ở đó có bà đỡ và điều kiện y tế tốt hơn ở Hữu Vĩnh.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trùm Bính, nơi mấy mẹ con chúng tôi đã ở mấy tháng trước khi sinh chú Tiến. Ngôi nhà nay tuy đã có nhiều thay đổi so với khi xưa, nhưng khi vừa tìm thấy ngôi nhà, tôi đã nhận ra ngay cây cổ thụ xưa ở ngay trước cửa nhà, với những trùm rễ như những cánh tay phủ dài xuống mặt đất.
Ông chủ mới đang ở ngôi nhà này cho biết ông Trùm Bính đã bán nhà và dọn đi nơi nào đó, đã từ rất lâu rồi. Hỏi ra mới được biết ông cũng đã mất cách đây nhiều năm, nên chúng tôi không gặp được ông nữa.
Tại đây chú Thắng (lúc đó tuy còn nhỏ) và tôi còn nhớ được một kỉ niệm, số là ngày đó bố tôi luôn dăn “nếu có máy bay Pháp bắn phá, thì con phải bế em chạy vào nhà thờ tránh đạn, bom”. Lúc ấy chẳng hiểu có đúng không, nhưng lan truyền trong dân chúng một thông tin là máy bay của giặc Pháp không bắn phá nhà thờ thiên chúa giáo. Vì vậy giống như gia đình tôi, nhiều gia đình trong vùng cứ mỗi khi có máy bay địch bắn phá là lại bồng bế nhau già trẻ lớn bé chạy vào trong nhà thờ ẩn nấp.
Hôm đó cũng như mọi khi nghe có tiếng máy bay gầm rú, bom đạn nổ chát chúa có vẻ như gần lắm. Nhớ lời bố dặn tôi vội cõng chú Thắng chạy thẳng vào nhà thờ, vì quá sợ và vội vàng chẳng may giữa đường bị vấp ngã, chú Thắng bị văng vào bụi cây ven đường, gào khóc thảm thiết.
Nhưng rồi sau đó, tôi cũng đưa được chú vào trong nhà thờ. May quá hôm đó máy bay Pháp không bắn phá khu vực Sở Kiện, nên không xảy ra việc gì cả.
Sứ đạo Sở Kiện từ xưa đã là một khu vực đạo thiên chúa với quần thể kiến trúc đầy đủ, gồm nhà thờ lớn với kiến trúc thật đẹp, mấy dãy nhà làm trường học và nhà ở cho cha cố và các sơ….
Trước mặt nhà thờ là một dãy phố thẳng tắp, hai bên là hai dãy nhà gạch, mái ngói, có cây cối bao bọc. Gần đó có một cái chợ nằm bên triền sông Đáy, chợ toàn họp về đêm rất đông vui, trên bến dưới thuyền người mua, người bán tấp nập lắm.
Ở đây ngoài kỉ niệm về ngày sinh của chú Tiến, còn có mối tình đẹp của Dì Oanh và chú Uyển mà tôi vừa là nhân chứng, vừa là “liên lạc viên” đưa thư nối các cuộc hẹn hò của hai người, góp thêm một phần nho nhỏ nối đường dây xe duyên, nên vợ nên chồng của dì Oanh và chú Uyển (rất tiếc là chú đã sớm đi xa ngay sau đó ít lâu).
Nhìn chú Tiến lặng lẽ đứng trước nhà thờ lớn và chụp mấy chiếc ảnh kỉ niệm, tôi hiểu và thông cảm với tâm trạng của chú lúc này. Đó có thể là một tâm trạng khó tả khi chú được đứng tại ngay nơi cách đây 59 năm mình đã được sinh ra, nhưng lại chẳng có được một kỉ niệm nào cả. Vì thực ra sau khi sinh chú xong, mẹ tôi cùng chúng tôi đã rời nơi đó ngay, trở về với đại gia đình ở Hữu Vĩnh, còn chú thì mới đẻ, còn quá bé làm sao mà biết được.
Chiều hôm đó trên suốt quãng đường trở về Hà Nội, cùng với nhịp xe đều đều bon trên con đường nhựa phẳng phiu, tôi cứ lâng lâng nhớ lại những kí ức về một thời thơ bé, với những kỉ niệm khó quên về người mẹ tần tảo nặng gánh với đàn con thơ dại, trong một thời điểm đầy khó khăn vất vả; về những người anh em, bà con ruột thịt; về những người dân đã cưu mang chúng tôi như ông Điềm, ông Khải, ông Trùm Bính và nhiều người nữa…; về những địa danh như Phố Cát, Phú Sơn, Sở Kiện…
Thời gian trôi đi nhanh quá, thấm thoát thế mà đã hơn 60 năm rồi, bây giờ chúng tôi đã là những ông già, bà lão ở lứa tuổi U.70, U.80, như chú út Vĩnh Tiến trẻ nhất đoàn cũng đã thuộc lứa U.70 . Nhưng kí ức về những kỉ niệm đẹp của một thời xa xưa cách nay trên 60 năm thì vẫn còn đó mãi mãi, không bao giờ nhạt phai trong tâm trí của tôi và của anh chị em chúng tôi.

Phạm Kim Nhu
(*) Xem Blog 13.4.2007, mục Kỉ niệm

Previous
Next Post »