Kì một: Về lại Phố Cát, thăm chợ Kim Tân
Nhân chuyến ra Bắc của bác cả Vĩnh Di lần này, ngày 8/4/2007 cánh đàn ông nhà ta gồm bác Di, các chú Ngọc, Thắng, Tiến đã tổ chức một chuyến đi dã ngoại về thăm lại những nơi gia đình ta đã tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1947), trong đó chỉ có tôi là thành viên nữ duy nhất tham gia đoàn.
Sau nhiều lần chắp mối, bàn bạc, với tài điều hành của các nhà nguyên là Giám đốc, cán bộ quản lý, nhà giáo dục và nhà ngoại giao, đặc biệt là tay lái lụa của chú út Vĩnh Tiến chuyến đi đã thật suôn sẻ đúng nghĩa của “sự thuận buồm xuôi gió”.
Chiếc xe chở đoàn rời Hà Nội hướng Thạch Thành, Thanh Hóa nơi mà các đây 60 năm vào năm 1947 bảy anh chị em được mẹ tôi, với sự giúp đỡ của bà ngoại và dì Oanh trên đường tản cư đã đưa chúng tôi vượt qua đường rừng từ Rịa vào Kim Tân, thủ phủ của huyện lỵ miền núi hoang vu này.
Lúc này bố tôi là Phó Giám đốc sở Kinh tế Khu 11 đang tiến hành công việc tại Ninh Bình và các tỉnh lân cận.
Ngày đó 7 anh em chị em chúng tôi còn nhỏ tuổi lắm. Người lớn nhất là chị thứ Kim Anh cũng chỉ mới 11 tuổi, nhỏ nhất là chú Vĩnh Thắng mới được 2 tuổi, còn lại chỉ hơn nhau 1,2 tuổi, tôi lúc đó vừa 8 tuổi.
Khi xe vào đến địa phận Huyện Thạch Thành, Thanh Hóa chúng tôi dừng lại chụp mấy kiểu ảnh kỉ niệm trước tấm biển chỉ địa danh huyện với nỗi niềm bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày đã xa xưa.
Bắt đầu từ đây là con đường xuyên rừng mà 60 năm trước, chúng tôi đã đi bằng chính đôi chân của mình, chỉ trừ cô thứ 6 Kim Lan và chú Thắng là được ngồi trong cái thúng tre, có người lớn gánh theo cùng đồ đạc.
Con đường rừng ngày xưa nay đã được trải nhựa phẳng phiu, hai bên đường không còn cây cối rậm rạp với những vạt nứa chạy dài típ tắp. Chúng tôi còn nhớ ngày đó đường mới mở phục vụ cuộc kháng chiến, chủ yếu là để đi bộ còn hoang sơ lắm, hai bên có những rừng lau sậy, nhiều chim thú và đặc biệt là nơi cư trú của loài hổ Đông Dương, nay đã gần như tuyệt chủng (bác Di còn nhớ, ngày đó cứ mỗi lần đi trên con đường này là phải lấy hai cây nứa cọ sát vào nhau tạo thành tiếng kêu ken két để xua hổ).
Ô tô đi qua đền Sòng tương truyền nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh mà thủa hàn vi Trạng Quỳnh đã từng đến lễ xin “vay” tiền bà chúa.
Ngồi trên xe chúng tôi háo hức chờ đón giây phút được gặp lại Phố Cát, nơi có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn và 24 cô Sơn Trang, nơi mà khi ở Kim Tân chúng tôi vẫn thường theo bà ngoại đi bộvượt đường rừng tới 7, 8 km đến lễ chùa.
Phố Cát của ngày xưa một bên là đền Mẫu, một bên là dòng suối trong vắt, nước chảy uốn lượn qua các gềnh đá. Dòng suối trong xanh và đặc biệt có đàn cá “môi đỏ” hàng ngàn con, bơi lượn và thường tụ lại dầy đặc mỗi khi khách đến lễ đền cho ăn.
Phố Cát của ngày xưa đẹp là thế, nhưng khi xe dừng lại, chúng tôi ai nấy đều thất vọng vì Phố Cát nay không còn như trước nữa. Dòng suối thơ mộng với đàn cá tung tăng bơi lội, với hàng dây leo điểm sắc hoa tím, hồng, trắng .. soi bóng dưới dòng nước trong vắt khi xưa nay không còn nữa.
Thay vào đó, Phố Cát bây giờ người ta đổ đất đắp nền nhà, dựng quán bán hàng với những đồ ăn thời hiện đại như nước ngọt đóng chai, đóng lon, rồi café, sữa, đường, bánh kẹo các loại…Chẳng còn thứ quà quê của địa phương nổi tiếng một thời như chè Lam, bánh mật, bánh đa dừa, bỏng ngô trộn mật …Điều chúng tôi đặc biệt luyến tiếc là suối nay không còn lấy một con cá, nó đã biến khỏi dòng suối này như thể nó chưa bao giờ tồn tại.
Thật tiếc thay Phố Cát ngày nay không còn phong cảnh hữu tình như bức tranh thủy mạc xưa kia, mà nếu còn đến bây giờ chắc sẽ là một điểm đến hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thế là con cháu chúng ta mai sau, chẳng bao giờ còn được chiêm ngưỡng thắng cảnh có một không hai của đất nước.
Thật tiếc lắm thay!!!.
Rời Phố Cát, xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh đến Kim Tân. Nơi đây hồi đó thật đông vui, trên bến dưới thuyền, cung cấp các sản phẩm của địa phương như chè xanh, măng rừng, củi đốt…theo dòng sông xuôi về Hàm Rồng cung cấp cho thị xã Thanh Hóa và các vùng lân cận.
Tôi còn nhớ hồi đó tất cả các gia đình tản cư phải tự lo trang trải cuộc sống, nên hầu hết đều phải bươm chải kiếm sống, gia đình nhà chúng tôi là một trong số đó.
Ngày đó mẹ tôi ở nhà thu mua măng, củi đốt, củ nâu của người dân tộc Mường đem hàng từ trên núi xuống bán.
Măng tươi mẹ tôi thái lát đem đồ, rồi phơi khô đóng vào từng bao lớn. Dì Oanh cho cất xuống thuyền, rồi chở đi bán trải rộng từ Vĩnh Lộc đến thị xã Thanh Hóa. Khi trở về dì mua vải, các vật phẩm tạp hóa, văn phòng phẩm để bán.
Lúc đó nhà tôi cũng có một quầy bán vải và các vật phẩm bên trong chợ Kim Tân, do bà ngoại trông coi. Chị Kim Anh lớn nhất nhà được phụ giúp bà bán hàng, lúc đó các cô chú ở cơ quan bố tôi cứ gọi đùa chị là “cô bé hàng xén”.
Nhờ cách kiếm sống đó, mà mẹ tôi một thân một mình còn có đồng tiền bát gạo để nuôi nổi một gia đình với hơn 10 miệng ăn trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó.
Chợ Kim Tân tuy là chợ kháng chiến, nhưng các sản phẩm bày bán ở đây ngoài những sản vật của địa phương còn có những sản phẩm phục vụ bà con tản cư rất mới mẻ với người địa phương, nên nó có một nét rất khó quên mang dáng dấp văn hóa đô thị của vùng ven đô Hà Nội, giống như thời trước khi tản cư tôi vẫn thường được bà nội cho đi chơi chợ mỗi khi bà về quê ở làng Mọc Quan Nhân, ngoại thành Hà Nội (nay là phường Quan Nhân, Thanh Xuân).
Chợ KimTân không ồn ào tuy việc mua bán diễn ra tấp nập, nhưng vẫn không kém phần thanh lịch giữa người bán người mua. Khách dạo chợ phần lớn đều là những người từ thành phố về, họ có cùng hoàn cảnh sống giống nhau của một thời gian khó, xa quê. Họ gặp nhau ngoài việc mua bán, còn để giao lưu, thăm hỏi tình hình quê nhà, về người thân ai còn ai mất, hay đang ở đâu đó của thời buổi chiến tranh loạn lạc.
Phạm Kim Nhu
Kì sau tiếp:Trở về ngôi nhà cũ, làng Phú Sơn
0 Komentar