Kì hai: Trở về ngôi nhà cũ, làng Phú Sơn (*)

Bên di ảnh ông Điềm, tại ngôi nhà xưa

Qua chợ Kim Tân, xe đưa chúng tôi tiến về hướng làng Phú Sơn, nơi có nhiều kỉ niệm những năm tháng gia đình tôi đã sống trong thời gian tản cư vào khoảng năm (1947-1948).
Sự thay đổi nhanh chóng của làng quê thời mở cửa, đã làm chúng tôi ngỡ ngàng. Đường như nhỏ lại, nhà cửa san sát khác hẳn với ngày xưa mỗi nhà chiếm cứ hẳn một quả đồi, nhìn thấy nhà nhau nhưng lại xa ngõ, đúng là “gần nhà xa ngõ”.
Chúng tôi nhận ra ngay nơi trước đây là trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Huyện Thạch Thành nay là Huyện ủy bây giờ. Đi được khoảng hơn 1km, chúng tôi dừng xe hỏi thăm nhà ông Điềm, nơi gia đình tôi đã ở thời đó.
Thật bất ngờ ngôi nhà đầu tiên dừng lại để hỏi thăm, lại chính là nhà của ông. Vừa bước vào sân gạch bác Di, chú Ngọc và tôi đều bồi hồi nhận ra những nét quen thuộc của căn nhà gỗ ba gian, 2 trái ngày xưa.
Hiện nay con cháu ông đã xây thêm nhà mới trên phần đất vườn cũ, ngôi nhà cũ nay làm nơi thờ cúng hai ông bà và tiếp khách, tụ họp gia đình vào những lễ, tết.
Người tiếp chúng tôi là anh con thứ của ông Điềm. Rất tiếc là lần về thăm này ông bà đã đi xa, chúng tôi xin phép gia đình được thắp nén hương để tưởng nhớ và thầm nói lời biết ơn đến ông bà.
Nhìn bức ảnh ông Điềm trên bàn thờ, tôi hồi tưởng lại hình dáng ông năm xưa và những ngày sống ở đây, được gia đình ông nhường nơi ở, tạo mọi điều kiện cho cả gia đình tôi sống trong những ngày tản cư khó khăn.
Không ai bảo ai, mấy anh em chúng tôi đều đi ra sân tìm lại cây mít ở góc vườn. Cây mít này là loại giống đặc sản của địa phương, mỗi quả to phải đến trên chục cân. Quả nào, quả ấy múi to bằng bàn tay, dày, mọng nước trong suốt và ngọt như mật. Ở vùng này người dân có thói quen không ăn mít, khi mít chín rụng người ta chỉ lấy hột làm lương thực ăn thay bột. Do vậy hồi đó chúng tôi và khách đến nhà cứ việc hái quả ăn thoải mái, nhưng với điều kiện phải để lại hạt làm lương thực cứu đói. Rất tiếc cây mít này đã bị chặt đi, để lấy đất làm nhà mới.
Rời nhà ông Điềm, chúng tôi được anh con trai ông đưa sang nhà ông Khải. Đây là gia đình thứ hai ở thôn Phú Sơn mà cả nhà tôi đã chuyển đến ở, khi nhà ông Điềm bị lụt, nước ngập đến sát chân giường.
Nhà ông Khải ở trên cùng một quả đồi với nhà ông Điềm, nhưng ở cao hơn. Ông Khải tôi nhớ lúc đó mới chỉ đâu đó khoảng 20 tuổi, còn độc thân, ông nhường cả nhà cho gia đình tôi ở, còn ông về nhà ở với bố mẹ đẻ.
Phía sau nhà ông Khải là một vạt rừng xen kẽ có những hàng cây ăn quả như mít, muỗn, bưởi…do ông trồng. Nhà ông cũng như các nhà khác ở vùng đồi này để đề phòng mối xông, nên các cột nhà làm bằng gỗ to đều được đặt trên các trụ đá, tường nhà toàn bằng gỗ cách nền gạch khoảng 25 đến 30 cm.

Gian giữa nhà để trống, hai gian bên có hai dãy ván dài kê suốt chiều rộng nhà, cao chừng 60 cm so với nền. Ở vùng rừng núi này vào lúc từ cuối Thu đến đầu Đông thường có sương mù dày đặc, mưa lâm thâm rơi rả rích suốt ngày, lá cây rụng đầy đường, đất luôn ẩm ướt, tiết trời xe lạnh, đêm đêm rắn hoa cổ mang bành có mào đỏ to bằng bắp tay người lớn, dài bằng đòn gánh, là loại rắn cực độc hay bò vào nhà nằm ở gầm giường ngủ qua đêm tránh mưa lạnh.

Sáng nào cũng vậy ngủ dậy, chúng tôi phải chờ cho có ánh mặt trời lên, sương tan hẳn (khoảng 10 giờ), khi đã biết chắc chắn là rắn đã bò đi, mới dám thò chân xuống giường.
Về loài rắn có nhiều chuyện lắm, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là câu chuyện “rắn trả thù” do người dân địa phương kể lại. Mà chuyện này chẳng đâu xa lại sảy ra ngay với gia đình ta, ở tại chính nhà ông Khải.

Số là hồi nhỏ chú Ngọc rất hiếu động, có nhiều trò nghịch ngợm nhất nhà. Một buổi sáng trên đường lên vườn đồi, nhìn thấy hai con rắn cạp nong đen, trắng cuộn tròn vào nhau đang nằm ngủ trên lối đi, chú đã đập chết một con rắn trắng nhỏ hơn (chắc là con cái), rồi bỏ đi chơi. Đến khoảng đầu giờ buổi chiều cùng ngày, mấy chị em đang ngồi ăn khoai luộc nói chuyện vui vẻ. Bất ngờ tôi nhìn thấy con rắn hổ mang đen (có lẽ là con buổi sáng) đã bò sát tới sau lưng tôi và vươn tới phía chú Ngọc với cái mang bạnh ra to tướng, phì phèo hơi từ lúc nào không ai biết (chú Ngọc ngồi chính giưã, quay lưng ra cửa). Tôi vội hét toáng lên, mọi người sợ quá nhảy hết lên giường, rồi người lớn xúm lại đánh chết con rắn độc này.

Thật là hú vía, từ đó trong tâm trí còn non trẻ của tôi, cho tới tận bây giờ khi đã lớn tuổi, tôi vẫn luôn luôn tin là loài rắn có khả năng nhận biết kẻ thù và biết trả thù cho đồng loại.
Laị nói về ông Khải, sau khi bà vợ mất, ông đi bước nữa lấy bà hai. Hôm chúng tôi đến cũng gặp được bà, nhưng ông thì đã mất cách đây 5,6 năm trời, chúng tôi thắp nén hương trên bàn thờ tưởng nhớ ông.
Rời Phú Sơn, tạm biệt gia đình ông Điềm, ông Khải cũng như bác Di, chú Ngọc tôi thật sự cảm thấy hối tiếc, vì lần trở về nơi đây thăm ngôi nhà của hai ông cùng với những kỉ niệm thời tuổi thơ của chính chúng tôi trong một khoảng thời gian đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Pháp cách nay trên 60 năm đã quá muộn, nên không còn được gặp hai ông nữa.

Phạm Kim Nhu
Kì sau tiếp: Hồi ức Sở Kiện

(*) Xem Blog ngày 12.4.2007, mục Kỉ niệm

Previous
Next Post »