Con người có khả năng sống thọ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng giấc ngủ.
Khi tuổi tác lớn dần, sức khỏe của con người cũng trở nên suy yếu. Vì vậy nếu muốn sống khỏe, sống thọ, chúng ta nên bảo vệ sức khỏe từ khi còn trẻ và lúc nào cũng nâng cao ý thức tự chăm sóc bản thân. Theo nhiều nghiên cứu, giấc ngủ và tuổi thọ có mối quan hệ mật thiết. Vì vậy, chúng ta cần chú ý tới yếu tố này nếu tăng cường khả năng sống thọ.
Theo 1 nghiên cứu của Trường Y Harvard (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong gấp đôi những người ngủ 6 đến 8 tiếng. Trong 1 nghiên cứu khác ở châu Âu, khi các nhà khoa học nghiên cứu gần 8.000 người ở độ tuổi 50 - 70 tuổi, họ phát hiện ra rằng người ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ sa sút trí tuệ nhiều hơn 30% so với những người ngủ từ 7 tiếng trở lên.
2 nghiên cứu này khẳng định rằng thời gian ngủ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, khả năng sống thọ của con người. Trong nghiên cứu dịch tễ học được đăng trên Science Direct, các nhà khoa học khẳng định rằng ngủ ít hơn 6 tiếng, nhiều hơn 9 tiếng mỗi đêm sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy, chúng ta cần ngủ đủ giờ thay vì ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Ngủ đủ giấc, ngủ sớm góp phần tăng cường sức khỏe, trí nhớ và nâng cao tuổi thọ của con người.
Sau ngày dài hoạt động, làm việc, chúng ta cần nạp năng lượng bằng cách chìm vào giấc ngủ ngon. 1 giấc ngủ chất lượng sẽ giúp đồng hồ sinh học của cơ thể được điều chỉnh, não bộ có thời gian nghỉ ngơi, loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi và giúp tái tạo năng lượng tích cực. Vì vậy nếu như chúng ta thiếu ngủ thì chắc chắn cơ thể sẽ rất mệt mỏi, uể oải, tinh thần xuống dốc, tâm trạng nặng nề, trì trệ. Khi không ngủ ngon và đủ giấc, chúng ta còn dễ rơi vào trạng thái khó tập trung, dễ cáu gắt, giảm hiệu suất công việc.
Một giấc ngủ ngon còn có thể giúp trái tim khỏe mạnh. Khi chất lượng giấc ngủ được đảm bảo, chức năng tuần hoàn máu cũng được duy trì. Vì thế, chức năng tim được tăng cường, tránh nhiều bệnh lý về tim mạch. Bên cạnh đó, thiếu ngủ còn gây mất ổn định đường huyết trong máu, nâng khả năng mắc tiểu đường type 2. Vì vậy, chúng ta cần duy trì 1 giấc ngủ chất lượng để ổn định đường huyết.
Khi đối mặt với lối sống sinh hoạt thiếu khoa học, công việc căng thẳng kéo dài, nhiều người không đảm bảo được chất lượng giấc ngủ. Nếu như đang trong tình trạng này, bạn nên áp dụng 1 số cách dưới đây để có những giấc ngủ ngon hơn.
Bạn hãy thiết lập đồng hồ sinh học cố định cho bản thân. Khi ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi đúng giờ và duy trì lịch trình đó dài ngày, chắc chắn bạn sẽ có những giấc ngủ ổn định. Môi trường ngủ nghỉ cũng là yếu tố quan trọng để bạn có thể ngủ ngon. Nếu như bạn đang trong tình trạng khó ngủ, đừng quên lựa chọn không gian yên tĩnh, gối, nệm, chăn quen thuộc, êm ái để đi vào giấc ngủ dễ hơn. Bạn cũng có thể sử dụng các loại nến thơm, tinh dầu… để cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn.
Trước khi đi ngủ, bạn không nên sử dụng các loại chất kích thích để tránh khó ngủ, ngủ chập chờn. Nếu bạn có thói quen tập thể dục buổi tối thì nên tập trước khi đi ngủ khoảng 1 - 2 giờ để tránh tình trạng phấn khích, khó ngủ. Bên cạnh đó, bạn cần giữ tâm lý thoải mái khi đi ngủ, tránh suy nghĩ lo âu, căng thẳng, bồn chồn.
Để có thể tăng khả năng sống thọ, chúng ta cần duy trì lối sống khoa học bên cạnh việc ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc. Chúng ta nên làm việc vừa sức, ăn uống lành mạnh và không quên vận động đều đặn để tăng cường sức khỏe.
Theo Toutiao
0 Komentar