Thanh long ruột đỏ chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn trong khi đó thanh long ruột trắng có hàm lượng đường ít hơn.
Lợi ích dinh dưỡng của thanh long
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết thanh long là loại trái cây được ưa chuộng không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn giàu chất dinh dưỡng. Nhóm chất chống oxy hóa Betalains, Flavonoid và Hydroxycinnamates cùng hàm lượng chất xơ, sắt và magie dồi dào, giúp thanh long trở thành lựa chọn phù hợp để cải thiện sức khỏe và làm phong phú chế độ ăn hằng ngày.
Trong 100 gram thanh long có chứa 60 gram calo, 13 gram carbohydrate, 1,2 gram chất đạm, 3 gram chất xơ, giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các chất khoáng như sắt, canxi và phốt pho, không chứa chất béo.
Thanh long chứa polyphenol, carotenoid, vitamin C,… là những hợp chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây các bệnh mạn tính và lão hóa. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa còn giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, tiểu đường, viêm khớp và làm đẹp da, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Bổ sung thanh long trong chế độ ăn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, tăng lưu thông máu cho cơ thể. Vitamin C trong thanh long giúp hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn cho quá trình tạo máu. Trong 170 gram thanh long có 68 mg magie. Một số nghiên cứu cho thấy việc tăng tiêu thụ magie có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, thúc đẩy sức khỏe của xương.
Sự khác nhau giữa thanh long ruột đỏ, ruột trắng
Bác sĩ Thu Hà cho biết, các loại thanh long có thành phần dinh dưỡng gần như nhau, chỉ có vài sự khác biệt nhỏ về hàm lượng chất giữa thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng.
Các loại trái cây có màu càng đỏ thì càng có nhiều chất chống oxy hóa. Nói cách khác, thanh long ruột đỏ có xu hướng chứa lượng chất chống oxy hóa cao hơn như vitamin C, carotene - tiền chất vitamin A, lycopene,... so với ruột trắng. Điều này làm cho thanh long ruột đỏ trở thành một thực phẩm tuyệt vời cho đôi mắt, máu và làn da khỏe mạnh.
"Tuy nhiên, lượng đường có trong một quả thanh long ruột trắng lại thấp hơn so với thanh long ruột đỏ. Vì vậy, thanh long ruột trắng sẽ phù hợp hơn với người muốn giảm đường huyết và giảm cân. Còn người ưa vị ngọt có thể sử dụng thanh long ruột đỏ trong khẩu phần ăn của mình", bác sĩ Hà phân tích.
Thanh long vàng ruột trắng có xuất xứ từ Malaysia với vị ngọt đậm và ít hạt hơn các loại thanh long khác. Các chất dinh dưỡng có trong thanh long vàng ruột trắng gồm có vitamin C, vitamin B, khoáng chất, chất xơ và carotene tương tự thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Do không có quá nhiều khác biệt về dinh dưỡng giữa thanh long vỏ vàng ruột trắng và hai loại thanh long còn lại nên người tiêu dùng có thể chọn thanh long tùy theo nhu cầu, tình trạng sức khỏe và sở thích của bản thân.
TheoThanhnien
Những điều lưu ý khi ăn thanh long
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết theo đông y, quả thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Hoa thanh long có tác dụng bổ phế, trừ ho.
Mặc dù thanh long có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cần lưu ý một số điểm khi ăn. Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng, thì không nên ăn thanh long. Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
Ngoài ra, với người bệnh tiểu đường, liều lượng khuyên dùng khoảng 2 phần một ngày với mỗi phần khoảng 120 gram và cân đối với các loại trái cây khác trong thực đơn tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
0 Komentar