Nhớ về Nhạc sĩ nhà ta VĨNH HẢI

 Người nữa cũng để lại nhiều dấu ấn trong phong trào văn nghệ Gang Thép, đó là nhạc sĩ Vĩnh Hải (1943 - 2006). Trước đây ông công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3 (đóng ở Hải Phòng). Năm 1993 ông nghỉ hưu, chuyển về Khu Gang Thép sinh sống. 

Nhạc sĩ Vĩnh Hải và bút tích một số bản nhạc về Gang Thép của ông

Dấu ấn mà ông để lại cho phong trào văn hóa văn nghệ Gang Thép là phương pháp dàn dựng tổng thể, đạo diễn bài bản một chương trình văn nghệ: Viết ca khúc, sắp xếp liên kết các tiết mục để chương trình mang màu sắc riêng của từng đơn vị một cách chuyên nghiệp. Từ giữa những năm chín mươi, những chương trình văn nghệ của các xưởng, mỏ, nhà máy trong Công ty thường xây dựng trên cái “gu” ấy, có một phần không nhỏ ảnh hưởng của ông.

Nhạc sĩ Vĩnh Hải hồi đầu mới về Gang Thép thường bảo: “Cát-xê không đơn thuần là giá tiền, mà đó là giá trị nghệ thuật của anh…”.

Tôi nhớ mãi cái dáng thấp mập, ánh mắt như cười khi tranh luận về màu sắc riêng trong những ca khúc viết về Gang Thép, nhớ những lần ông đèo tôi vào Mỏ Sắt Trại Cau trên chiếc xe máy Simson để dàn dựng chương trình văn nghệ. Hồi ấy nghèo mà thật vui. Từ những ngày tháng này mà các ca khúc ông viết đa phần nói về các mỏ, như Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ than Làng Cẩm, Mỏ than Núi Hồng, với các ca khúc: “Tự hào Mỏ sắt Trại Cau”, “Như lá”, “Gang Thép một tình yêu”. Và nổi bật nhất là ca khúc: “Âm vang hầm lò”, ý thơ của nhà thơ Nguyễn Khoái: “Dưới hầm lò chẳng thấy gì đâu, chỉ thấy có ngọn đèn trên đầu di động, dưới hầm lò chẳng thấy gì đâu, chỉ thấy gió lùa...”.

Ngôn ngữ của âm nhạc thật tuyệt vời, sâu lắng, kích hoạt cảm xúc từ trong tiềm thức, nó làm nốt những gì mà câu chữ bất lực không thể diễn đạt tới. Và khi ấy, chúng tôi chỉ nghe thôi đã như thấy: “Tiếng bước chân vang vọng trong hầm lò, tiếng ầm ì của dòng gang sôi chảy, tiếng lanh canh đùng đục của những dây thép cán ra lò…”.

Theo bài "Mầu của Gang Thép trong những ca khúc về Thép Gang " của Trần Giáp


Previous
Next Post »