Thăm làng gốm sứ Bát Tràng

Tranh thủ thời gian chờ trận Chung kết Bóng đá Euro 2012, nhận lời mời của ông bạn đồng nghiệp quê Đa Tốn trước khi vợ chồng ông ấy lên đường đi công tác xa, chúng tôi sang thăm gia đình tiện thể đến làng gốm sứ Bát Tràng. Gia đình đón tiếp chúng tôi chân tình, chu đáo. Ông thân chinh hướng dẫn chúng tôi đi thăm Bát Tràng. 
Bát Tràng cái tên quen thuộc nằm cách Hà Nội theo đường chim bay có lẽ chỉ trên chục km. Ngày nay Bát Tràng khang trang hơn đường xá rộng rãi, nhà cửa xây theo kiểu làng đô thị. Ở khu chợ có những gian hàng toàn bàn các đồ gốm, sứ trông rất bắt mắt, có cả gian hàng khách có thể tự tay tô màu sản phẩm dưới sự hướng dẫn của gia chủ. Bà xã tôi mê mẩn ngắm nhiều hơn mua, tuy đã xác định từ đầu chỉ ngắm là chính, nhưng không thể dừng được trước các đồ gốm sứ bày bán tại đây vì thế lúc về cũng sách đầy ba bị cói đồ. 
Tuy nhiên chúng tôi phát hiện những điều không thú vị lắm vì có những món đồ người bán hàng giới thiệu là Hàn Quốc hay Trung Quốc. Đến cửa hàng khác cúng như thế, người bán lại khẳng định là hàng Bát Tràng. Có những mặt hàng như bát, đĩa không đề nơi sản xuất nhưng người bán vẫn khẳng định là của gia đình.
Nếu quả thực có hàng nước ngoài bày bán ở đây tôi nghĩ là không nên, chỉ nên bán hàng Bát Tràng vì khách đến đây là thăm sản phẩm làng nghề truyền thống chứ không phải mua hàng nước ngoài.   
Ông còn tranh thủ chỉ cho chúng tôi xem công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nổi tiếng nhũng năm 60 thế kỉ trước. Tôi chợt nhớ hồi đó tôi được theo bà Nhu đi tiễn bác Di và mấy ông bạn đến Phà Đen, lên đò đến Bắc Hưng Hải trong đội hình thanh niên Hà Nội tham gia xây dựng công trình này.
Ngày nay sang làng Bát Tràng rất thuận lợi, có thể đi theo đường cầu Chương Dương lên đê hoặc theo đường cầu Vĩnh Tuy sang Thạch Bàn rẽ vào. Bây giờ đường đi rất tốt. Chúng tôi rời làng gốm, sứ Bát Tràng theo đường cầu Thanh Trì về thẳng nút giao thông Khuất Duy Tiến đúng dịp vừa hoàn thành tuyến đường mới Linh Đàm-Nguyễn Trãi.
Tiễn chúng tôi ra về ông bạn còn gửi theo lời khuyên, lần sau sang Bát Tràng nên dành thời gian vào lò của các nghệ nhân tìm hiểu về kĩ thuật vẽ men, nung gốm, sứ có nhiều điều thú vị  hơn.
Phạm Lê
Previous
Next Post »