Bàn thờ Ông Bà



Bàn thờ ông bà, không gian tâm linh của người Việt

Người Việt vẫn quan niệm rằng, khi con người chết là chỉ mất đi phần xác, vong hồn của họ thì vẫn tồn tại, vẫn có thể viếng thăm, phò hộ người thân, cho dù người sống không nhìn thấy. Cũng vì vậy, việc thờ cúng ông bà là tập tục có từ cổ xưa. Nhiều người khi được hỏi về đức tin tâm linh vẫn nói là mình theo đạo thờ ông bà. Đức tin ấy được cụ thể hóa bằng bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình Việt, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị xã hội.
Dù có sự khác nhau đôi chút về hình thức, nhưng ở cả ba miền, bàn thờ đều được đặt ở vị trí trung tâm, nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Thường thấy ở miền Bắc, bàn thờ là một giá gỗ được gắn nơi bức tường trung tâm của ngôi nhà chính, ở tầm cao trên tay với của người lớn, mỗi lần hương khói người ta phải đặt ghế để đứng lên trong tư thế thành kính. Miền Trung và miền Nam, vị trí ấy là chiếc tủ thờ bằng gỗ, cao gần tầm đầu người lớn, được chế tác công phu. Ở những nhà khá giả, tủ thờ được làm bằng gỗ quí, chạm khắc tinh xảo; ở những gia đình bình dân, chiếc tủ thờ vẫn là vật đẹp nhất trong nhà, thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của người đang sống với tổ tiên.Bàn thờ là nơi linh thiêng, thanh khiết, nên ngoài các đồ đạc dùng để tế tự và trang hoàng, nhất thiết không được để vật dụng gì lên đó. Trung tâm của bàn thờ là bát nhang, phía sau bát nhang là di ảnh của những người đã khuất. Nếu nhà khá giả, trước di ảnh còn có đỉnh đồng để đốt trầm vào mỗi dịp cúng kiến, đỉnh thường được chạm khắc long, lân, mai, trúc. Hai bên bát nhang phía trước là đôi chân đèn để thắp nến, có ý nghĩa tượng trưng cho đôi vầng nhật nguyệt, cũng để nói lên người chết nhưng linh hồn của họ thì không tắt. Ở miền Bắc đôi khi thấy ở vị trí đôi chân đèn là hai ngọn đèn dầu. Tường sau không gian bàn thờ ở nhà khá giả là hoành phi, liễn đối bằng Hán tự sơn son thếp vàng, có nội dung nói lên công đức của người đã khuất. Ở gia đình bình dân, đó là tranh thờ, thường là tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư, cá chép vượt vũ môn hay các chữ như Phước, Lộc, Thọ (bằng Hán tự). Miền Nam còn thấy phổ biến loại tranh thờ vẽ trên kiếng với những phong cảnh thanh bình.
Trong việc thờ cúng tổ tiên có hai ngày quan trọng nhất, đó là ngày giỗ và ngày Tết. Ngày giỗ cúng đúng vào ngày mất (theo âm lịch) của người được thờ tự. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ, bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên. Đây còn là dịp để gia chủ đáp nghĩa với dòng họ, láng giềng từng chia sẻ buồn vui, bất hạnh với gia đình mình, nên ngày giỗ thường được tổ chức tiệc tùng khá linh đình. Ở miền Nam, buổi chiều hôm trước chánh giỗ còn có mâm cúng tiên thường để con cháu thắp hương vọng bái trước với ông bà.
Ngày Tết cổ truyền của người Việt, ngoài ý nghĩa đưa năm cũ, đón năm mới, còn là dịp để mọi người “ôn cố, tri tân” và việc cúng kiến ông bà là nghi lễ hàng đầu. Không khí Tết đến với ngôi nhà Việt bắt đầu từ việc trang hoàng bàn thờ ông bà. Những vật dụng thờ cúng trên bàn thờ được lau chùi đánh bóng. Mới hơn ngày thường là thêm lọ độc bình cắm hoa tươi, một cành đào ở Bắc, một cành mai phổ biến ở Trung và Nam. Ngoài ra, cả hai miền đều có mâm ngũ quả. Miền Bắc thường thấy có 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên). Miền Nam, mâm ngũ quả thường thấy các loại trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Mâm ngũ quả có ý nghĩa nói lên lòng mong ước của người dâng cúng để ông bà được “tỏ tường” mà “phò hộ”. Trên bàn thờ ngày Tết ở miền Nam còn chưng cập dưa hấu, loại dưa tròn, lớn, trái có dán chữ “thọ” (Hán tự) viết bằng nhũ vàng trên giấy đỏ, nói lên mong ước cho ông bà cha mẹ còn đang sống được trường thọ; hay chữ “phúc” cầu phúc cho gia đình dòng họ.
Mâm cúng ngày giỗ hay ngày Tết, cả ngoài Bắc cũng như trong Nam đều không đặt trực tiếp trên bàn thờ mà đặt trên chiếc bàn thấp hơn kê trước bàn thờ. Trước khi người chủ trì thờ tự cùng con cháu dâng hương, thường thấy ngoài Bắc còn đặt lên bàn thờ ba ly nước, trong Nam là hai ly rượu, một ly nước, có ý nghĩa tượng trưng cho sự thanh khiết của trời đất và tinh hoa của mùa màng. Cũng có một chút khác nhau giữa hai miền: ngoài Bắc người thờ tự tổ tiên là con trai trưởng, miền Nam là con trai út.
Đã bao thế kỷ trôi qua, cung cách và quan niệm thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng ý nghĩa lớn nhất thì vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Nguyễn Trọng Tín
(Tham khảo Báo SGTT )
Previous
Next Post »