Cảm nhận Nhật bản

Kỳ II: Người Nhật
Chỉ với hơn 10 ngày lưu lại Nhật, mà không ở cùng cũng như không có hoạt động nào chung với người Nhật, thậm chí không biết tiếng Nhật, nhưng tôi vẫn thấy cần thiết chia sẻ những cảm nhận của bản thân về người Nhật. Khi xuống sân bay, cảm nghĩ đầu tiên của tôi về người Nhật đó là 1 giống người cao to và khỏe mạnh, với hình thức pha trộn nửa âu, nửa á. Không còn thấy vết tích nhật lùn mà cha ông ta đã nói. Nhà nước Nhật đã có chính sách và đã thành công trong việc cải tạo giống nòi. Thế hệ trung niên cũng có người không cao to lắm nhưng người béo phì rất hiếm gặp, thường là xương xương. Người Nhật có nước da trắng hơn so với người Việt (phụ nữ Nhật có da trắng và mỏng rất đẹp), phần lớn mũi cao gọn (thậm chí có nhiều người mũi hơi khằm), môi mỏng (thậm chí rất mỏng), khuôn mặt gọn trông rắn rỏi, dáng người thanh thoát, nhanh nhẹn. Phần lớn người Nhật mắt nhỏ hơn so với người Việt hay mắt 1 mí, đuôi mắt hơi cụp xuống, 100 phần trăm người Nhật tóc đen mắt đen như người Việt. Thanh nữ Nhật cũng hay nhuộm tóc nhưng chỉ hơi nâu thôi chứ không vàng hoe, hay để tóc dài ngang vai. Ít người uốn tóc xoăn tít mà thường chỉ uốn hơi cong lượn phần tóc từ gáy trở xuống. Phụ nữ trung niên hay để tóc cao. Tóc họ thường cứng hơn so với tóc người Việt. Khác với người Mỹ ăn mặc hơi cẩu thả, người Nhật khi đi đường thường ăn mặc rất lịch sự, thường chọn các tông màu trầm trang nhã(đen, tím than, ghi, be...)và không thích các màu chóe. Trong thời gian ở bên ấy, cháu Mai Anh mặc áo choàng màu da cam và do đó, thường nổi bật nhất trong đám đông. Dù trời rét như thế nào, hầu hết người Nhật đều không đội mũ khi đi đường. Về phong cách người Nhật giống người châu Âu ở ý thức tự giác cao, tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn xô đẩy mặc dù phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ (đi xem lễ hội hay chơi trò chơi). Người Nhật cũng không nói chuyện ầm ĩ chỗ đông người, không hay cười to tiếng như người Mỹ hay người Việt. Khi gặp nhau, họ có thói quen cúi chào rất lịch sự nhưng hầu như không bao giờ bắt tay. Đi đứng hay ngồi ở những nơi công cộng, họ cũng thường chú ý để có 1 khoảng cách nhất định sao cho không va chạm người vào nhau (trừ trường hợp chật quá bất khả kháng như trong các toa tàu điện ngầm ở Tokyo vào giờ cao điểm). Ví dụ, bạn bước vào toa tàu, liếc nhìn và quyết định ngồi vào 1 chỗ trống giữa 2 người. Nếu bị va chạm người ta sẽ dịch ra hoặc ngồi lùi lên mép ghế cho rộng bớt. Về sau, tôi mới hiểu người Nhật rất sạch sẽ và họ không thích tiếp xúc với những gì chưa kiểm định được là sạch hay bẩn. Người Nhật cũng thường tranh thủ thời gian đi đường đọc sách (trung niên)hay nghe nhạc, học ngoại ngữ (thanh niên). Phần lớn người Nhật kém ngoại ngữ. Lớp trung niên ít người biết tiếng Anh. Lớp thanh niên có biết nhiều hơn nhưng phát âm đều kém. Người Nhật có tập quán đi du lịch đây đó. Điều đó lý giải vì sao du lịch nội địa chiếm đến 90 phầm trăm tổng doanh thu du lịch của Nhật. Với những khoản chi tiêu cho du lịch, người Nhật đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào của mình và làm tăng GDP cho đất nước. Hiện nay, theo các số liệu thống kê của thế giới, Nhật cũng là 1 trong những nước có đông người đi du lịch nước ngoài nhất. Nhiều nước (trong đó có Việt nam)thích thu hút khách du lịch Nhật vì họ thường kết hợp mua sắm và chi tiêu nhiều trong mỗi chuyến đi so với khách du lịch của các nước khác (Trung quốc chẳng hạn). Khác với người Việt, người Nhật có ý thức tự giác làm việc rất cao. Họ làm việc không kể giờ giấc, làm hết mình, xong việc mới về chứ không thích để lại cho ngày mai. Trong khi xếp hàng chờ đến lượt chơi ở Disneyland Tokyo, tôi đã chứng kiến các tiếp viên luôn miệng cười và lớn tiếng chào hỏi hướng dẫn với các điệu bộ nhiệt tình liên tục trong hàng tiếng đồng hồ và nghĩ rằng ở việt nam chắc chẳng có ai thực hiện được như vậy vì không đủ nhiệt tình, trách nhiệm và sức khỏe.
Trong thời gian ở Nhật, 2 mẹ con chúng tôi phải nhiều lần hỏi đường đi và đều được người Nhật chỉ dẫn chu đáo vượt quá mong đợi. Có lần đi đến trường đại học OSAKA, hỏi xong đường chúng tôi đi tiếp rồi rẽ trái thì được những người vừa chỉ đường bảo là rẽ trái ở đoạn sau cơ. Thì ra, sau khi chỉ đường xong họ còn theo dõi tiếp xem mình đi có đúng đường không để bảo đảm rằng đã hoàn thành trách nhiệm. Một lần khác, trong khi đi tàu điện ngầm, chúng tôi cũng hỏi đường và 1 họa sỹ Nhật đã chỉ đường, hướng dẫn cách mua vé để bảo đảm chúng tôi mua đúng giá, đưa chúng tôi qua cửa soát vé xong rồi mới yên tâm quay về. Để chúng tôi không cảm thấy phiền lòng, lúc chỉ đường ông ấy nói là đi cùng đường nhưng sau khi qua cổng soát vé, chúng tôi mới biết ông đi đường khác. Ấn tượng nhất về hỏi đường là khi 2 mẹ con chúng tôi cùng chị Bình mẹ cháu Minh(rất giỏi tiếng Nhật)nói chuyện và hỏi đường 1 người Nhật ngồi cạnh trong toa xe tàu điện ngầm. Người này sau đó ra trước. Đối diện với chúng tôi lúc ấy có 1 phụ nữ trung niên chăm chú ghi chép. Khi tàu sắp dừng bến tiếp, người phụ nữ ấy bước ra phía cửa và chìa tờ giấy cho chị Bình nói rằng bà ấy phải xuống ga này còn chúng tôi phải xuống ga sau. Sau đó đi tiếp như thế nào thì bà ấy đã ghi và vẽ sơ đồ vào tờ giấy cho chúng tôi rồi. Trời, bạn có thể tưởng tượng ra 1 người mình không hề hỏi đường (vì không ngồi gần) nhưng biết mình cần chỉ dẫn (vì khi hỏi đường bà ấy nghe được - người Việt hay nói to ở nơi công cộng) nên vẫn ngồi ghi, vẽ đường chỉ dẫn. Hai mẹ con chúng tôi cũng có 2 buổi đi chơi với 2 cô bạn Nhật của Mai Anh: 1 cô ở OSAKA và 1 cô ở Tokyo. Cô ở OSAKA quen Mai Anh trong 1 chuyến cùng đi du lịch ở Úc 5 năm trước. Mai Anh có ghi lại email, số điện thoại và nghĩ cử thử gọi xem biết đâu được. Ấy vậy mà cũng hẹn gặp nhau đi chơi thành OSAKA 1 buổi. Trong lúc chờ, cháu Mai Anh cứ sợ không nhận ra (vì lần đi du lịch ở Úc chỉ vẻn vẹn có vài ngày)và cô bạn Nhật còn cẩn thận hơn lục tìm lại các ảnh cũ để chắc chắn là không gặp nhầm người. Buổi gặp diễn ra rất vui vẻ, cứ như là 2 người bạn thân lâu ngày không gặp nhau vậy. Cô bạn Nhật cười suốt buổi. Sau này, khi đã gặp cô bạn Nhật khác ở Tokyo tôi mới biết có sự khác biệt về tính cách, vóc dáng giữa người Nhật ở OSAKA và ở Tokyo. Người OSAKA có phần cao to hơn, tính cách cởi mở hơn. Còn người Tokyo có phần nhỏ nhắn hơn, lịch lãm hơn và cũng ... hơi khách sáo hơn. Nhân đây, cũng nói thêm là trước kia, khi học đại học ở Mỹ, Mai Anh có cô bạn thân người Nhật (hiện sống ở Tokyo) đã cùng em gái sang Việt nam ăn ngủ ở nhà D3 Trung tự với ông bà Mai Anh, đi xuyên việt với Mai Anh nhưng trong chuyến Mai Anh đến Tokyo đã không thu xếp nổi 1 buổi gặp nhau (chứ chưa nói đến giúp nhau). Còn cô bạn Nhật mà đi gặp Mai Anh lại chỉ là bạn của bạn Mai Anh ở Mỹ - do đó nếu như cô ấy chưa đủ nhiệt tình thì cũng dễ hiểu - vả lại lúc đầu cô ấy tưởng chúng tôi cần phiên dịch và hướng dẫn viên (vì cô ấy học chuyên ngành anh văn) nhưng sau biết là đã có phiên dịch - hướng dẫn viên - 1 người việt làm cho FPT đã nhiều năm. Ngoài ra, qua 1 vài lần mua sắm tại Nhật, tôi cũng có cảm nhận rằng người Nhật kinh doanh trung thực. Chẳng hạn, mặc dù biết mình không biết tiếng nhật, nhưng họ bao giờ cũng nói đúng xuất xứ hàng hóa chứ không nói lộn hàng trung quốc là hàng nhật. Nếu họ bán nhầm, sau quay lại đổi hoặc trả hàng họ cũng vui vẻ nhận lại chứ không quay quắt chối biến như người việt thường làm. Người Nhật còn tạo ấn tượng cho mẹ con tôi đến phút chót khi ra sân bay để về nước. Số là chúng tôi ra sân bay hơi sớm nên chưa thấy ai xếp hàng làm thủ tục. Trong khi còn đang chần chừ đứng ở xa quầy làm thủ tục thì từ quầy đó 1 nhân viên nam còn trẻ tiến đến gần hỏi chúng tôi đi đâu? có phải là 2 mẹ con không? rồi đẩy đồ đến quầy làm thủ tục. Hai mẹ con đã bảo nhau mua vé về cùng 1 chuyến nhưng do cháu Mai Anh mua từ Mỹ nên là vé của hàng không Nhật, còn tôi mua từ VN nên là vé của hàng không VN. Cùng 1 chuyến bay nhưng lại do 2 hãng khác nhau đồng quản lý. Vì vậy cậu nhân viên Nhật đã đổi cho tôi thành vé của hãng Nhật để 2 mẹ con được ngồi cạnh nhau và dặn phải khai vào tờ khai hải quan là đi chuyến của hàng không nhật. Vì không hiểu nên tôi đã khai đúng như vé mình đã mua ở VN nên hải quan khoanh 1 vòng vào chỗ chuyến bay bảo khai lại. Tôi cũng chưa hiểu tưởng mình viết nhầm nên lại giở vé ra kiểm tra (cháu Mai Anh thì đã xuôi lọt ở bên kia hàng rào). Đang lúng túng thì đã thấy cậu nhân viên hải quan đứng ở sau lưng cầm bút và sửa lại chuyến bay cho tôi. Tôi trộm nghĩ nếu là người việt thì chẳng việc gì mà họ phải nhiệt tình đến như vậy. Họ cứ ngồi 1 chỗ vẫy tay gọi lại cũng là quý lắm rồi.
Tóm lại, tôi thấy người Nhật có các ưu điểm nổi trội như cẩn thận, chu đáo, sạch sẽ, trung thực, nhiệt tình, có trách nhiệm. Họ đã kết hợp được những ưu điểm của người châu Âu và người châu Á. NHỮNG ƯU ĐIỂM ĐÓ đã giải thích vì sao nước Nhật đã vươn lên là 1 cường quốc trong 1 khoảng thời gian ngắn, tại sao hàng hóa của Nhật lại đạt chất lượng với độ tin cậy cao. Với những phẩm chất tốt đẹp của mình, người Nhật đã làm hài lòng các khách du lịch nước ngoài và không phải ngẫu nhiên kết quả 1 cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy khách du lịch thế giới cảm thấy hài lòng nhất khi đi du lịch nước Nhật.
Previous
Next Post »