Xôi đỗ.

Khi tôi đưa bài "Chào các bác Oshin ạ" lên Blog nhà mình, có quí vị gọi điện ngay cho tôi bảo chẳng nhẽ chỉ có xấu thôi à. Xin thưa quí vị theo tôi là “xôi đỗ”, có nghĩa là có tốt có xấu, nhưng tốt là đa số (“xôi”), còn xấu chỉ là thiểu số (“đỗ”). Vả lại xấu, tốt cũng chỉ là may rủi mà thôi.
Sở dĩ tôi viết may rủi là vì phần lớn Oshin bây giờ là người tứ sứ do giới thiệu qua lại, hoặc do qua trung tâm môi giới việc làm, không phải người làng xã quen biết. Vì thế may mắn thì gặp được “xôi”, còn rủi ro thì như quí vị đã biết sẽ gặp phải “đỗ” kèm theo nhiều chuyện cười ra nước mắt là đương nhiên.
Tôi xin kế quí vị nghe một câu chuyện Oshin tốt, chuyện này có thật 100%, Cô bạn của bà xã tôi là bác sĩ có phòng mạch riêng dễ đến gần 20 năm nay. Ngày Tết năm nào cũng vậy ví như Tết Mậu Tý vừa rồi, Oshin tranh thủ về quê từ trước rồi đến 26 tháng chạp đã lên để phục vụ nhà chủ. Cũng từ nhiều năm nay mọi việc của nhà ấy đều vào tay Oshin hết, ngay cả việc thu tiền của bệnh nhân đến chữa bệnh cũng là Oshin kể cả khi vợ chồng chủ nhà đi vắng. Chủ rất tin tưởng Oshin ở với chủ từ khi còn trẻ đến nay tóc đã hoa râm, nhưng chủ và khách đều rất vui vẻ, gắn bó.
Còn chuyện Oshin xấu thì cũng có, ví dụ hôm giápTết vừa rồi đến thăm ông bạn già thấy hai ông bà cắm cúi làm việc nhà, tôi hỏi “Oshin đâu rồi”. Ông ấy bảo “Từ nay nhất quyết không nuôi Oshin nữa, không chịu nổi khi nào già quá không làm được thì vào nhà dưỡng lão”. Hỏi gặng mãi ông bà ấy không chịu nói, chỉ cười trừ. Hai vị này vốn xưa nay rất tự hào là có kinh nghiệm chọn Oshin, nên khi nghe nói như vậy tôi biết ngay lần này họ đã không may gặp phải “đỗ”, Nhưng vì bệnh sĩ nên lờ tịt, không muốn nói đến đề tài này nữa.
Chuyện Oshin xấu tốt còn nhiều nhưng thôi tôi xin dừng ở đây để quí vị nhất là quí vị nhà ta đang có Oshin, cứ yên tâm tiếp tục sử dụng. Vì Oshin của các vị đang dùng hẳn phải là “xôi”, tức là Oshin tốt đấy.

Phạm Lê.

Previous
Next Post »