THIẾU, ĐỦ VÀ THỪA

 



THIẾU, ĐỦ VÀ THỪA

Cái thằng tôi này, già rồi mà suy nghĩ bất cứ điều gì cũng không thấu đáo. Mấy ngày nắng nóng của tháng Năm vừa qua, chẳng biết là nhiều nhà dùng điện cùng một thời điểm mà máy điều hòa nhà tôi bị tắt cái rụp. Tôi quay ra chửi nhà đèn. “Chúng mày nhé, nhà nước giao cho chúng mày quản lý có mấy hột điện cũng không xong, cứ để cho tư nhân người ta quản lý, như nông dân đang làm ra lúa gạo ấy, có thiếu hụt bao giờ đâu!”.
Tôi tưởng câu nói của tôi chỉ đủ cho tôi nghe, song bà xã của tôi, cái mụ già ấy mới quay sang chì chiết tôi. Mụ ấy bảo, lão già của tôi biết một mà không biết hai. Hãy bớt mộng mơ đi! Tôi nhắc cho lão nhớ đây. Một quốc gia mà mới thoát chiến tranh từ năm 1979 đến nay chứ gì? Đó là chưa kể những cuộc chiến mà người ta phải căng mình ra ở ngoài biển đảo, trong khi lão còn đang nhậu rồi quay ra ngủ khoèo, cứ kể như năm 1988 ấy. Vậy thì lấy đâu mà có thể giàu, có thể làm thỏa mãn mọi nhu cầu của lão?
Cứ thế, mụ cho tôi một bài học. Mụ bảo, những nước như nước ta phải trải qua các thời kỳ - kém phát triển; phát triển trung bình; phát triển trung bình cao; cuối cùng mới là một nước phát triển. Tức là từ chỗ mọi thứ đều “thiếu”, tiến đến “đủ” rồi mới đến thời kỳ “dư thừa”. Cứ suốt ngày nhậu như lão mà đòi là thỏa mãn mọi yêu cầu của lão thì chỉ có đi ăn cướp như quốc gia nọ, thế thôi.
Lão nhớ chứ, nói về cái khoản ăn, từ chỗ ta thiếu ăn, nay ta đã đủ ăn và có dư thừa để xuất khẩu. Đó là nói về cây lúa. Cây lúa trồng trên đất của ta, nước của ta, phân bón của ta, hạt giống của ta, nhân công của ta, ta muốn ứng dụng công nghệ tiên tiến thế nào thì tùy hỉ. Chứ còn nói về điện, thì máy móc mua của người ta, nhiên liệu cho nhà máy nhập của người ta, thậm chí mấy cái phụ tùng thay thế cũng phải dựa vào người ta, mình chỉ có mỗi con người. Vì thế giá điện đắt hay rẻ, phụ thuộc vào “người ta” nhiều lắm.
Lão già rồi nên lú lẫn, chẳng nhớ được gì. Tôi nhắc cho lão nhớ. Năm 1960, người ta kẻ cái bảng to tổ chảng, đặt ở nơi ông đi qua bà đi lại cho ai cũng thấy, ghi trên đó rằng, “mục tiêu phấn đấu, sản lượng điện cả năm (1960) đạt 600 triệu ki-lô-oắt giờ”. Đến năm 2023 này, con số đó chỉ đủ dùng cho có hai ngày thôi, vì theo con số mà nhà đèn công bố, thì mức tiêu thụ điện mấy ngày nóng vừa qua lên tới gần 300 triệu hột điện cho một ngày đấy lão ạ. Thế là nước ta, tuy đã đi qua giai đoạn “thiếu” đến giai đoạn “đủ”, song nếu xuất hiện bất cứ điều kiện bất lợi nào như nắng nóng, như hạn hán nước không về hồ thủy điện nhiều…, thì sẽ xảy ra tình trạng “thiếu tạm thời”.
Nhân tiện đây cũng khai não cho lão biết, nước Đức giàu có là thế, những tưởng sẽ cho ngưng các nhà máy điện “hột nhãn”, theo đường lối của đảng Xanh. Song khi tẩy chay khí hóa lỏng của Nga, thì hậu quả nhỡn tiền là thiếu điện, thế là phải khởi động lại nhà máy điện “hột nhãn”. Đó là thời kỳ xuất hiện những điều kiện bất lợi, nó sẽ chuyển ngay từ thừa sang thiếu.
Nhân tiện cũng nói cho lão mở mắt. Điện không phải là sản phẩm độc quyền của mấy cha làm ở cái EVN gì đó, nếu có độc quyền thì đó là nhà nước “độc quyền quản lý” thông qua EVN và Bộ Công thương, chứ hiện nay, tư nhân tham gia từ khâu sản xuất đến khâu bán lẻ (trừ khâu truyền tải) đó lão ạ. Những ngành quan trọng có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhà nước phải nắm độc quyền và độc quyền quản lý, như tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất, đáy biển. Lão cứ đòi để tư nhân làm hết thì cứ nhìn vào mấy nước phát triển ấy, vai trò người dân ở đó là gì và ai là chủ thực sự của quốc gia đó?
Để cho tư nhân làm, chắc chắn họ chẳng kéo điện đến các bản làng, kéo điện ra hải đảo, vì mức tiêu thụ điện ở những nơi đó chẳng bõ để họ bỏ tiền ra đầu từ hệ thống đường dây cao thế, hạ thế rồi linh tinh hầm bà làng các thứ khác nữa. Tư nhân mà làm thì chỉ có nước phá sản sớm.
Thôi, còn mấy lon bia trong tủ lạnh với con mực khô mụ già này mới nướng đó, lão dậy mà nhậu rồi nằm mà suy nghĩ. Già rồi, không đóng góp được gì thì cũng đừng chọc phá! Người đâu, gìa đầu còn dại!
Hình trong bài: Đưa điện về bản vùng sâu vùng xa.
Ngày 05/06/2023
Ngã Thị Dã
Previous
Next Post »