Những cuộc chuyện trò với đồng hương tại Nairobi đã cho tôi cái nhìn khác về cuộc sống của người Việt ở Kenya.
Dù vất vả hay an nhàn, cơ hàn hay sung sướng thì người Việt ở Kenya vẫn luôn hướng về quê hương.
Những cuộc phiêu lưu đến "lục địa đen"
Trong căn bếp dã chiến chỉ vài mét vuông, chị Đỗ Quỳnh đang chiên chả, chuẩn bị cho buổi chợ phiên chỉ diễn ra một tuần một lần ở Nairobi. Chồng chị kiểm tra chất lượng bia nhà nấu, ba nhân viên người Kenya nhặt rau, nướng thịt và bày biện bàn ghế.
Họ sẵn sàng cho một ngày buôn bán bận rộn. Căn bếp nhỏ tỏa mùi hương của những món ăn Việt Nam điển hình: chả, nem rán, cơm gà, cơm tấm… Họ chưa thể bán phở và bánh mì Việt Nam dù rất nhiều khách hỏi, vì nguyên liệu từ Việt Nam phải "quá cảnh" Trung Quốc rồi mới đến được Kenya, thời gian dài và chi phí vận chuyển đắt đỏ. Giấc mơ mang phở Việt đến Kenya vẫn dang dở.
Quỳnh sinh ra ở Hà Nội, sang Đức sống từ năm 8 tuổi. Chồng chị là người dân tộc Luo của Kenya. Năm 2014, họ quyết định chuyển đến Kenya sinh sống vì an toàn cho các con bởi không muốn thấy các con bị kỳ thị màu da tại Đức. Lựa chọn này có phần hy sinh của chị. Quỳnh từng là một kiến trúc sư, vì chồng chị mê ngành nhà hàng khách sạn nên chị chiều chồng, quyết định khởi nghiệp với món ăn Việt.
Cũng như Quỳnh, chuyển đến Nairobi sống là một chuyến phiêu lưu thật sự với chị Giang. Người phụ nữ hơn 40 tuổi này đang có công việc tốt với cuộc sống ổn định ở Hà Nội.
"Nếu tôi không muốn thì chồng tôi không nhận công tác bên này. Từ lâu tôi có cảm giác bản thân mình đã cũ kỹ và cuộc sống ngày càng nhạt nhẽo. Nếu muốn thay đổi thì bây giờ hay là không bao giờ" - chị quyết định thử thách bản thân, bước khỏi vùng an toàn và làm mới mình.
Họ gặp không ít khó khăn, giai đoạn đầu đến Nairobi, con trai của chị bị trầm cảm vì phải xa bạn bè, người thân, một phần vì không nói được tiếng Anh nên không có bạn và khó theo kịp chương trình học. "Cũng may, giai đoạn khó khăn ấy đã qua!" - chị nói.
Chị Trà, hiện là chủ một salon làm đẹp trên đường Karen, vốn là nhân viên ngân hàng ở Hà Nội theo chồng người Pháp sang Kenya khởi nghiệp. Như phần đông phụ nữ Việt Nam theo chồng ngoại định cư xứ người, chị cũng lận lưng cho mình nghề thẩm mỹ để mưu sinh.
Qua những tiếc nuối cuộc sống cũ, những lo lắng ban đầu, chị mua lại một tiệm làm đẹp đã có sẵn thương hiệu, có khách hàng thân thiết. Việc kinh doanh ổn định rất nhanh, ít người cạnh tranh nên giờ chị kiếm tiền dễ hơn lúc ở Việt Nam.
Còn chị Lan, 48 tuổi, người Hà Tĩnh bán phở ở khu phố Tàu lại không biết một từ tiếng Anh nào, cũng không có người quen nào ở Kenya. Ban đầu chị Lan sang lập nghiệp ở Angola nhưng được 7 năm, kinh tế nước này suy thoái trầm trọng. Chị mày mò sang Kenya buôn bán, chưa làm được gì thì Covid-19 ập đến. Nhưng chị đã thích nghi rất nhanh.
Tôi đang ăn phở trong phòng khách nhà chị, một anh chàng da đen thò mặt vào, chị chạy ra nói "wait!" (chờ tí) rồi chạy vào xách bịch đồ ra đưa anh chàng. "Shipper, đơn nào không gấp thì mình đặt boda (xe ôm) cho đỡ cực". Tôi ghẹo: "Cha! Nói tiếng Anh với người bản địa luôn ha!". Chị cười: "Biết được mấy chữ cơ bản à. Già rồi nhét chữ có vào đâu. Mấy lần đi với boda, cứ rẽ phải thì bảo "tơn lép" (turn left) còn rẽ trái lại bảo hắn "tơn rai" (turn right), hắn nổi cáu, thế là dẹp, không tiếng Anh tiếng em gì nữa, cứ vỗ vai chỉ tay cho chắc".
Phố Tàu nơi chị Lan sống tụ tập đông người Việt nhất với hơn 200 người chủ yếu làm tiếp viên tại các quán karaoke của người Trung Quốc. Theo chị Lan, những nữ tiếp viên này thường chỉ ở Nairobi vài tháng rồi bay sang Dubai chứ không định cư. Nhưng dù có ở lâu dài đi nữa thì họ chỉ nói tiếng Trung và ít giao lưu với người Việt.
Một châu Phi rất khác
"Khí hậu Kenya ôn hòa, không quá lạnh như ở Đức và không quá nóng như ở Hà Nội nên rất dễ chịu" - chị Quỳnh nói. Quả vậy, hầu hết các nước châu Phi tôi đã đi qua đều có khí hậu mát mẻ. Người Kenya rất yêu động vật, và cố gắng bảo tồn động vật hoang dã hết mức có thể. Có lẽ nhờ vậy Kenya mới còn thế giới động vật hoang dã phong phú để du khách tham quan đến hôm nay.
Chị Quỳnh kể, lúc mới sang Nairobi, phiền phức nhất là thủ tục hành chính quan liêu, chậm chạp khiến chị mất hết kiên nhẫn. Nhưng lâu dần chị thích nghi với lối sống chậm này của người Kenya: "Dân ở đây có một câu nói cửa miệng là "hakanu makata", có nghĩa là "no problem" (cứ từ từ!), kiểu như "Hà Nội không vội được đâu" vậy".
Chị Giang thích nhất là được hít thở không khí trong lành và thức dậy trong tiếng chim hót líu lo. "Gia đình, bạn bè ở Việt Nam cứ nghĩ châu Phi nghèo nàn, lạc hậu nhưng thật ra nơi này cũng rất phát triển, khí hậu và môi trường sống quá tuyệt vời".
Chồng chị là nhà khoa học của một viện nghiên cứu nông nghiệp, gia đình chị sống trong một biệt thự xinh đẹp thuộc một khu phức hợp rộng lớn khép kín và tiện nghi, có người phục vụ. So với căn nhà nhỏ trong khu đô thị Vạn Phúc giữa lòng thủ đô Hà Nội thì căn biệt thự sang trọng ngay gần cánh rừng nguyên sinh ở Nairobi này của chị là một nơi đáng mơ ước.
Do chế độ đãi ngộ cho chuyên gia ở Nairobi rất tốt nên ít ai muốn rời đi. Gia đình nào cũng có bốn, năm người giúp việc từ bảo vệ, người nấu nướng, dọn dẹp, làm vườn đến vú em. "Nhiều gia đình đã quen với cuộc sống ở đây nên khi rời đi, sinh hoạt gia đình bị xáo trộn vì không thể thuê được nhiều người làm", chị Giang kể.
Quê hương là chùm khế ngọt
Ở một thái cực khác, cuộc sống ở Nairobi rất khắc nghiệt với một người thân cô thế cô bán phở kiếm sống qua ngày như chị Lan. Chị làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, 2-3 giờ sáng có người gọi thức ăn cũng dậy nấu đi giao nhưng cũng không lời lãi được bao nhiêu.
"2, 3 giờ sáng còn giao cho ai?" - tôi ngạc nhiên hỏi. "Cho mấy người chơi bài trong casino với tiếp viên quán karaoke, giá ban đêm cao gấp hai, gấp ba bọn họ vẫn ăn. Thôi kệ, chịu khó kiếm chút tiền chứ ngủ nhiều mập lên".
Mấy tháng trước chị Lan thuê mặt bằng ở khu phố Tàu bán rất đắt khách nhưng chủ nhà phá hợp đồng lấy lại cửa hàng, chị dọn tạm quán ăn về căn hộ nấu bán mang đi. Chị kiêm từ đầu bếp đến shipper, vừa chế biến nguyên liệu vừa nấu hàng chục món cầu kỳ, vừa đi giao hàng, túi bụi từ sáng tới tối, nhiều khi không có cả thời gian ngủ.
Căn hộ chị đang thuê giá 30 triệu đồng/tháng, là một mức mà chị Lan nói còn khá rẻ, bởi có chỗ còn có giá từ 2000 - 5000 USD/tháng. Chị cho thuê lại hai phòng ngủ giá 10 triệu đồng/phòng, vì "Đỡ được đồng nào hay đồng nấy em ạ".
Kể từ khi rời Việt Nam, chị Lan mới về quê hai lần, lần cuối là trước dịch Covid-19. "Bất đắc dĩ mình mới phải xa quê, xa nhà, xa con, mỗi lần về vé máy bay cao quá, tiếc tiền nên không về". Chị nói có thể cuối năm về đám cưới con gái xong thì chị quay lại Angola chứ không đến Nairobi nữa.
Mặc dù công việc bận rộn và hạnh phúc bên chồng nhưng chị Trà vẫn không nguôi nhớ Việt Nam. Chị thèm được về Hà Nội một thời gian thiệt lâu, la cà cùng bạn bè ăn thỏa thích các món yêu thích.
Mấy đứa con của chị Quỳnh cũng mê thích đồ ăn vỉa hè Việt Nam. "Phải đi xa mới biết ẩm thực quan trọng thế nào trong đời sống, văn hóa và tâm thức của người Việt", chị Quỳnh chia sẻ. Vì vậy, chị chọn ẩm thực Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Nhìn chị tỉ mỉ nắn từng viên chả một, tôi xúc động khó tả. Đứng trong căn bếp sực nức hương vị Việt của chị, tôi hiểu vì sao chị nói: "Người Việt dù có tha hương phương nào, cuộc sống có ra sao và xa quê bao lâu đi nữa cũng không nguôi mong nhớ quê nhà"
TheoTuoiTre
0 Komentar