Làn sóng 'Tây ăn xin' quét qua châu Á

 

Không chỉ Việt Nam, tại một số nơi khác như Hong Kong, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia cũng ghi nhận tình trạng khách Tây ngồi ở vỉa hè ăn xin để kiếm tiền du lịch.

Làn sóng Tây ăn xin quét qua châu Á - Ảnh 1.

"Tây ăn xin" nổi lên như một trào lưu, thu hút những người tham gia ngồi ăn xin để có đủ kinh phí cho các chuyến du lịch nước ngoài thay vì chăm chỉ đi làm và tiết kiệm tiền - Ảnh: DAILY MAIL

Những năm gần đây, người dân tại một số quốc gia và lãnh thổ châu Á đã không còn xa lạ với hình ảnh những du khách da trắng ngồi ăn xin bên vỉa hè cạnh tấm bảng ghi “Hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới” bằng chính ngôn ngữ địa phương.

Những du khách kiếm kinh phí du lịch bằng cách ngồi đợi bố thí như thế này được gọi là begpacker (tạm dịch: du khách ăn mày).

Một ngày “đóng vai” ăn xin

Làn sóng Tây ăn xin quét qua châu Á - Ảnh 2.

Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc ông Stephen Pratt đóng vai một "du khách ăn mày" để nghiên cứu về vấn nạn "Tây ăn xin" tại Hong Kong - Ảnh: CNN

Ông Stephen Pratt, trưởng khoa quản lý khách sạn tại Trường quản trị khách sạn Rosen, đã cùng với một số người bạn học tiến hành nghiên cứu thực tế về vấn nạn "Tây ăn xin" này khi đang học cao học ở Trường đại học Bách khoa Hong Kong.

Vì là người da trắng duy nhất trong nhóm, ông Pratt chính là người đảm nhận “vai diễn” du khách Tây ăn xin.

Sau đó, ông ôm đàn ukulele với một tấm bảng ghi “Xin hãy giúp tôi thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới” bằng tiếng Trung tại một công viên sầm uất ở quận Cửu Long, Hong Kong.

Trong lúc ông Pratt ngồi xin tiền, những người bạn học đợi ở gần đó để theo dõi phản ứng của người dân và trả lại tiền cho những người đã đưa.

Theo quan sát của ông Pratt, những người Tây ăn xin này được chia thành 3 nhóm, gồm những người hát rong hoặc chơi nhạc cụ, những người bán các món hàng lưu niệm nhỏ và số còn lại là chỉ ngồi xin tiền tại những nơi đông người qua lại.

Nghiên cứu của ông cho thấy phản ứng của những người qua đường có xu hướng tích cực hơn đối với những du khách hát rong, chơi nhạc cụ hoặc bán hàng lưu niệm. 

Sự khinh miệt đến từ những người đồng hương

Ông Pratt cho biết hình ảnh về những người khách “du lịch ăn xin” này chắc chắn sẽ lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội và tạo ra những hiệu ứng tiêu cực.

“Việc làm xấu hổ này đã làm dấy lên quan điểm cho rằng những chuyến du lịch nước ngoài chỉ dành cho một tầng lớp nhất định hoặc những người có mức thu nhập ổn định”, ông Pratt nhận xét.

Ngoài ra, ông Joshua Bernstein, giáo sư viện ngôn ngữ tại Đại học Thammasat, Thái Lan, cho rằng sự kỳ thị và phản đối những người Tây ăn xin này chủ yếu đến từ những người đồng hương của họ.

Bởi theo họ, hành động ngồi đợi bố thí như thế này chẳng khác nào đang lợi dụng lòng tốt của những người dân địa phương.

“Những người dân địa phương chỉ quan tâm đến việc dừng chân lại một chút để trò chuyện hoặc mua đồ mà thôi”, ông Bernstein kết luận sau một thời gian dài quan sát người Tây ăn xin ở thủ đô Bangkok.

Cũng theo ông Bernstein, những du khách này hoàn toàn không giàu. Họ ở trong những nhà trọ rẻ tiền chỉ vài USD một đêm, ăn thức ăn đường phố.

Tây ăn xin chuyển dần sang “ăn xin online”

Làn sóng Tây ăn xin quét qua châu Á - Ảnh 3.

Bức ảnh về một nữ du khách ngồi thiền để xin tiền tại Phú Quốc, Việt Nam năm 2017 - Ảnh: TWITTER

Giáo sư Bernstein tin rằng những “du khách ăn mày” này đang dần chuyển sang hành nghề online thay vì ngồi vỉa hè như trước.

Các du khách này kêu gọi quyên góp tiền để làm kinh phí du lịch thông qua các trang web như Go Fund Me, dịch vụ thanh toán di động Venmo hay trên chính trang mạng xã hội của mình.

Bên cạnh đó, một số du khách cũng chọn cách thu hút một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội và gửi yêu cầu những khán giả này quyên góp tiền cho mình.

“Biết đâu người hát rong xin tiền ngày hôm qua lại chính là một nhà sáng tạo nội dung mà các bạn nhìn thấy trên mạng xã hội ngày hôm nay”, ông Bernstein nói.

TheoTuoiTre

Previous
Next Post »