Vĩnh biệt Đại tướng của dân Võ Nguyên Giáp

Tôi viết mấy dòng này khi máy bay chở linh cữu Đại tướng vừa hạ cánh xuồng sân bay Đồng Hới, nơi an nghỉ cuối cùng của vị Đại tướng anh hùng Võ Nguyên Giáp.
Mấy ngày nay tôi đang dưỡng bệnh tại nhà, nhưng vẫn không quên hàng ngày mở mạng xem TV, tìm hiểu thông tin bên ngoài. Quả thực nhiều khi tôi phải đọc rất nhanh, hoặc lướt qua cố tránh những xúc động tức thời ảnh hường tới bệnh tật.
Ngay hôm đầu tiên khi chưa có thông báo của nhà nước, tôi đã nhận được “E.Mail” anh bạn từ Đức gửi về báo tin Đại tướng qua đời, kèm theo bài thơ vĩnh biệt người coi như một lời điếu kính viếng. Tiếp theo mấy người bạn cũng ở Đức gửi thư hưởng ứng, đề nghị Hội CCB tại đây tổ chức lễ cầu nguyện cho Người. 
Một ông bạn ít tuổi hơn là chủ cửa hàng ăn ở trung tâm Hamburg gửi một bức thư ngắn với nối niềm tiếc thương, kèm theo tấm ảnh được chụp với vợ chồng Đại tướng. Ngày đó ông ấy là đại biểu Hội cộng đồng người VN ở Đức về tham dự Hội nghị các doanh nghiệp trẻ (Người đứng hàng hai, thứ 5 từ trái sang phải). Ông ấy vốn là lính đặc công xưa, nay đã xấp sỉ 60 cùng với các CCB khác vẫn luôn luôn tự hào là lính “Cụ Hồ”, là quân của tướng Giáp.
Nơi tôi ở một làng xưa nay đã lên phố của Hà Nội đâu đâu cũng nói chuyện về tướng Giáp, đường phố vẫn như xưa, nhưng hôm nay không ồn ào loa đài, vắng hẳn bọn trẻ nô đùa trước sân ngõ nhà tôi dù là ngày nghỉ, toàn ngõ làng vẻ trang nghiêm hơn ngày thường. 
Mấy ông bạn CCB chiến trường Tây Trường Sơn tập trung bên nhà ông hàng xóm liền kề, trên chiếc xe ba bánh treo lá cở đỏ sao vàng, có chiếc gắn hẳn một băng ron khẩu hiệu nền đỏ, chữ vàng ""Đời đời nhớ ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Vẻ  mãn nguyện hiện lên khuôn mặt vì vừa được vào viếng Đại Tướng tại 30 Hoàng Diệu lúc sáng ngày kia.
Thời chiến tranh chống Mỹ bắn phá miền Bắc tôi cũng là lính phòng không, nhiều lần được học tập các chỉ thị của Quân ủy, của Đại tướng. Nhưng nhớ nhất là dịp máy bay Mĩ thả pháo sáng rực góc trời dồi núi bắn phá suốt đêm Truông Bồn, Nghệ An. Lúc đó trung đoàn pháo cao xạ của tôi đóng quân ở Thanh Phong, Thanh Chương, Nghệ An. Sau trận ấy từ cấp Trung đội trở lên chúng tôi được triệu tập về Trung đoàn bộ, quán triệt chỉ thị của Đại tướng kí tên Văn, quyết tâm bảo đảm vận tải cho tiền tuyến niềm Nam đánh Mỹ.
Trước ngày để tang chính thức, bà Nhu gửi cho tôi chiếc băng tang để treo cờ rủ. Vì sức khỏe tôi không đi viếng được Người, nhưng tôi vỗn là CCB tôi treo lá cờ rủ trước nhà để tỏ lòng tiếc thương vị Đại tướng của dân - người Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.
 
Vĩnh Thắng


Previous
Next Post »